Ngồi đối diện với Sơn một lúc, khách cũng thấy cảm giác ngứa râm ran bởi tay anh lúc nào cũng “gảy đàn” vì ngứa, còn người thì như bị một lớp phấn trắng bao phủ.
Anh Sơn chỉ còn duy nhất 2 cái áo mỏng là có thể mặc được mà không bị ngứa. Giữa mùa đông lạnh cắt da cắt thịt của Hà Nội, chàng trai đành phải co ro trong phòng mà không thể đắp chăn, bật điều hòa hay quạt sưởi. Ảnh: Hà Minh. |
Do bị hen mãn tính từ nhỏ, sức khỏe kém nên đầu những năm 1990, cả nhà Sơn đã phải chuyển vào Sài Gòn để sống, hy vọng thời tiết ấm áp trong đó có thể khiến bệnh tình của cậu tốt hơn. Triệu chứng đầu tiên từ năm lớp 9 khi Sơn cứ thấy ngứa ngáy, khó chịu rồi mẩn đỏ ở cổ tay, bôi thuốc gì cũng không khỏi. Đến khi đi khám ở bệnh viện, bác sĩ xem xét và kết luận khả năng bị dị ứng với... cái đồng hồ đeo tay. Lúc bỏ ra thấy hết ngứa, hết mẩn đỏ thật.
Đến năm 2000, tình trạng này lại bắt đầu có hiện tượng tái phát nhưng dưới hình thức khác. Mỗi khi Sơn mặc quần áo có chất nilon thì y như rằng bị ngứa, nếu chuyển sang quần áo bằng sợi cotton thì không vấn đề gì ngay. Trong thời gian này, bệnh hen của cậu tiến triển khá chậm và tiếp tục phải dùng một số loại thuốc, cả cổ truyền kết hợp hiện đại nhưng đều không có kết quả. Cực chẳng đã, cả nhà lại phải chuyển ra Hà Nội để tìm cách chạy chữa dù Sơn đã học năm cuối của trường Đại học Kinh tế TP HCM.
Sơn kể: “Năm 2006, tôi vào khoa miễn dịch của Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương và điều trị trong khoảng 3 năm. Đây là thời gian thoải mái bởi bệnh hen tiến bộ tích cực, người thấy khỏe, đi lại vui chơi thật thoải mái”.
Tuy nhiên, niềm vui ấy không kéo dài được lâu bởi sau đó, cảm giác ngứa ngáy khó chịu bắt đầu xuất hiện lại, thậm chí ngay khi ở trong nhà. Anh hiếm khi dám bước ra khỏi phòng, lúc nào cũng phải đóng kín cửa. Thậm chí khi có người quét nhà bên ngoài, dù không có bụi bẩn nhưng vẫn làm cho cả người Sơn thấy cảm giác râm ran, như có gì đó cứ cắn dưới da vậy.
Tất cả hoạt động của chàng thanh niên bị bó hẹp lại trong ngôi nhà, kênh thông tin chủ yếu là tivi và cái máy tính. Anh lọ mọ lên mạng tìm hiểu về căn bệnh quái ác của mình, tự tìm cách liên hệ với bác sĩ, đặt mua thuốc từ nước ngoài. Đầu năm 2011, loại thuốc dị ứng với bụi bẩn không khí đã được tìm ra và tưởng như từ đây, sự khó chịu về mẩn ngứa sẽ không còn đeo đẳng nữa.
Các vết loét trên cơ thể anh giờ đây hầu như không còn đáp ứng với thuốc. Ảnh: Hà Minh. |
Tuy nhiên cũng chỉ được thời gian khoảng vài tháng, một triệu chứng mới ghê gớm hơn lại bắt đầu xuất hiện: dị ứng với quần áo
Sau đợt bị dị ứng với quần áo chất nilon, Sơn chuyển hoàn toàn sang quần áo cotton. Nhưng từ tháng 6 đến nay, anh sợ hãi nhận ra rằng ngay cả những quần áo 100% cotton mỗi khi mặc vào cũng khiến người mẩn ngứa. Bây giờ chỉ còn duy nhất một cái quần và hai cái áo phông màu “cháo lòng” vì bẩn là có thể khiến anh bớt ngứa hơn.
Sơn bảo: “Bao nhiêu quần áo đành bỏ, cứ phải mặc cái bộ vừa bẩn vừa cũ này thì mới thấy thoải mái hơn một chút. Trong phòng cũng phải bỏ hết đệm, chỉ dám để một cái dát giường, một cái chiếu rách, một cái vỏ chăn mỏng để tránh ngứa”.
Bố mẹ Sơn cho biết mấy hôm trời lạnh, thương con mà chẳng biết làm thế nào bởi cứ đắp chăn, mặc quần áo ấm hoặc bật điều hòa là anh gãi ngứa rách da rách thịt, đành phải đóng kín cửa nằm co ro.
"Lạnh lắm mà không đắp chăn được. Chỉ còn cái chăn bà tôi đã sử dụng 40 năm rồi là cơ thể còn chịu, những chăn mới đều gây ngứa cả. Bình thường tôi sống sót nhờ hai cái áo da cũ đã sờn của bà trẻ gửi cho", anh cười buồn tâm sự.
