Tự sản xuất xà phòng thảo dược là công việc hiện nay của Tân, nhưng đây không phải lựa chọn đầu tiên của anh. Đam mê vẽ, sau khi tốt nghiệp THPT, anh đăng ký vào trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Cần Thơ, chuyên ngành Mỹ thuật, sau đó học liên thông lên Đại học Sư phạm Mỹ thuật.
Mong muốn trở thành giáo viên dạy vẽ, nhưng sau 5 năm học Tân ra trường không xin được việc tại trường học nào. "Mình hụt hẫng, tự ti và có thái độ chống đối với tất cả mọi người. Một người sống ở Cần Thơ mà không có nghề, không có tiền thật sự kinh khủng", Tân nhớ lại.
Mong muốn được đứng trên bục giảng vẫn luôn thôi thúc, Tân đăng ký dạy thêm tại các trung tâm mỹ thuật, sau đó mở lớp luyện vẽ cho một số học sinh từ lớp 1 đến lớp 9. Tổng số học sinh chưa bao giờ vượt qua con số 15 trong suốt thời gian dạy nên cuộc sống của Tân khi ấy "cực kỳ eo hẹp".
Giữa năm 2018, do da mẫn cảm, nổi mẩn khi tiếp xúc với hóa chất, Tân tìm lại những tài liệu nói về cây cỏ, cách pha chế các loại thảo dược từng đọc tại thư viện quận, nơi làm việc của mẹ anh trước đây, và bắt đầu thử làm xà phòng thảo dược cho mình sử dụng và gửi tặng bạn bè dùng thử.
Sau khi dùng xà phòng thảo dược do mình làm, Tân thấy da không còn mẩn ngứa. Nhận được phản hồi tích cực và sự động viên từ bạn bè, anh bắt đầu nghiên cứu kỹ hơn, sáng tạo ra công thức riêng với mong muốn làm được những bánh xà phòng có thể đem bán.
Xà phòng có hai cách làm chính là nóng và nguội. Nếu làm nguội, sản phẩm để được 6 tháng, còn sử dụng phương pháp nóng chỉ bảo quản được 3 tháng. Tân chọn cách làm nóng với công thức do anh sáng tạo ta, chủ yếu sử dụng hai nguyên liệu chính là mật ong và dầu dừa.
Để làm được một sản phẩm với tỷ lệ các chất cân đối, màu sắc ưng ý, thời gian đầu anh phải thử nghiệm mất 2-3 tháng. Tiền mua phôi cũng là bài toán khó vì với 300.000 đồng một kg, anh chỉ làm được khoảng 20 bánh xà phòng 25 gram.
"Lúc đó mình chưa bán nên xà phòng làm ra đều là tự dùng hoặc mang cho bạn bè, hoàn toàn không có tiền để thu hồi vốn", Tân kể.
Để hoàn thành một mẻ xà phòng cần 6-12 tiếng. Là người cầu toàn và chỉn chu, chỉ cần sản phẩm làm ra không ưng, màu chưa chuẩn hoặc bánh xà phòng không đông là Tân đều bỏ.
Từ đầu năm 2019, Tân đã bán được khoảng 500 bánh xà phòng. Hiện sản phẩm của anh có 4 dòng chính là nghệ, trà xanh, quế và chanh pha lẫn bạc hà, bán với giá 25.000 đồng/bánh loại nhỏ 25 gram, 50.000 đồng/bánh loại 70 gram, 80.000 đồng/túi lọc thảo dược gội đầu gồm 10 gói nhỏ.
Chàng trai sinh năm 1991 đang hướng tới việc tự trồng các loại cây để khép kín quy trình, đảm bảo nguyên liệu sản xuất xà phòng cũng do mình làm ra.
Trần Hồng Thảo (27 tuổi), cô bạn đồng hành cùng Quy Tân trong suốt quá trình tìm kiếm và thử nghiệm công thức mới cho xà phòng thảo dược, vẫn luôn cảm phục ý chí của người bạn.
Thảo kể thời điểm kế hoạch kinh doanh "dậm chân tại chỗ và không nhìn thấy tương lai", Tân lo lắng đến sụt cân, chỉ nặng 39 kg. "Lúc đó Tân và mình động viên nhau, mong rằng có niềm tin và làm ăn tử tế thì trời sẽ thương", Thảo nói.
Dù không theo nghiệp "gõ đầu trẻ" như mong ước ban đầu, Tân vẫn hạnh phúc với công việc hiện tại. Hiểu biết từ môn mỹ thuật đã giúp anh tạo ra sản phẩm xà phòng có mẫu mã đẹp mắt, cầu kỳ đến từng chi tiết. Hơn nữa, song song với mỹ thuật, cây cối và pha chế các loại thảo dược cũng là sở thích của Tân từ những ngày thơ ấu khi theo mẹ lên thư viện quận đọc sách.
Hiện tại, khi việc bán xà phòng tự làm đã mang lại nguồn thu tương đối ổn định, Tân mở rộng lĩnh vực kinh doanh sang trồng các loại sen đá, cây cảnh và ngâm rượu hoa quả từ chính cây mình trồng.
Tân vẫn đang sống tại căn nhà ở ngoại ô thành phố Cần Thơ trong khi cả gia đình đã chuyển về TP HCM. Cuối tuần, anh thường mở những lớp dạy làm xà phòng miễn phí, mong muốn cửa hàng bán xà phòng và cây cảnh của mình sẽ là điểm đến mang đến sự gần gũi và bình yên cho mọi người.
Thanh Hằng