"Nếu đi bộ mà cầm tiền thì ai cũng có thể đi, đói thì mua đồ ăn, mệt thuê khách sạn ngủ. Nhưng mình nghĩ nếu trên hành trình của mình được cùng làm việc, cùng ăn những món hàng ngày của người dân địa phương mới là một trải nghiệm tuyệt vời", Vũ Duy Hoàn, 20 tuổi, sinh viên ngành Du lịch, Đại học Hải Phòng, chia sẻ về "chuyến đi 0 đồng" dọc theo chiều dài đất nước của mình.
Chàng trai quê Vụ Bản, Nam Định cho biết thêm, ban đầu cậu chỉ muốn đi để thử thách bản thân, "thể hiện tinh thần tuổi trẻ dám nghĩ dám làm" dù vẫn có thu nhập ổn định từ việc kinh doanh điện thoại di động.
Hoàn khởi hành từ mũi Cà Mau - điểm cực nam của Tổ quốc cuối tháng 2 nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát, cậu tạm dừng chuyến đi ở thành phố Ngã Bảy, Hậu Giang. Ngày 21/10, Hoàn tiếp nối hành trình, di chuyển theo quốc lộ 1A với quãng đường hơn 2.300 km, dự kiến sẽ đi trong khoảng 100 ngày.
Kế hoạch ban đầu là "đi cho vui" nhưng dọc đường, chàng sinh viên trẻ đã chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn nên quyết định lập kênh YouTube chia sẻ những trải nghiệm dọc đường của mình, đồng thời, dành số tiền kiếm được từ đó để giúp đỡ người nghèo.
"Bây giờ, hành trình của mình có thêm động lực để giúp ích cho cộng đồng", Hoàn chia sẻ khi đang nghỉ chân tại lưng chừng Đèo Cả một ngày cuối tháng 11.
"Đi bộ 0 đồng" nên hành trang của Hoàn cũng gọn nhẹ, chỉ với những thứ thiết yếu là hai bộ quần áo, kính, nón, áo mưa, gậy, bình đựng nước, sạc điện thoại. Mỗi ngày, cậu dậy từ 3h30 sáng để chỉnh sửa video đăng lên kênh rồi bắt đầu lên đường lúc 6h. Chiều tối, cậu ghé vào một nhà dân nào đó để xin được nghỉ lại.
"Mình từng phụ một người anh tham gia dẫn nhiều tour du lịch, từng chinh phục đường chạy marathon 42 km nên không lo về vấn đề sức khỏe. Kỷ niệm đáng nhớ đầu tiên của chuyến đi là ngày thứ 2 di chuyển về thành phố Cà Mau, cả ngày đã đi bộ hơn 30 km, đã gần 9h tối rồi nhưng vẫn chưa xin được nhà nghỉ, bụng đói meo", Hoàn nói.
Hôm đó, từ 5h chiều, chàng trai đã bắt đầu ghé vào nhà dân xin được nghỉ lại qua đêm nhưng liên tục bị từ chối. Đoạn đường vắng vẻ, hai bên chỉ toàn những hàng cây dừa nước, đồng lúa, vuông tôm, đi vài km mới có một nhà dân. Gần 9h đêm, mệt mỏi, bất lực, Hoàn nghĩ có lẽ chuyến đi của mình sẽ phải dừng lại ở đây. "Lúc đó trong đầu mình vang lên câu hỏi: Sao lại lao vào một ‘trò chơi’ như thế này?", cậu kể. Nhưng khi đứng giữa cây cầu dài, hứng cơn gió phả vào mặt mát rượi, thấy ánh đèn le lói phía xa, chàng trai nghĩ: "Bây giờ có cầu cứu cũng không ai có thể giúp, ngoại trừ bản thân. Phải tự cứu lấy mình, phải đi tiếp".
Sau khi cuốc bộ thêm vài cây số, Hoàn được một bà chủ quán nước ven đường đồng ý cho ngủ nhờ. Nhưng đồng thời, cậu cũng nhận được câu "mắng vốn" của người phụ nữ: "Đi chi cực vậy mày?". Hoàn chưa kịp giải thích thì ‘người dưng’ bước nhanh vào bếp, bưng ra mâm cơm với tất cả những món ngon có trong nhà.
Ngày hôm sau, do chưa quen nên toàn thân ê ẩm, bàn chân đau nhức, chàng trai trẻ không thể đi tiếp, đành ở lại phụ giúp bà chủ bưng nước cho khách, nghỉ ngơi.
