Oli Benjamin, 21 tuổi, ở London, làm việc trong ngành tổ chức sự kiện. Cậu được chẩn đoán mắc bệnh Asperger năm 12 tuổi (chứng bệnh gây khó khăn giao tiếp, kết nối với người khác).
Chàng trai được ra đời từ mong muốn có con của người mẹ tên Jody, một chuyên viên tư vấn ở London và bạn đời nữ. Họ chỉ có thể có con bằng thụ tinh ống nghiệm (IVF), song vào năm 1998 tại Anh không cho phép các cặp đồng tính nữ được làm thủ tục này. Jody đã tìm kiếm trên internet và sau cùng đặt vé đến một phòng khám ở San Francisco, Mỹ để làm IVF.
"Trong danh sách người hiến tặng, chúng tôi đã chọn người có mái tóc nâu, vì không nghĩ anh ấy là một lựa chọn phổ biến. Anh ấy ẩn danh và chúng tôi cũng muốn không bị làm phiền", Jody nói.
Ngay từ nhỏ, Oli đã được hai mẹ kể hết về sự ra đời của mình. Khi 18 tuổi, mẹ đưa cho cậu một tập hồ sơ dày về quá trình thụ tinh ống nghiệm. Hành trình tìm người cha sinh học của Oli bắt đầu bằng việc đăng ký vào Donor Sibling Registry, một cơ sở dữ liệu của Mỹ giúp những đứa trẻ ra đời nhờ công nghệ sinh sản tìm thấy cha mẹ ruột của chúng. Vài tháng sau, Oli không chỉ phát hiện ra người cha mình tên là Daley Dunham, 49 tuổi, làm việc trong lĩnh vực pháp lý và tài chính ở Francisco, mà còn biết ông đã không còn ẩn danh như trong hồ sơ ban đầu.
"Tôi rất hào hứng với việc gặp gỡ người hiến tinh trùng, quên mất khả năng tôi có thể không phải là người duy nhất. Vì vậy, tôi đã rất sốc khi biết mình có 25 anh chị em cùng cha khác mẹ", Oli cho hay.
Mẹ của Oli chia sẻ, khi con trai tham gia nhóm WhatsApp gia đình của con, chị đã lo bởi Jody là người ngoại quốc nên sẽ khá khó khăn hòa nhập với họ. "Bay nửa vòng trái đất để gặp anh chị em cùng cha khác mẹ là điều khó khăn. Nhưng một phần của việc làm cha mẹ là buông bỏ, để cho con mình dù bị Asperger hay không cũng phải tự đi", Jody nói.
Quả thực như lo lắng của mẹ, khi Oli biết một số anh chị em của mình đã gặp nhau từ 9 năm trước, cậu lo lắng việc hòa nhập. "Thật đáng sợ khi có quá nhiều người mới bước vào cuộc đời tôi. Đôi khi mọi người hiểu được con người thật của tôi, họ thích tôi, nhưng thường xuyên họ không thích, cuối cùng tôi bị từ chối", chàng trai nói.
Cụ thể, ban đầu khi Sterling, một trong những anh em tới gặp Oli ở London, hai người đã rất vui vẻ, sau đó họ cãi vã và mọi chuyện không như ý muốn. Khi Oli bay qua Mỹ dự cuộc hội ngộ anh chị em, mọi chuyện đã không tốt đẹp giống mong muốn của cậu. Tất cả các anh chị em đều có cùng đôi mắt xanh lục và hàm răng rất trắng. Nhưng Oli quan tâm hơn đến kết nối tình cảm. Cậu cởi mở về những bất an hay ưu điểm của mình, nên một số anh em đã nghĩ cậu kiêu ngạo. Vì thế, cậu gặp khó khăn tái hợp nhóm.
Với bố, Oli chia sẻ bao giờ coi Daley Dunham là cha mà giống như anh họ hay chú. Hai người không giống nhau về tính cách. Cậu đã gặp bố 4 lần. "Chuyến đi đã cho tôi thấy rằng gia đình là những người gắn bó với bạn, lớn lên cùng, những người quan tâm đến bạn, trái ngược với việc chung dòng máu", Oli cho hay.
Riêng với Daley Dunham, anh hiện có vợ có ba con riêng. Năm 20 tuổi, khi là sinh viên triết học, Daley đã trở thành người hiến tặng tinh trùng, hai lần một tuần, kéo dài trong nhiều tháng. Năm 2012, Daley nhận được một lá thư từ phòng khám tinh trùng nói một người con muốn liên lạc. Daley đồng ý và từ đó đổi hồ sơ thành "công khai".
Người con từ tinh trùng hiến tặng mà Daley gặp đầu tiên là McKenzie, 18 tuổi. Trong bảy năm tiếp theo, anh đã tiếp xúc với 19 người khác. Tháng 3/2019 là lần đầu tiên Daley nói chuyện với Oli qua nhóm WhatsApp và vài tháng sau thì gặp nhau ở San Francisco. "Tôi luôn cố gắng đối xử với các con từ tinh trùng hiến tặng như nhau, nhưng tôi nghĩ Oli đã có những kỳ vọng không thực tế. Trong khi cậu ấy có thể cảm thấy thiếu kết nối thì cảm xúc của tôi với Oliu hay các con khác đều như nhau", người cha cho hay.
Giờ đây Oli đã học cách chấp nhận bản thân nhiều hơn. Cậu thấy không cần phải kết thân với càng nhiều người càng tốt mà là kết thân với người phù hợp với mình. "Tôi đã tìm thấy vài người thân thiết trong số các anh chị em của mình. Như thế đã là chiến thắng", cậu nói.
Bảo Nhiên (Theo Dailymail)