Một buổi tối tháng 6, cũng giống như mọi ngày, Sang ngồi vào bàn làm việc, trên bàn bày đủ loại màu và những chiếc cọ vẽ cỡ nhỏ. Trong căn phòng yên tĩnh, dưới ánh đèn, anh chàng nín thở vuốt từng nét cọ mảnh để tạo thành những sợi lông mi trên khuôn mặt búp bê nhỏ bằng quả bóng bàn nhưng có giá hơn 50 triệu đồng. Khi hoàn thành công việc trang điểm, mang lại diện mạo mới cho con búp bê này, Sang sẽ được trả công hơn một triệu đồng.
"Dù đã làm mặt nhiều loại búp bê nhưng đối với những con đắt tiền mình vẫn run, làm thật chậm, lỡ hỏng thì có mà đền cả tháng lương", chàng trai quê Bến Lức nói vui.
Trong cộng đồng những người chơi búp bê ở Việt Nam, Phan Ngọc Sang là một cái tên rất nổi tiếng và được những vị khách khó tính tin tưởng, tìm đến khi cần "tân trang nhan sắc" cho những con búp bê đắt tiền.
Cơ duyên đưa Sang đến với nghề này bắt đầu từ lần xem video làm đẹp cho búp bê trên điện thoại của một người bạn vào năm thứ hai đại học. Bị cuốn hút bởi một nghề lạ với những nét cọ tỉ mỉ, chàng sinh viên kiến trúc lên mạng, xem hết những video "make up búp bê" của nước ngoài rồi nghĩ: "Hay mình thử làm cho biết".
Theo học ngành thiết kế nội thất, thích tìm hiểu cái mới, lại mê vẽ, Sang đặt mua vài con búp bê giá rẻ để tập làm thử. Màu và cọ đã sẵn trong hộp dụng cụ học tập, anh bắt đầu làm. Lúc đó, chàng trai trẻ chỉ nghĩ mình tìm được niềm vui với cây cọ vẽ chứ không hề nghĩ việc này sẽ giúp bản thân kiếm tiền.
Để vẽ hay trang điểm, mặt búp bê cần được sử dụng một loại xịt phủ làm lớp lót. Loại xịt phủ này rất đắt tiền nên cậu sinh viên nghèo vẫn thường phải mượn tiền bạn hoặc bấm bụng dành 250.000 đồng tiền sinh hoạt của cả tuần để mua.
Những con búp bê mua về có khuôn mặt giống nhau, anh dùng chất tẩy làm sạch mặt. Khi được vẽ lại, mỗi con lại mang một sắc thái biểu cảm riêng. Thấy việc làm của mình có hiệu quả, anh đăng hình sản phẩm lên nhóm có nhiều thành viên chơi búp bê trên mạng xã hội và nhận được nhiều khen ngợi. Nhiều người ngỏ ý nhờ Sang "tút lại" cho những "người bạn" của mình trở nên có thần thái. Và cứ thế, vị khách hàng đầu tiên của Sang chủ động tìm tới.
Không chỉ vẽ lại mặt, Sang còn làm lại kiểu tóc khi thấy tóc búp bê đã xơ rối. Thấy anh làm tốt, họ gửi Sang thay mới đầu tóc cho một búp bê khác. Lần đó, Sang tự học trên mạng, cách dùng kim khâu, luồn từng sợi tóc vào từng lỗ trên da đầu.
Người khách đó sau này là đã tài trợ kinh phí cho một cuộc thi hoa hậu búp bê trên Facebook. Hai con búp bê Sang make up gửi dự thi đã giành được giải hoa hậu và á hậu. Sau cuộc thi, Sang trở nên nổi tiếng trong cộng đồng những người chơi búp bê ở Việt Nam. Giá trang điểm cho búp bê ban đầu chỉ vài chục nghìn, sau tăng lên vài trăm nghìn đồng. Vừa học vừa làm, mỗi ngày anh có thể kiếm được gần 1 triệu đồng, những khuôn mặt đặc biệt có thể lên tới 3 triệu đồng.
Khách hàng của Sang thường là những người sưu tập, sở hữu một số lượng lớn búp bê muốn thay đổi khuôn mặt "vật cưng" để nhìn khác biệt hơn. Cũng có những người làm kinh doanh, mua những loại búp bê chưa vẽ mặt thuê Sang trang điểm rồi bán lại với giá cao hơn.
Nhưng niềm vui đặc biệt của Sang lại đến từ những con búp bê cũ chủ nhân của chúng đã sở hữu từ khi còn là một đứa trẻ. Khi có điều kiện, họ muốn xóa những vết bẩn, thay lại mái tóc hoặc bộ quần áo mới. "Mình có cảm giác như giúp họ lưu giữ kỷ niệm tuổi thơ", Sang nói.
Mỗi khách có một yêu cầu riêng về khuôn mặt búp bê của mình. Đối với những kiểu vẽ lạ, Sang phải tập vẽ trước, chỉ cần hỏng một chi tiết nhỏ trên mắt thì phải xóa luôn cả con mắt để vẽ lại. Tẩy nhiều đến nỗi mòn lớp nhựa, lủng luôn cả mặt búp bê. Sang không nhớ mình đã làm hỏng bao nhiêu lần như thế.
