Thiết bị hỗ trợ cột sống Backbone của Khoa là một trong 6 ý tưởng lọt vào vòng chung kết VietChallenge 2016. Đây là cuộc thi ý tưởng kinh doanh dành cho người Việt trẻ trên khắp thế giới do hội sinh viên Việt Nam tại Mỹ phối hợp cùng mạng lưới hội sinh viên tại các nước khác tổ chức hôm 1/4 vừa qua.
Đại diện cho hai người bạn cùng đội Bifrost Biotech, anh chàng người Mỹ gốc Việt đã có màn thuyết trình thuyết phục được hội đồng giám khảo khó tính cũng như đa phần khán giả để mang về giải thưởng cao nhất trị giá 10.000 USD.
Giải thích về Backbone, Khoa cho hay anh nảy sinh ý tưởng kinh doanh thiết bị hỗ trợ cột sống từ niềm say mê lập trình. Khoa thường xuyên ngồi từ 10 đến hơn 12 giờ mỗi ngày trước máy tính và bị đau khắp cổ, lưng. Đã thử sử dụng một sản phẩm trên thị trường để sửa tư thế ngồi nhưng không có tác dụng, Khoa nghĩ rằng mình có thể làm ra sản phẩm tốt hơn và Backbone ra đời.
Sản phẩm chỉ gồm hai chiếc quai màu đen đeo qua vai có kết nối với ứng dụng theo dõi trên điện thoại, giúp người dùng điều chỉnh tư thế ngồi sao cho đúng nhất.
Lọt vào vòng chung kết sau khi đua tài cùng 80 đội với gần 300 thí sinh trên toàn thế giới suốt gần 9 tháng, Backbone được ban giám khảo gồm giám đốc tài chính chiến lược của các tập đoàn lớn tại Mỹ, những doanh nhân và chuyên gia thành đạt trong nhiều lĩnh vực, khen ngợi về tính thiết thực và yếu tố kỹ thuật cao.
Trong xu thế con người ngày càng ngồi nhiều ở môi trường làm việc, nhu cầu về các thiết bị hỗ trợ cột sống và tư thế được nhận định là khá cao. Điều đó giải thích vì sao chỉ sau một giờ đồng hồ được đưa lên trang huy động vốn cộng đồng Kickstarter, Backbone nhận được 6.000 USD. Sau 28 ngày, sản phẩm nhận được hơn 30.000 USD ủng hộ, vượt mục tiêu đề ra.
"Với tôi, Backbone còn hơn cả một sản phẩm công nghệ sáng tạo. Đó là một cơ hội lớn để giúp bạn và và người thân sống tốt hơn, khỏe mạnh hơn", anh chàng 26 tuổi nói.
Dù khá mệt sau một thời gian dài tập trung sức lực cho cuộc thi, Khoa cho hay anh chàng vẫn nóng lòng quay lại công việc.
"Được nhìn thấy thành quả từ sự cố gắng của bản thân đó là cách ăn mừng ý nghĩa nhất. Tôi dự định sử dụng giải thưởng này để phát triển sản phẩm của mình bằng cách tham vấn với các nhà thiết kế nhằm cải thiện yếu tố hình thức và chất liệu. Tôi muốn sản phẩm có tính thời trang và thiết thực hơn", Khoa cho hay.
Có một điều ít ai ngờ anh chàng năng động này lại chỉ học hết cấp ba và chưa bao giờ qua trường lớp đào tạo nào chính quy về kinh doanh hay kỹ thuật.
"Mình chưa bao giờ học giỏi ở trường cả, thậm chí còn suýt trượt năm cuối cấp ba. Và lúc đấy, mình nhận ra rằng trường học không phải dành cho mình. Sau một khoảng thời gian, mình quyết định không đi học đại học và mở công ty riêng", Khoa kể.
Khoa cho rằng bí quyết thành công của mình không phải nằm ở trí thông minh mà là sự nỗ lực làm việc.
"Giống như nhà phát minh, tỷ phú Elon Musk nói, nếu các đối thủ làm việc 40 giờ một tuần thì mình phải làm việc 100 giờ một tuần, gần như phải làm gấp đôi người khác", Khoa nói. "Tôi không nói là sản phẩm của mình xuất sắc hay nó là yếu tố giúp tôi chiến thắng. Điều quan trọng hơn là tôi đã làm việc rất chăm chỉ để tung sản phẩm ra thị trường và chứng tỏ là mọi người muốn nó. Có ý tưởng là một điều tuyệt vời, nhưng bạn phải chứng tỏ nó thực tế và mọi người sẵn sàng trả tiền để mua nó nữa".
Anh Ngọc