Tình yêu Việt Nam của Inoue Keiichi bắt đầu từ tháng 3/2018 khi chàng trai Nhật Bản 25 tuổi đi du lịch nước ngoài lần đầu tiên.
Đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, cô ruột của anh bạn người Việt đã đứng chờ sẵn. Keiichi ngay lập tức có cảm giác thân quen vì cô rất thân thiện và chu đáo lo cho anh từ việc đi lại, sắp xếp chỗ ở, gợi ý chỗ ăn.
Ngày đầu ở TP HCM, Keiichi bị món bánh mì "hớp hồn". Nước sốt tương ớt chua ngọt, kẹp thịt nướng, phết pate ăn kèm đồ chua khiến anh có thể ăn ngày ba ổ mà không chán.
"Những ngày tiếp theo tôi được thử thêm các loại từ bánh mì Hội An, bánh mì chấm sữa, bánh mì gối. Loại nào cũng ngon dù vị ngọt, mặn khác nhau", anh kể.
Chuyến đi đó vì thời gian không có nhiều nên Keiichi cảm thấy tiếc nuối không được thưởng thức thêm những món khác. Dẫu vậy, khi lên máy bay về nước chàng trai vẫn cố xách thêm vài ổ bánh mì.
Về nước, anh đi tìm những nơi bán bánh mì Việt để ăn và thử qua hơn 20 cửa hàng. Ba tháng sau, anh mua vé trở lại đất nước này.
Lần này anh quyết định một mình du lịch từ Nam ra Bắc trong một tháng để thỏa mong ước "ăn đồ chuẩn Việt", tập trung vào các món đặc trưng của từng vùng miền như hủ tiếu gõ, bánh tráng trộn, bánh canh cua hay phở, bún ốc, bia hơi. "Có ngày tôi phải ăn 6-7 bữa, hôm thì vừa ăn bánh cuốn vừa uống tận hơn 6 lon bia Hà Nội, ăn ba bốn cốc chè một lúc vẫn không thấy chán", anh nói.
Keiichi cho biết thích đồ Việt đến nỗi kể cả những món có mùi như bún đậu mắm tôm, sầu riêng lần đầu ăn khiến anh suýt nôn nhưng giờ lại nghiện. "Sầu riêng giờ mỗi tháng tôi phải ăn một quả, không ăn không chịu được", anh kể.
Nhưng Keiichi nói ẩm thực chỉ là người dẫn đường đến với tình yêu văn hóa, đặc biệt lối sống của người Việt. Anh bất ngờ với việc mọi người đi làm bằng xe máy nhiều đến tắc đường, cảnh chở hàng chất đống trên xe máy nhỏ xíu hay cả thói quen ngủ trưa của người Việt đều là những thứ anh chưa từng được trải nghiệm ở Nhật. "Ở Việt Nam còn có văn hóa mai mối, tôi xấu hổ mỗi khi được người lớn giới thiệu con gái của họ cho mình", anh nói.
Ngày cuối ở Việt Nam, anh dành vài tiếng ngồi cà phê vỉa hè ở TP HCM rồi mang theo bộ áo dài vừa mua bịn rịn về nước. "Tôi rất nhớ Việt Nam mỗi lần phải rời xa nơi này, có đợt mới về Nhật được vài hôm, tôi lại mua vé đi tiếp. Tôi yêu cách người Việt gần gũi, đùm bọc lẫn nhau", Keiichi nói.
Cứ như thế tình yêu Việt Nam của Keiichi ngày càng lớn. Số lần sang Việt Nam của anh cũng ngày một dày hơn. Từ đầu năm 2023 mỗi tháng anh sang một, hai lần vì thích được giao lưu, trò chuyện với người Việt.
Sang nhiều nhưng điều khiến chàng trai Nhật không hài lòng với bản thân là tiếng Việt còn quá ít. Những lúc muốn nói chuyện hay khi muốn tự sáng tác và hát rõ lời những ca khúc bằng tiếng Việt anh đều cảm thấy bất lực vì không thạo tiếng. Cuối cùng, tháng 9/2023 Keiichi quyết định ở lại TP HCM sinh sống để học và hiểu hơn về văn hóa nơi đây.