Ông Vũ Đình Mùi, 55 tuổi, bố của Hoàn chia sẻ: "Tôi vẫn thường dạy con rằng mình không chỉ học ở trên ghế nhà trường mà phải học trên nhiều lĩnh vực khác. Việc đi bộ xuyên Việt cũng là một quá trình học hỏi và hoàn thiện bản thân. Con lớn rồi, tôi để con tự quyết định việc làm của mình. Gia đình vẫn luôn theo dõi, đồng hành cùng con chứ không cấm cản".
Trên hành trình, có hôm đói lả, Hoàn được một bác nông dân miền Tây đãi một tô cơm nguội với con cá khô mặn chát. "Vừa cho vào miệng đã nhăn hết cả mặt nhưng càng nhai mình lại thấy ngọt, vị ngọt mình chưa từng nếm qua", chàng trai hồi tưởng. Hôm sau, cậu lên ghe, cùng bác nông dân trải nghiệm việc thả lưới cá ở sông.
Đến Bình Thuận, Ninh Thuận, lần đầu tiên trong đời chàng trai Nam Định cảm nhận được thế nào là cái nắng "cháy da" của miền Trung, khi một ngày phải uống đến hơn 6 lít nước. Ở đó chỉ có những đồng cỏ vàng úa, những đồi cát thay vì đồng lúa như những miền quê khác. Xin đi nhờ nhà vệ sinh của người dân ven đường, Hoàn được cô chủ chỉ ra đồi cát phía sau nhà bởi kinh tế khó khăn, họ chưa xây nổi nhà vệ sinh. Tuy vất vả, nhưng bà chủ quán nước lụp xụp ấy vẫn cho anh ở nhờ, sáng hôm sau còn dậy sớm nấu cơm nắm lại thật chặt với ít cá khô để chàng trai lên đường.
Trò chuyện với những đứa trẻ khoảng 15, 16 tuổi, người dân tộc Chăm ở đây, chàng trai biết bọn trẻ đều đã nghỉ học và chuẩn bị vào Sài Gòn tìm việc. "Kênh của mình đã được bật kiếm tiền vào tháng trước. Sau chuyến đi, mình sẽ trở lại giúp đỡ họ", chàng trai trải lòng.
Ra đến Khánh Hòa, chàng trai gốc Bắc lần đầu tiên được mời ăn xoài non chấm nước mắm đường thay vì chấm muối. Được ngư dân dạy lặn biển và tận tay sờ vào những rặng san hô, những con cá nhỏ đang bơi dưới đáy.
"Qua mỗi tỉnh thành, mình có nhiều trải nghiệm khác nhau về ẩm thực và nếp sinh hoạt thường ngày của người dân. Có nhiều anh chị thấy mình trên Facebook, biết mình sắp đến gần nơi họ sống nên đã chủ động ra đến đường quốc lộ chờ, tặng mình túi trái cây, chai nước...", Hoàn khoe.
Mới lên đường được hơn một tháng nhưng chàng trai đã được trải nghiệm khá nhiều công việc khác nhau khi trả ơn người dân địa phương dọc đường đi đã cho mình ngủ nhờ, cho ăn cơm. Có lần anh phụ bán nước, bán bún thịt nướng, có hôm lại được chủ nhà rủ đi đánh cá, lặn biển, làm bánh tráng hay thu hoạch quả dứa giữa trưa nắng cùng nông dân...
Sáng 29/11, Hoàn bắt đầu rời thành phố Tuy An, Phú Yên để tiếp tục hành trình đến Hà Giang vẫn còn hơn 1.500 km nữa. Ở đây, chàng trai bắt đầu cảm nhận được cái lạnh và những cơn mưa từ sáng sớm. Cất đôi giày đi bộ vào balo, Hoàn lấy đôi dép vừa được một người dân tặng hôm trước, mặc áo mưa bắt đầu đi tiếp.
"Thời tiết có chút khó khăn nhưng mình không nghĩ sẽ dừng lại. Chuyến đi này như một cuốn phim quay chậm vậy, có những điều mình không thể cảm nhận được nếu chỉ đi quá nhanh", chàng trai nói giữa lúc tiếng gậy lộc cộc vẫn đều nhịp trên đường.
Thỉnh thoảng, Hoàn dừng lại ngắm nhìn một bông hoa mình không biết tên trước cửa một ngôi nhà.
Diệp Phan