Hướng dẫn ép tim sơ cứu người ngưng tim ngưng thở
(Thực hiện các động tác sơ cứu cho đến khi nạn nhân tỉnh lại)
Chàng trai được đồng nghiệp ngắt nguồn điện, hô hấp nhân tạo rồi đưa vào một bệnh viện tại Thủ Đức cấp cứu lúc đã ngưng tim ngưng thở. Các bác sĩ đánh sốc điện, hồi sinh tim phổi để cứu tính mạng bệnh nhân. Sau vài ngày điều trị vẫn không cải thiện tri giác, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Thống Nhất.
Tiến sĩ Hoàng Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, Bệnh viện Thống Nhất cho biết sau hơn 10 ngày điều trị bệnh nhân vẫn phải thở máy vì chưa thể tự thở được, dùng thuốc an thần. Bệnh nhân có dấu hiệu tổn thương não, đồng tử giãn, phản xạ với ánh sáng rất yếu.
"Nạn nhân bị điện giật nếu được cấp cứu kịp thời, sau vài phút hay vài giờ hồi phục hẳn thì thoát tình trạng nguy kịch; trường hợp sơ cứu chậm thì tổn thương rất nặng nề, có thể tử vong, sống thực vật hoặc ảnh hưởng tâm thần", bác sĩ Quang phân tích. Quá trình phục hồi của bệnh nhân này rất chậm, tiên lượng khó khăn.
Giáo sư Nguyễn Đức Công, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết các bác sĩ rất đau lòng, xót xa khi điều trị những ca bị điện giật đe dọa tính mạng. Nếu được sơ cứu ban đầu tốt và đúng cách, khả năng nạn nhân được cứu sống rất cao. "Rất tiếc là hiểu biết và thực hiện kỹ thuật cấp cứu ngừng tim, ngừng thở ban đầu của người dân còn rất hạn chế", bác sĩ Công nói. Năm ngoái Bệnh viện Thống Nhất tiếp nhận cấp cứu 4 bệnh nhân bị điện giật thì 3 người tử vong, một người phải sốc điện đến 50 lần mới cứu được. Đa số nạn nhân trong độ tuổi lao động, trẻ khỏe.
Bác sĩ Công cho rằng những cái chết đáng tiếc hoàn toàn có khả năng tránh được này đặt ra vấn đề về giáo dục, thực hành sơ cứu cộng đồng. "Trường phổ thông, đoàn thanh niên, cộng đồng và ngành y tế cần phối hợp để tổ chức các lớp tập huấn, thực hành kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản", bác sĩ chia sẻ.
Lê Phương