Ngày 3/6, không đến trường dạy như thường lệ, Vũ Ngọc Quang, chàng giảng viên 28 tuổi lên ô tô, theo đoàn từ Hà Nội tới Quảng Bình, bắt đầu hành trình chinh phục hang động lớn nhất thế giới. Với nhiều người, hành trình đến Sơn Đoòng là niềm mơ ước, còn với anh, người có khiếm khuyết bàn tay phải bẩm sinh, giấc mơ ấy lớn gấp nhiều lần.
Là người đam mê dịch chuyển, học xong cấp 3, Quang thường tự mình đi du lịch. Chuyến đi đáng nhớ nhất có lẽ là hành trình phượt xuyên Việt, trên 2 chiếc xe Win cùng một người học trò cũ vào mùa hè 2017. Cùng năm đó, khi được biết về tour Sơn Đoòng và xem nhiều hình ảnh, video về nó, anh có thêm niềm ao ước là đặt chân tới đây. Tuy nhiên, khi tìm hiểu, anh được biết các suất trong chuyến đã được đặt hết đến cuối năm 2018.
"Mơ ước lắm nhưng nghĩ người ta chờ đợi tới một, hai năm còn không được, mà tay chân mình thế, thì càng khó mà được đi". Dù hụt hẫng, năm nào Quang cũng hỏi thông tin từ một người bạn, để sẵn sàng đăng ký. Đến năm nay, khi vô tình thấy quảng cáo về tour khám phá Sơn Đoòng kích cầu du lịch sau dịch, anh đã quyết định đăng ký trong "một nốt nhạc".
Ngày điền vào bản đăng ký cũng giống như ngày nộp hồ sơ thi đại học, thậm chí còn căng thẳng hơn. Ghi đầy đủ thông tin cá nhân, kinh nghiệm của bản thân về các chuyến đi, các trải nghiệm mạo hiểm từng thử qua, Quang "bơ đẹp" về bàn tay của mình. "Trong phiếu đăng ký hỏi gì mình trả lời chân thực đến đó. Có câu hỏi về tình trạng sức khỏe, thì mình tự tin vào thể lực của mình. Hàng ngày mình đều tập thể dục và rèn luyện thân thể", anh vui vẻ kể lại.
Sau khi qua vòng hồ sơ, Quang vui sướng hơn đỗ đại học, cả nhà cũng chúc mừng vì anh là thành viên đầu tiên, thực hiện được ước mơ đến với Sơn Đoòng. Tuy nhiên, sau vòng này, anh cần phải gặp các nhân viên của công ty du lịch. Xin nghỉ việc 6 ngày, Quang không nói với bất kỳ đồng nghiệp nào, vì sợ "nói trước bước không qua". Sở dĩ anh cần 6 ngày nghỉ phép vì hành trình của tour là 6 ngày 5 đêm, trong đó có 3 đêm ở trong hang.
3, 4 ngày trước khi đi, anh mất ngủ, ngày nào cũng nghĩ về chuyến đi. Phần vì háo hức, phần vì nỗi lo lớn nhất là không được tham gia. "Trước đây, mình thường xuyên bị từ chối. Ngay cả khi đã thi đỗ vào trường để theo nghề múa, người ta cũng không muốn cho mình học. Vì họ không tin mình có thể làm được".
Tâm trạng bồn chồn ấy theo anh cho tới Đồng Hới và chỉ biến mất sau bữa tối đầu tiên cùng đoàn, khi anh nói chuyện cùng chuyên gia trong hành trình, bà Limbert Deb, 60 tuổi người Anh. Khi ấy, bà dặn dò anh cần phải hết sức thận trọng trong hành trình sắp tới và sẽ chú ý tới anh nhiều hơn.
Khi được hỏi về hành trình của Quang, bà Deb cho biết, bà đã làm việc ở Oxalis Adventure, đơn vị duy nhất tổ chức các chuyến đi đến Sơn Đoòng trong 8 năm. Bà khá bất ngờ về trường hợp của Quang, vì anh không đề cập đến bàn tay của mình khi đăng ký. "Tuy nhiên, Quang còn trẻ, khỏe mạnh, có kinh nghiệm trong trekking và rất quyết tâm, vì vậy tôi đồng ý để cậu ấy tham gia. Tôi không nghĩ cậu ấy có vấn đề gì đặc biệt, trong chuyến đi còn khá trầm tĩnh và ít nói".
Bà cho biết thêm, đơn vị có chương trình để sẵn sàng hỗ trợ những du khách bị thương trong tour. Những điều này có thể hữu ích khi áp dụng vào trường hợp của Quang. Trong chuyến đi, luôn có thành viên đội an toàn theo sát và hỗ trợ anh.
