"Không ngày nào tôi không nghĩ về người mẹ đã sinh ra mình với những câu hỏi như không biết bà trông như thế nào, đang sống ra sao", Clement Cuong Herissard, 29 tuổi, nói.
Chàng trai mang quốc tịch Pháp chào đời tháng 10/1994 tại Bệnh viện Hùng Vương (quận 5, TP HCM). Mẹ anh, người chỉ biết tên là bà Lê Thị Hồng Vân, khi đó mới 18 tuổi sau khi sinh đã làm thủ tục cho con, nhờ bệnh viện tìm người nuôi giùm vì "hoàn cảnh không chồng, gia đình không đồng ý". Đứa bé được đặt tên là Lê Tuấn Cường và chuyển về nuôi dưỡng tại Nhà nuôi trẻ mồ côi Gò Vấp.
Cùng năm đó, vợ chồng ông Pierre Herissard từ Brittany, vùng duyên hải phía Tây nước Pháp quyết định sang Việt Nam nhận con nuôi theo truyền thống gia đình. "Bố tôi luôn muốn mang đến cho những đứa trẻ mồ côi cơ hội có một gia đình đủ đầy, hạnh phúc. Ông đã nhận tới 9 người con nuôi", ông Pierre Herissard nói.
Mùa đông 1994, bà Laurence Herissard (vợ ông) một mình bay sang Việt Nam tìm đến Nhà nuôi trẻ mồ côi Gò Vấp và được giới thiệu một bé sơ sinh tên Lê Tuấn Cường. "Tôi yêu thằng bé ngay từ khoảnh khắc đầu tiên bế nó trên tay", bà Laurence nhớ lại. Ban đầu, bà định ở Việt Nam hai tuần để làm thủ tục nhận nuôi Cường nhưng một loạt những trục trặc phát sinh khiến thời gian kéo dài thành hai tháng.
"Có lần tôi đã phải nói hoặc là Cường hoặc tôi sẽ về nước mà không có đứa con nào khác. Rất may là cuối cùng các thủ tục đều hoàn tất", bà Laurence kể.
Đứa trẻ Việt theo bà sang Pháp và trở thành con thứ ba của gia đình. Vợ chồng bà đặt tên cho cậu bé Việt là Clement Cuong, như một cách để con không quên gốc gác của mình.
Binic, thị trấn nơi Clement lớn lên không nhiều những đứa trẻ gốc Á. Dù được bố mẹ yêu thương, anh vẫn cảm thấy lạc lõng và khác biệt. Từ năm 9 tuổi, Clement đã thường nhốt mình trong phòng riêng, không muốn trò chuyện cùng mọi người. "Tôi cảm nhận mình không thuộc về nơi này", Clement nói.
Rất may là ở Binic có một vài gia đình người Việt di cư, có con cái trạc tuổi Clement nên thi thoảng cậu bé sang đó chơi. Họ dạy anh dùng đũa và cuốn chả giò. Dù không hiểu tiếng Việt, anh vẫn cảm thấy thứ tiếng này "hay hay" và nhen nhóm những kết nối kỳ lạ.
Ở nhà, ông Pierre Herissard chuẩn bị cho cậu con trai gốc Việt một chiếc kệ chứa khá nhiều sách và hình ảnh về Việt Nam. "Hãy đọc về quê hương con", ông dặn dò. Năm Clement lên 12 tuổi, bố mẹ nuôi trao lại tập giấy tờ khai sinh và những thông tin ít ỏi về người mẹ đã sinh ra cậu.
Chàng trai kể, từ hôm đó ước mơ được nhìn thấy khuôn mặt mẹ đẻ bùng lên trong lòng. "Những đứa trẻ lớn lên thường bắt đầu tò mò về việc chúng giống bố hay giống mẹ, riêng tôi không có được điều nhỏ nhoi ấy", Clement nói.
Năm 18 tuổi, Clement quyết định không học đại học, đi Paris làm việc. Hai năm sau, anh sang Việt Nam du lịch lần đầu tiên cùng bố. Từ sân bay Tân Sơn Nhất về đến khách sạn, chàng trai đã chụp rất nhiều ảnh bởi quê hương Việt Nam khác xa những gì anh tưởng tượng. ""Vùng đất này khác xa nơi tôi lớn lên nhưng ngay từ giây phút đầu tiên tôi đã có một cảm giác thân thuộc như được trở về nhà, thật khó để có thể diễn tả", anh kể.
Trong chuyến du lịch, Clement tranh thủ dò tìm thông tin về mẹ. Anh đưa những người xe ôm bức ảnh chụp lại tòa nhà nơi mình sinh ra nhưng tất cả đều lắc đầu không biết vì họ cho rằng sau 20 năm, hình dáng, vị trí các tòa nhà đều đã thay đổi.