Gia đình anh cũng từng nhờ bác sĩ ra nước ngoài mua hộ những loại vải đặc biệt cho bệnh nhân bị dị ứng, nhưng khi mang về mặc vẫn ngứa như thường. Cả nhà lo lắng không biết khi mùa đông thực sự đến rồi sẽ thế nào, Sơn có còn đủ sức chống lại không.
“Bao nhiêu năm nay, gia đình đã đi chữa không biết bao nhiêu nơi vậy mà chuyển biến thấy ít, càng ngày lại càng xấu đi. Bây giờ chỉ hy vọng gặp được thầy, được thuốc thế nào cho thuyên giảm, chứ cứ mỗi đêm ngó vào phòng thấy con không ngủ được vì vật vã với những cơn ngứa thấy đau lòng lắm”, bà Thanh, mẹ của Sơn xót xa tâm sự.
Không chỉ quần áo, hầu hết các loại thức ăn cũng đều gây khổ sở cho anh. Sơn dị ứng hải sản, thịt gà, thịt bò, thuốc chữa bệnh, nhựa, quần áo polyester... rồi dần dần mở rộng ra rất nhiều loại. Khoảng 1-2 năm lại đây, anh ăn kẹo cao su, thậm chí đi nắng, ngồi gần tivi hay quạt đang quay cũng ngứa. Anh hiện chỉ có thể ăn thịt lợn, cơm, các loại rau không quá nóng, lạnh, và phải tránh xa các loại gia vị cay nóng như tiêu, ớt.
Sơn nói như khóc: “Thà bị bệnh gì đau còn thấy dễ chịu hơn, chứ lúc nào cũng gãi xoành xoạch thế này thấy khổ thật. Cách đây mấy năm, bố mẹ muốn mình cưới vợ để có người chia sẻ, đỡ đần và biết đâu tâm lý thoải mái lại khỏi được. Nhưng làm sao dám đi gặp ai khi mà chân tay cứ vọ vạy lung tung, hiếm khi dám bước chân ra khỏi cửa. Bệnh tình cứ kéo dài thế này khiến cho một số bác sĩ và ngay cả bố mẹ đôi lúc cũng thấy nản. Thậm chí họ còn cho rằng mình bị hoang tưởng, thế mới khổ”.
Nghe ở đâu có phương pháp chữa mới, Sơn và gia đình đều tìm cách tiếp cận bằng được nhưng vẫn chưa có kết quả. Anh đã đến chữa ở nhiều thầy thuốc hàng đầu VN, tìm đến cả các liệu pháp như châm cứu, bấm huyệt, võ, yoga, nhân điện... song đều vô dụng.
Thậm chí, trước kia nếu được tiêm thuốc giải mẫn cảm, triệu chứng bệnh của anh bớt rất nhanh, thì giờ đây tiêm giải mẫn cảm tác dụng rất chậm, và anh lo sợ rằng càng về sau này càng không còn tác dụng nữa. Bây giờ một số chỗ trên tay, chân Sơn đã có biểu hiện ngứa loét, bôi thuốc gì cũng không đỡ, trên người như được phủ bằng lớp phấn trắng
PGS Nguyễn Văn Đoàn, giám đốc Trung tâm dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tỷ lệ dị ứng tại Việt Nam càng ngày càng tăng cao với nhiều biểu hiện khác nhau, trong đó có 70% nguyên nhân do cơ địa người bệnh, khi gặp môi trường thuận lợi sẽ kích thích bệnh phát triển mạnh hơn.
Những người bị nặng, khi bộ máy dị ứng hoạt động sẽ như chiếc đồng hồ được lên giây cót và tự động vận hành. Việc sử dụng quá nhiều loại thuốc cùng với tâm lý căng thẳng do lâu ngày bệnh không thuyên giảm sẽ dẫn đến mẫn cảm chéo từ thuốc này sang thuốc khác, thậm chí sang cả một số loại thức ăn rồi quần áo.
Có người bị dị ứng nhẹ thì khoảng 6 tháng điều trị là khỏi, nhưng cũng có khi kéo dài đến hàng chục năm. "Đối với trường hợp của bệnh nhân Sơn cần phải đến Trung tâm dị ứng miễn dịch lâm sàng làm xét nghiệm tổng thể và tư vấn tâm lý thoải mái để đưa ra phác đồ điều trị hợp lý", PGS Đoàn nói.
Sơn cũng cho rằng việc từ bé đến giờ mình phải uống quá nhiều loại thuốc để chữa hen và dị ứng nên khả năng bị tác dụng phụ, ngộ độc thuốc dẫn đến tình trạng như bây giờ.
Niềm mong mỏi duy nhất bây giờ của anh là tìm được người biết cách điều trị căn bệnh quái ác này. "Mới đây tôi có đọc được thông tin về phương pháp chữa dị ứng bằng thôi miên của bác sĩ Nguyễn Mạnh Quân. Tôi rất mong có thể được học cách của ông ấy, hoặc có thể được bác sĩ trực tiếp chữa cho", anh tha thiết nói.
Độc giả quan tâm vui lòng liên hệ với anh Nguyễn Phú Sơn ở số điện thoại 0902.006.645, địa chỉ mail: nphuson@yahoo.com.
Hà Minh