Đối với tôi, thiếu đi một bàn tay đôi khi lại là một điều may mắn. Đó là ít đi một thứ có thể dễ bị thương.
Sau đêm nghỉ đầu tiên ở Phong Nha, cả đoàn bắt đầu hành trình băng rừng rậm trong vườn quốc gia, vượt qua con đường dốc đá cao gập ghềnh, nhiều sông suối để đến được hang Én. Hang là lối vào để đến với Sơn Đoòng.
Trước đây Quang từng nghĩ những bức ảnh, video về hang Én đã phóng đại vẻ đẹp của nó. Nhưng khi chứng kiến tận mắt, anh không khỏi sững sờ trước vẻ đẹp hùng vĩ ấy, "bên trong hang động như có một bãi biển".
Cả đoàn phải leo lên các khối đá lớn xếp chồng lên nhau để đến với bãi trại. Từ đây, có thể thấy một cửa hang lớn, nơi ánh sáng chiếu rọi. Cạnh đó là hồ nước trong xanh để mọi người có thể bơi lội. Trong ngày đầu tiên, nếu du khách không thể hoàn thành các chặng một cách dễ dàng, sẽ phải ngay lập tức trở lại Phong Nha và không được tiếp tục chuyến đi.
Ngày thứ 2, cả đoàn tiếp tục băng rừng khoảng 2 tiếng, xuyên hang Én để đến với Sơn Đoòng. Cửa hang không quá lớn và mọi người cần
đeo đai an toàn và leo xuống.
Cả đoạn đường xuống dốc rất tối, Quang phải quay mặt vào vách để nhìn đường đi, đảm bảo an toàn. Ngay khi bước xuống thềm trong lòng hang, quay lưng lại, trước mắt anh là khung cảnh kỳ vĩ với vô số tòa thạch nhũ và vách đá mọi bên.
"Khi nhìn thấy hang Én, sự rộng lớn và vẻ đẹp của hang đã khiến mình thấy vô cùng thỏa mãn. Đến khi tới được Sơn Đoòng, mình có cảm giác như có thể thả hang Én lọt thỏm trong lòng hang động lớn nhất thế giới này".
Trước khi đi, anh thường nghĩ đi trong hang động sẽ là những đoạn đường bằng. Nhưng thực chất, hang có địa hình vô cùng đa dạng, từ những dốc đá lớn, đồi cát đến đoạn đường nhiều đá nhọn, được hình thành do nước chảy liên tục xuống đá trong hàng triệu năm. Khi ấy, cứ đi được khoảng 20 - 30 phút, Quang lại có cảm giác như được chuyển qua một thước phim mới.
Từ điểm cắm trại, anh có thể trông thấy hố sụt 1 phía xa. Ánh sáng mặt trời lan được đến đâu, ở đó là thảm thực vật trải xanh rì. "Trong khoảnh khắc ấy, người tôi đơ lại, tôi không biết mình đang ngắm nhìn thứ gì. Ở đó giống như một khu rừng trong hang, lưng chừng là những đám mây không ngừng chuyển động".
Sau khi nghỉ ngơi và cất đồ tại trại, đoàn sẽ được đến sông ngầm. Trái ngược với tưởng tượng về hồ nước lớn và có thể thư giãn của Quang, cả đoàn phải mặc áo phao, tiếp tục đi xuống sâu hơn nữa. Qua con dốc dựng nguy hiểm là một khe đá, chỉ vừa đủ 2 cánh tay dang rộng. Là người xuống sau, anh nghe rõ tiếng hét của những người đi trước, điều này càng khiến anh căng thẳng.
"Ngay khi chạm chân xuống mặt nước, mình cũng hét lớn. Hét vì nước quá lạnh, chỉ khoảng 12 - 13 độ theo cảm nhận của mình". Ngay sau khi bà Deb tắt chiếc đèn pin cuối cùng, bao trùm trong không gian là một màu đen kịt, không le lói dù chỉ là tia sáng nhỏ. Khi ấy, Quang sững lại, không còn nghĩ được gì và dường như quên mất điều mình sắp nói.
Ngày tiếp theo, đoàn tiếp tục đi sâu và luồn lách qua vòm hang nhỏ. Do những tảng đá sập, xếp chồng lên nhau, mỗi người đều phải bỏ ba lô sang trước rồi mới len người qua. Khi hết vòm hang, đoàn leo bằng dây thừng để qua phía bên kia của hố sụt 1 và đến với hố sụt 2.
Băng qua nhiều đoạn đường trơn trượt, đoàn tới được Vườn địa đàng. Ở đây, Quang sững lại trước những tia nắng như đang rơi xuống cửa hang, phía dưới là khu rừng nơi có đàn bướm bay lượn. Từ đây, đoàn đến với hang tối để tìm hiểu những sinh vật đặc biệt sống trong hang như cá mù, nhện mù. Những đặc điểm này của chúng được hình thành trong quá trình thích nghi với môi trường sống không có ánh sáng.
