Hình ảnh chàng sinh viên Nguyễn Chung Tú khoa CNTT, Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM hằng ngày được mẹ cõng đến trường rất đỗi quen thuộc và thân thương với thầy trò trong ngôi trường này. Với những sinh viên bình thường, đi lên những bậc thang lên giảng đường là "chuyện nhỏ" nhưng với Tú đó cả là một vấn đề.
"Nhìn những bậc thang thang tưởng như bình thường và rất đẹp trong cuộc sống nhưng với những người khuyết tật như em đó lại là một trong những trở ngại đời thường. Thấy mẹ phải lần từng bước mệt nhọc, gắng sức để cõng em có khi lên đến tầng 7, tầng 8 để vào lớp học em thương mẹ lắm", Tú tâm sự.
Bất hạnh đã gieo vào chàng sinh viên quê Tiền Giang này từ nhỏ khi em bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam từ người cha từng nhiều năm cầm súng chiến đấu tại chiến trường miền Nam chống Mỹ năm xưa. Những bước chân trẻ thơ của Tú cứ xiêu vẹo, khó khăn cho đến một ngày khi vừa nhận quà tổng kết cuối năm học lớp 5, đôi chân ấy đã vĩnh viễn không còn đi được nữa. Không chỉ vậy, căn bệnh quái ác còn khiến đôi tay Tú trở nên yếu hẳn, không cầm nắm, lần tựa vững chắc như xưa.
"Thấy con mình không còn được chơi đùa như những đứa trẻ khác, cha mẹ nào mà không buồn. Nhưng vì Tú rất ham học hỏi, siêng năng nên tôi đã quyết định hy sinh cuộc đời mình để làm đôi chân cho con đi đến mọi hành trình", cô Chung Thị Do, mẹ Tú chia sẻ. Từ đó, mọi sinh hoạt cá nhân, đi lại của Tú đều do mẹ đảm nhận. Niềm vui và tình thương của người mẹ đã giúp cô vượt qua khó khăn, mệt nhọc trên những quãng đường vượt nắng mưa cõng con đến trường, toàn tâm toàn thời gian chăm sóc, động viên cho con. Không phụ lòng mẹ, suốt 12 năm phổ thông Trí đều đoạt học sinh giỏi. Năm 2010 em tốt nghiệp cấp 3 loại giỏi và thi đậu vào khoa CNTT Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM.
Tin vui trúng tuyển đại học vô tình lại tạo nên áp lực mới cho cả gia đình vì nếu Tú lên thành phố học mẹ phải đi theo. Trong khi đó em gái của em cũng bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam sẽ chỉ còn một mình người cha chăm sóc. Rồi nghề hớt tóc bấp bênh của cha liệu có đủ thu nhập cho cuộc sống gia đình và cả việc học của Tú nơi thị thành đắt đỏ hay không.
Suy tính mãi, cha mẹ Tú cũng quyết định cho con lên thành phố học đại học. Làm thủ tục nhập học xong, người mẹ cõng con đến ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM để xin tá túc nhưng ban quản lý từ chối vì lý do chỉ nhận cung cấp chỗ ở cho sinh viên chứ không có suất cho phụ huynh theo kèm.
"Trào nước mắt, mẹ cõng em thẳng về quê với quyết tâm cho con nghỉ học. Nhưng rồi về nhà nhìn con thẫn thờ bên chồng sách, hai ngày sau mẹ lại khăn gói cả giường chiếu, quần áo, nồi niêu..., cõng con lên Sài Gòn. Cũng may có một vị mạnh thường quân cho chỗ trọ miễn phí tại quận 9, cách trường học 12km nên hai mẹ con yên tâm về chỗ ở. Và em đã bắt đầu đời sinh viên trên lưng của mẹ như thế", Tú nhớ lại.