Minh Hiếu, 29 tuổi, kể gặp Keiichi lần đầu ở Đà Lạt vào năm 2018 qua lời giới thiệu của một người bạn chung. Cô đã ngỏ ý cho chàng trai Nhật ở nhờ nhà mình khi biết anh muốn khám phá cuộc sống sinh hoạt của người Việt.
Ấn tượng đầu tiên của cô về Keiichi là những lần anh thể hiện biểu cảm hạnh phúc khi được ăn cơm nhà do mẹ cô nấu với những món rất bình dân như trứng rán, canh cua, thịt kho tàu.
"Đi đến đâu Keiichi cũng tìm cách bắt chuyện với các cô bán hàng rong. Anh ấy không hề kén ăn với đồ Việt, thậm chí món gì cũng khen ngon", Hiếu nói.
Mới đây khi chứng kiến Keiichi ở phòng thu âm hơn 14 tiếng để tập hát bài hát Việt Nam anh tự sáng tác, cô đã rưng rưng xúc động. "Chính vì sự chân thành của Keiichi khiến bố mẹ tôi rất quý anh, lần nào anh đến chơi nhà cũng đãi mâm cơm Việt đủ món anh thích", Hiếu tâm sự.
Đến giờ, Hiếu vừa là bạn vừa là phiên dịch viên hỗ trợ anh trong thời gian du học tại Việt Nam.
Hơn 5 năm "cảm nắng" Việt Nam, Keiichi còn được nhiều người biết đến với cái tên Vietnam Kun qua những video nhận được hàng triệu lượt xem với nội dung thưởng thức đồ ăn Việt, ngắm cảnh đẹp tại đây cũng như hát những ca khúc nổi tiếng của Việt Nam bằng tiếng Nhật. "Kun theo tiếng Nhật dùng để gọi kèm tên con trai, thay vì Keiichi Kun mình muốn đặt VietNam Kun để mọi người nhớ tới mình là chàng trai yêu Việt Nam", anh giải thích.
Keiichi cho biết anh vừa đón Tết dương lịch ở Việt Nam thay vì về quê hương sum họp cùng gia đình. Cảnh mọi người tụ tập đông đúc lên trung tâm thành phố xem sự kiện âm nhạc, cùng nhau xem bắn pháo hoa khiến anh cảm giác tất cả như người một nhà, thấy ấm áp và hạnh phúc lây.
"Đã ở Việt Nam trải qua bốn mùa xuân, hạ, thu, đông nhưng chưa từng ăn Tết cổ truyền, năm nay tôi sẽ ở lại đây để ăn Tết", anh nói. Trước đây, vào ngày lễ Tình nhân 14/2 hay ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, anh thường tặng hoa hồng cho người Việt anh bắt gặp trên đường phố tại Nhật Bản. Ngoài ra anh còn mặc đồ của Grab tự đặt thử thách phát tặng mì tôm Việt Nam, tặng bánh kẹo Nhật Bản cho hàng trăm người Việt.
Chàng trai thừa nhận có chút lo lắng khi nghe tin dịp Tết âm lịch là thời gian mọi người nghỉ ngơi, quán hàng sẽ đóng cửa, mọi người về quê cùng gia đình. Dù vậy, nghĩ đến cảnh được tham gia trải nghiệm gói bánh chưng, ăn thịt đông, dưa hành hay xem lễ hội truyền thống, những thứ chỉ diễn ra vào ngày Tết khiến anh vui vẻ trở lại.
"Có thể tôi sẽ xin ăn tết ở nhà vài người bạn Việt Nam thân thiết. Nhìn đường sá ngày cận Tết nhộn nhịp, người mua đào, người mua đồ trang trí khiến tôi rạo rực, mong chờ", Keiichi nói. "Văn hóa này hoàn toàn không có ở Nhật Bản, càng thêm trân trọng thời gian du học ở Việt Nam".
"Tôi hạnh phúc khi được nhiều người Việt yêu thương, từ những clip, trải nghiệm ở Việt Nam, tôi mong muốn sẽ là cầu nối để kết nối văn hóa Việt-Nhật hiện tại và trong tương lai", Keiichi tâm sự.
Thanh Nga