Khi nhìn thấy những con cá trong suốt, không có mắt, Quang lập tức liên tưởng tới tiểu thuyết viễn tưởng Hành trình vào tâm trái đất của Jules Verne. Ngay cả bây giờ khi đã về nhà, anh vẫn thường tưởng tượng về một thế giới sâu trong lòng đất, nơi có hệ sinh thái và những sinh vật đặc biệt chưa được tìm thấy.
Sau khi về, tôi chẳng còn thấy tòa nhà nào đẹp nữa. Những kiến trúc nhân tạo dù vĩ đại và kỳ công tới đâu, cũng không thể bằng thiên nhiên.
Ngày thứ 4, đoàn trải nghiệm một trong những hoạt động kịch tính nhất, chinh phục Bức tường Việt Nam. Đây là khối thạch nhũ khổng lồ, dài và
cao hàng trăm mét, được hình thành trong quá trình kiến tạo vỏ trái đất.
Trên đường, đoàn phải đi qua một lòng hồ cạn nước, bên dưới là bùn sình đặc quánh, cao ngập đầu gối. Nhiều đoạn đường là đá nhọn do nước bào mòn. Với Quang, đường leo bức tường là đoạn khó đi và mất sức nhất, anh phải vượt qua những đoạn đường dốc, trơn và nguy hiểm.
Những người tham gia hành trình phải đeo đai an toàn, leo dây thừng với sự hỗ trợ của đội ngũ an toàn. Sau khi tới đỉnh của bức tường, đoàn băng rừng khoảng 2 tiếng để tới đường, kết thúc thám hiểm Sơn Đoòng.
Nghĩ về hành trình, Quang nhớ lại những đoạn đường phải bò, dò dẫm từng bước một trên vách đá hay thủng giày vì đá nhọn. Nhiều đoạn yêu cầu nắm dây thừng để leo dốc, anh phải cuốn chặt dây vào cánh tay. Lực xiết tạo ra những vết hằn trên da, tưởng chừng như rất đau nhưng lúc ấy anh không có cảm giác gì, vì quá tập trung vào từng bước đi và cảnh đẹp trong hang.
Khi được hỏi về cảm xúc sau khi kết thúc hành trình, Quang hóm hỉnh trả lời, "Điều duy nhất lúc đó mình nghĩ được là cần đi tắm.
Mình chỉ được tắm đúng 2 lần là tại hồ nước ở hang Én và khe đá lạnh."
Trước chuyến đi, Quang đã lên dây cót tinh thần về hành trình gian nan sắp tới. Tuy nhiên, hành trình lại "dễ thở" hơn anh tưởng tượng vì có sự trợ giúp tận tình của đội an toàn.
Một đoàn có 10 khách nhưng có tổng cộng khoảng 40 người theo hỗ trợ. Cứ 1-2 khách sẽ là một người của biệt đội an toàn theo sát. Những người còn lại vác hành lý của khách, đồ dùng, nhu yếu phẩm cần thiết. Trong chuyến đi, họ luôn tới trước điểm trại, để dựng lều và nấu ăn. Họ hầu hết đều là người dân địa phương. Mỗi một người cõng hành lý nặng tới 30 kg, chân chỉ đi những đôi dép bình thường nhưng đi nhanh và rất an toàn, Quang kể lại trong thán phục.
"Trong hành trình, mình được ăn những bữa cơm rất ngon, có cả phòng thay đồ riêng và nhà vệ sinh. Nhưng sau khi đoàn rời đi, mọi thứ trở lại như chưa có dấu hiệu của con người. Chất thải sẽ được thu gom ra ngoài, sau đó ủ với vỏ trấu làm phân bón, chăm sóc cho cây cối. Mình thấy đây là hoạt động rất ý nghĩa để bảo vệ môi trường", Quang nói.
Trong chuyến đi, Quang nghĩ sẽ có nhiều điều để "gào thét", để kể lại cho bạn bè. Về tới nơi, anh mới nhận thấy, mọi ngôn ngữ, hình ảnh đều khó diễn tả những điều anh được trải nghiệm, được tận mắt trông thấy và cảm giác xúc động trong hành trình.
Anh cho rằng, những lời kêu gọi bảo vệ môi trường mình nói ra đều không thực sự có ý nghĩa. "Nếu được nhắn nhủ, mình mong mọi người có thể đi, sau khi được nhìn thấy những công trình tự nhiên vĩ đại cùng vẻ đẹp nguyên sơ đó sẽ thay đổi nhận thức và cả ý thức bảo vệ thiên nhiên là quan trọng đến nhường nào".
Lan Hương