Gác lại hy vọng tìm mẹ ruột, Clement cùng bố du lịch suốt hai tuần nhưng đến ngày cuối cùng trước khi lên máy bay về Pháp, anh bất ngờ nhận được điện thoại từ một người xe ôm nói rằng đã tìm ra nơi anh chào đời nhờ vào bức phù điêu mẹ ôm con. Đó là Bệnh viện Hùng Vương ở quận 5.
Anh cùng bố vội vã đến bệnh viện, tuy nhiên, mọi thông tin đều rất mơ hồ bởi sau 20 năm những vú em chăm sóc trẻ vào năm 1994 đa phần đã nghỉ hưu. Khi Clement chuẩn bị rời đi, một bác sĩ lớn tuổi bước vào. Xem bức ảnh Clement đưa, ông nhận ra bà Bích Nga, người vú em năm xưa đã chăm sóc anh.
"Mọi thứ xảy ra sát nút khiến tôi thấy mình thật may mắn", chàng trai 29 tuổi nói. Tuy nhiên, bà Bích Nga cũng không có thông tin về mẹ ruột của Clement. Bà chỉ nhận ra Clement là cậu bé ngày xưa mình từng ẵm bồng, có khuôn miệng nhỏ hay cười. Bà mời anh đến nhà chơi và nấu cơm mời anh. Điều đó làm chàng trai gốc Việt cảm thấy ấm áp và được an ủi.
Ngày cuối cùng ở Việt Nam với câu chuyện tìm mẹ dang dở, Clement ngập ngừng nói với ông Pierre Herissard: "Con ở lại nhé?". Bố anh lập tức gật đầu, ủng hộ quyết định của con. Trong chiều cùng ngày, anh đã làm thủ tục để gia hạn thị thực.
Đoán chắc là quá trình tìm kiếm sẽ rất kéo dài và tình cảm đặc biệt với nơi chôn rau cắt rốn, Clement xin làm đại diện tại Việt Nam cho một công ty thiết bị vệ sinh của Pháp.
Ở Việt Nam một mình, anh tiếp tục đi tìm mẹ. Địa chỉ bà để lại trong giấy cho con ở huyện Nhà Bè, nay trở thành một phần quận 7. Tuy nhiên, chủ nhân ngôi nhà đã thay đổi nhiều lần trong suốt 20 năm nên anh không thể có thêm manh mối nào.
Có lần, Clement kết bạn với một số tiểu thương tại chợ Bến Thành, quận 1. Họ đã tìm kiếm, giới thiệu anh khoảng ba người phụ nữ cùng độ tuổi với mẹ ruột nhưng khi ráp nối các thông tin chi tiết, anh lại thất vọng trở về.
Chàng trai 29 tuổi cho biết anh đã tìm kiếm từ khóa về "tên, tuổi, địa chỉ" của mẹ hàng chục lần trên Google. Một người bạn nói nơi mẹ anh sống trước kia thuộc xã Tân Quy Tây, huyện Nhà Bè. Họ khuyên anh nên bắt đầu tìm từ tên trường cấp 2, cấp 3 tại khu vực này vào thập niên 90. "Thông qua nét chữ, họ đoán mẹ tôi là một cô gái được học hành đầy đủ", Clement nói. Tuy nhiên, việc tìm kiếm này vẫn chưa có kết quả.
Hơn một tuần qua, sau khi anh đăng tải câu chuyện về mẹ trên nhiều diễn đàn mạng xã hội, hàng chục người đã liên hệ, thậm chí đi xác minh thông tin giúp dù chỉ là những người không quen biết.
Clement nói chưa bao giờ giận mẹ. "Nếu không yêu tôi, mẹ có thể đã bỏ lại tôi ở vỉa hè nào đó. Tuy nhiên, mẹ đã chọn cách cho đi nghĩa là mong tôi một cuộc sống tốt đẹp hơn", anh nói.
Dù mọi nỗ lực vẫn chưa có kết quả, chàng trai vẫn tin rằng sẽ gặp được mẹ trong ngày không xa.
Bà Bích Nga, người vú em năm xưa đã dõi theo Clement suốt những năm tháng tìm kiếm đã qua. Bà biết anh đã nỗ lực tìm mẹ thông qua những kết nối từ bạn bè, người quen tại Việt Nam. Dù bất thành, chàng trai này vẫn không nản chí, luôn mở rộng kết nối từ mạng xã hội với hy vọng có thêm thông tin về mẹ ruột. Tuần trước, bà Nga đã khóc khi đọc được bài viết của Clement tìm mẹ trên diễn đàn.
"Tôi thương Clement như con. Mong rằng ngày nào đó, cậu ấy sẽ được ôm lấy mẹ mình", bà nói.
Ngọc Ngân