Tín, nay 36 tuổi, quê Bình Định, 13 năm qua liệt tứ chi, ngồi xe lăn, song vẫn cố gắng tự kiếm tiền bằng cách gõ bàn phím bằng khớp ngón tay để bán hàng, viết blog và xuất bản sách.
"Thức dậy trong bệnh viện và biết mình phải ngồi xe lăn cả đời là một cú sốc lớn, đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần", anh Tín chia sẻ tại Hội thảo về Phục hồi chức năng tổn thương tủy sống, tuần trước.
Năm 2010, Tín khi ấy 23 tuổi, bị tai nạn giao thông trên đường đi làm về nhà. Anh được đưa vào một bệnh viện tại TP HCM cấp cứu, khó thở, tê cổ, vai. Bác sĩ không nẹp cổ ngay, chẩn đoán có thể tổn thương thần kinh hoặc gãy xương, chờ chuyển viện. Trong thời gian đó, người nhà xoa bóp vai, cổ của Tín để đỡ tê mỏi, không biết hành động này khiến tủy sống anh tổn thương nặng nề hơn.
Tín được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng cổ sưng vù, khó thở, tủy hỏng, không thể can thiệp phẫu thuật. "Lúc đó tôi gần như đã tắt thở, cha mẹ chuẩn bị đưa về vì nghĩ không sống nổi", anh kể.
Bác sĩ khuyên cho Tín tiếp tục điều trị. Sau 10 ngày, phổi của Tín chảy máu, phải điều trị thêm 20 ngày rồi chuyển sang Bệnh viện Phục hồi chức năng điều trị bệnh nghề nghiệp, chữa yếu liệt tứ chi. Tại đây, lưng anh có một vết loét, bác sĩ tiếp tục can thiệp cắt bỏ phần loét. Tín nhiễm trùng nặng, "bác sĩ lắc đầu vì nghĩ tôi lần này chắc sẽ không qua khỏi", anh nhớ lại.
May mắn, Tín vượt qua cửa tử lần thứ hai, sức khỏe cải thiện nhưng tứ chi vẫn liệt. Lúc này, qua 3 tháng điều trị, tốn hết hàng trăm triệu đồng, tiền bạc cạn kiệt, gia đình quyết định đưa anh về Bình Định tập vật lý trị liệu.
Nhờ kiên trì, một năm sau, cánh tay cử động, Tín tự cầm thìa xúc cơm, có thể gõ bàn phím bằng những khớp ngón tay. Do ngồi lâu trên ghế, mông của anh bị hoại tử, mất hai tháng chữa lành. Từ đó, anh hầu như không ngồi được, chỉ nằm. Dù vậy, chàng trai vẫn chăm chỉ làm việc kiếm tiền, tự chi trả tiền thuốc men 5-6 triệu đồng một tháng cộng thêm mỗi lần vào viện mất vài chục triệu đồng.

Anh Tín luôn lạc quan, không để mình trở thành nỗi lo, gánh nặng cho gia đình. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bác sĩ Lê Hoàng Dũng, Trưởng khoa Phục hồi chức năng tổn thương tủy sống, Bệnh viện Phục hồi chức năng điều trị bệnh nghề nghiệp, trực tiếp điều trị cho anh Tín 10 năm qua, cho biết trường hợp của anh phần lớn do sơ cấp cứu sai nên tủy sống tổn thương nặng nề.
Thực tế, bệnh nhân tổn thương tủy sống nếu được sơ cứu không đúng cách có thể tổn thương nặng hơn, để lại nhiều biến chứng như teo cơ, cứng khớp, loét, nhiễm trùng tiết niệu. TS.BS Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện, cho biết bệnh nhân tổn thương tủy sống đa phần do tai nạn giao thông, lao động, té ngã, chơi thể thao hoặc mắc các bệnh lý như u tủy, áp xe, mạch máu tủy. Tổn thương tủy sống do sơ cấp cứu sai dẫn đến hiệu quả điều trị không như mong muốn.
Bác sĩ khuyên khi nghi ngờ một người bị tổn thương tủy sống, người dân cần gọi cấp cứu hỗ trợ. Không xốc, vác, cõng; không chở nạn nhân bằng xe đạp, xe gắn máy, xích lô, taxi; cũng không khiêng, di chuyển bằng võng hoặc kê gối dưới đầu khiến cổ bị gập. Trong khi chờ hỗ trợ, nên đặt nạn nhân nằm ngửa thẳng lên một mặt phẳng cứng. Cố định thân mình vào mặt phẳng cứng nếu người bệnh không hợp tác, hoảng sợ xoay vặn người. Tiếp đến, cần làm thông thoáng đường thở và động viên bệnh nhân.
Trường hợp nạn nhân cần hồi sinh tim phổi, không ngửa cổ người bệnh khi hà hơi hay bóp bóng mà đưa cằm họ về trước. Cũng không nên xoa bóp cổ, vai nạn nhân.
"Sự nhiệt tình chăm sóc của nhiều người vô tình không đúng cách làm tổn thương tủy sống nặng nề hơn", bác sĩ Hoàng nói, thêm rằng mong người dân biết cấp cứu đúng lúc, đúng nơi, xử trí như thế nào để an toàn cho người bệnh. Bệnh viện Phục hồi chức năng điều trị bệnh nghề nghiệp, trong 5 năm qua điều trị gần 6.000 ca tổn thương tủy sống. Trong đó, 77% bệnh nhân nam và 76% tổn thương do tai nạn.
Còn anh Tín, dù phải gắn mình cả đời với xe lăn, vẫn muốn làm việc, ước mơ làm diễn giả kể câu chuyện cuộc đời để truyền cảm hứng cho những người cùng số phận.
"Tôi mong những người gặp phải các biến cố bất hạnh như tôi, hãy lạc quan, tạo cho mình cơ hội sống tiếp, sống tốt", anh nói, thêm rằng đã xuất bản cuốn sách Tôi chọn sống, tiền bán sách sẽ dành ủng hộ người kém may mắn.
Trong công việc bán hàng qua mạng, anh Tín tìm được "một nửa" của mình là chị Nguyễn Thủy Trúc, 28 tuổi, quê Bến Tre. Đám cưới của họ diễn ra vào tháng 5 tại TP HCM, sau hơn một năm trì hoãn do đại dịch, là kết thúc có hậu cho người đàn ông không đầu hàng số phận, luôn cố gắng sống với tâm niệm "tàn nhưng không phế".
Mỹ Ý