Với sự đồng hành của mẹ hàng ngày đến giảng đường, Tú đã đạt được kết quả học tập rất tốt với điểm trung bình trên 8 và giành được nhiều học bổng. Trong thời gian học đại học, bước ngoặt về tư duy cuộc sống đã đến khi Tú tham gia sinh hoạt tại Trung tâm Khuyết tật và Phát triển - DRD. Tại đây cô Võ Thị Hoàng Yến, Giám đốc DRD đã "vỡ lòng" cho em về khả năng của người khuyết tật. Theo đó người khuyết tật hay mặc cảm hay nghĩ mình không làm được gì cả nên chính các bạn cần thay đổi tư duy, nhận ra giá trị, khả năng của mình, tự tin vào bản thân, tin vào giá trị và khả năng mình có, từ đó tìm những điều kiện để phát triển lên.
Từ một chàng trai rụt rè, nhút nhát, Tú đã dần tự tin giao tiếp với mọi người, trước đám đông, tham gia hoạt động xã hội. Em đã dần hiểu muốn xã hội hiểu mình thì người khuyết tật cần phải tự gỡ bỏ "rào cản" do chính mình tạo nên, xóa bỏ đi những suy nghĩ tiêu cực, bi quan. Không chỉ vậy, Tú còn mạnh dạn thành lập Câu lạc bộ Niềm tin thu hút sinh viên khuyết tật trong trường và cả nhiều trường đại học khác tham gia.
Câu lạc bộ Niềm tin đã tạo được dấu ấn khi dự án "Công trình thanh niên tiếp cận trường học" được Tú và các thành viên ấp ủ đã đoạt được giải cao trong cuộc thi Siêu thủ lĩnh 2013 do VTV 6 tổ chức. Dự án có tham vọng sẽ xây dựng những con dốc thoai thoải trong khuôn viên Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM để các bạn sinh viên khuyết tật có thể tự mình di chuyển, lên xuống cầu thang mà không cần phải nhờ người khác giúp đỡ.
"Động lực lớn nhất để em thực hiện dự án này chính là mẹ em, người đã hàng ngày vượt qua biết bao bậc thang cõng em tới lớp. Dự án này cũng sẽ tạo nên một ngôi trường lý tưởng theo đúng thông điệp 'Một thế giới cho tất cả', nơi mà cả người bình thường lẫn khuyết tật có thể được tận hưởng bình đẳng tất cả những tiện ích dành cho chính mình. Em cũng có dự định khi hoàn thành dự án tại trường sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này ra tất cả các trường đại học khác tại TP HCM ", Tú vui vẻ nói.
Hiện tại chàng trai này đã tốt nghiệp khoa CNTT Đại học Khoa học Tự nhiên trước một học kỳ vì đã hoàn thành đầy đủ và xuất sắc các nội dung học trình. Trí đang ấp ủ kế hoạch làm thiết kế web, trau dồi kỹ năng SEO, tiếng Anh để vào làm việc cho các công ty công nghệ lớn và tham gia những chương trình dạy vi tính miễn phí cho trẻ em nghèo và những bạn khuyết tật.
"Khuyết tật lớn nhất không phải trên cơ thể mà là trong tâm hồn. Tuy em không có sức khỏe tốt nhưng em có điểm tựa gia đình vững chắc và sự tự tin để luôn phấn đấu hoàn thiện bản thân, thay đổi cuộc sống để hướng tới một tương lai tốt đẹp phía trước", Tú vui vẻ nói.
Nguyễn Chung Tú là một trong 21 tấm gương nghị lực điển hình sẽ được tôn vinh trong hai đêm Gala Tỏa sáng nghị lực Việt được tổ chức vào ngày 21/5 tại TP Hồ CM và ngày 24/5 tại Hà Nội. Những tấm gương này được chọn thông qua cuộc thi viết "Gương nghị lực phi thường" trên Báo Thanh niên. Chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt được tổ chức nhằm đánh thức những giá trị sống tốt đẹp trong mỗi con người với 3 thông điệp sống trung thực, sống trách nhiệm và sống nghị lực. |
Minh Trí