Hai năm trước, khi đã có hơn 3 năm trong nghề, lần đầu tiên anh gặp một vị khách khó tính. Trong quá trình trang điểm, cứ mỗi lần gửi hình sản phẩm thì lại nhận được yêu cầu thay đổi của khách. Lúc thì đuôi mắt phải dài ra, lúc thì phải ngắn lại, lúc thì phải vẽ thêm 3 cọng lông mi để cân bằng hai bên. Hơn chục lần thay đổi với 5 ngày công, Sang chỉ lấy 200.000 đồng, anh nghĩ: "Do mình chưa hiểu khách".
Sau lần đó, anh học được kinh nghiệm phải hỏi kỹ yêu cầu. Khi khách muốn làm một khuôn mặt dễ thương, thay vì bắt tay vào vẽ ngay thì bây giờ, anh dành cả tiếng đồng hồ, hỏi chi tiết từng bộ phận một.
Tự nhận bản thân là một người dễ bỏ cuộc, nói chuyện sỗ sàng, nhưng khi gặp khách khó, anh điềm tĩnh, kiên trì làm. "Nghề này đã khiến mình thay đổi cả tính tình", Sang trải lòng.
Về sau, việc làm đẹp búp bê không dừng lại ở việc vẽ lại mặt. Với những con có khuôn mắt được đúc sẵn có dáng tròn, to, khách muốn làm nhỏ hơn, dài ra Sang mua máy về mài bớt rồi vẽ lên. Môi búp bê đang ngậm lại, khách bảo muốn hé hai cái răng cửa, anh mua vật liệu học cách đắp thêm răng.
Duy chỉ có một lần khách yêu cầu anh làm đôi mắt cho búp bê trong như thủy tinh thì Sang từ chối vì mình chưa biết lấy vật liệu từ đâu để làm mắt. Anh hứa sẽ tìm hiểu, bảo khách cho thời gian, khi nào làm được mới nhận. Sau khi tìm mua được những dung dịch làm mắt từ nước ngoài, thử nghiệm 5- 6 sản phẩm, anh tìm được loại mình ưng ý. Hơn nửa năm sau, khi đã tự tin có thể đáp ứng được yêu cầu của khách, Sang mới nhắn tin lại cho vị khách cũ để nhận làm.
"Điều khiến mình thấy hạnh phúc nhất là khi khách nói:"Chưa bao giờ nhìn thấy một đôi mắt búp bê giống thật như vậy", Sang nhớ lại.
Nổi tiếng trong "làng búp bê" nhưng khoảng một năm nay, nhiều nhà thiết kế, chủ cửa hàng thời trang lại đem ma nơ canh đến thuê anh trang điểm với giá khoảng 1,3 - 1,5 triệu mỗi mặt. Trang điểm cho ma nơ canh tuy có khuôn mặt to hơn búp bê, dễ vẽ hơn nhưng lớp sơn phủ trên khuôn mặt rất khác, vẽ sai là không tẩy xóa được. Vì vậy, Sang phải làm chuẩn xác 100%, lỡ tay làm hỏng anh phải gửi nhà sản xuất để sơn phủ lại.
"Hơn nữa, trọng lượng và kích thước mặt ma nơ canh lớn hơn, cầm nặng tay nên sau một ngày làm việc cánh tay mình mỏi nhừ", Sang chia sẻ.
Là một người đã gửi Sang trang điểm cho gần 50 con búp bê nhân vật hoạt hình nổi tiếng trong bộ sưu tập, chị Lục Bảo, 34 tuổi, ở Hà Nội luôn thấy bất ngờ khi nhận lại vật cưng. Chị nhận định: "Những bé búp bê qua tay Sang đều có một linh hồn riêng, nhìn vào cảm giác như có một cô bé, cậu bé đang trò chuyện với mình".
Có lần, chị Bảo đặt Sang làm một bé búp bê trong bộ phim Avatar. Ngoài khuôn mặt, thì toàn bộ thân hình nhân vật có màu xanh nên Sang phải tìm hiểu về cách nhuộm lại da anh chưa từng làm qua. Sau một năm tìm hiểu và thử nghiệm nhiều cách, anh làm thành công và được chị Bảo khen "xuất sắc".
"Những yêu cầu khác nhau lại cho mình thêm một trải nghiệm và kinh nghiệm mới", Sang nói.
Đã có lúc Sang từng nghĩ ra trường chỉ cần tìm một công việc văn phòng là ổn. Anh không dám nghĩ một ngày mình trở thành người thành công nhất với nghề trang điểm búp bê ở Việt Nam.
Sắp tới, anh dự định sẽ tạo ra một dòng búp bê mang thương hiệu cá nhân. Với vốn kiến thức tự học và kinh nghiệm anh cũng muốn mở lớp dạy nghề cho các bạn trẻ trong vài năm tới.
Diệp Phan