Trong bài thi hôm 25/6, Thành đạt 9.0 ở kỹ năng Đọc và Nghe, Nói và Viết cùng 8.5.
"Mình đã hoàn thành mục tiêu đạt 9.0 IELTS trong năm nay, cảm giác sung sướng không thể tả", Chí Thành cho hay.
Thành hiện là sinh viên năm thứ hai ngành Tâm lý học, Đại học RMIT Việt Nam. Trước đó, chàng trai Nam Định tốt nghiệp ngành Kinh doanh quốc tế tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Lần đầu tiên thi IELTS vào 6 năm trước, Chí Thành được 6.5. Xác định theo con đường luyện thi IELTS, nam sinh lập kế hoạch cải thiện điểm, dành khoảng 5-6 tiếng mỗi ngày để học.
Với kỹ năng Đọc và Nghe, Thành nghiền ngẫm kỹ bộ sách Cambridge, từ cuốn số 7 đến 13, làm đề và chữa chi tiết. Đối với kỹ năng Nói, chàng trai tập kỹ thuật Shadowing - bắt chước theo người khác, để luyện phát âm.
"Cái khó nhất khi tập nói là mở khẩu hình miệng sao cho âm phát ra tròn, rõ chữ", Thành kể. Nam sinh thường tập nói một mình về mọi chủ đề nảy ra trong đầu khi rảnh.
"Nhiều lần mình cũng khá ngại vì bị phát hiện lảm nhảm một mình".
Ở kỹ năng Viết, Chí Thành ban đầu "cày" nhiều đề, học các mẹo điểm cao, song không hiệu quả. Gửi nhiều bài viết nhờ các cựu giám khảo IELTS chấm, Thành nhận ra việc lạm dụng từ khó khiến bản thân mắc kẹt ở mức điểm thấp.
Thành lấy ví dụ với hai câu: "The salutary advantages of habitual physical exertion on physiological and psychological well-being are manifestly evident" và "The benefits of regular exercise for physical and mental health are clear". Cả hai đều có nghĩa là "tập thể dục mang lại lợi ích cho sức khỏe", nhưng cách diễn đạt đầu tiên dùng nhiều từ vựng "cao cấp", gây khó hiểu. Trong khi, câu thứ hai dùng từ đơn giản và có thông điệp hơn.
"Rõ ràng việc sử dụng từ vựng chính xác, hợp ngữ cảnh mới là chìa khóa ở mức điểm cao", Thành nói.
Song song luyện đề, Thành cũng tăng tiếp xúc với tiếng Anh thực tế bằng cách đọc báo như The Guardian, New York Times và xem phim có phụ đề.
Sau hai năm thực hành, Thành đạt 8.5 IELTS. Kể từ đó, Chí Thành thi thêm hơn 20 lần, và đều giữ mức điểm 8.0-8.5, trong đó kỹ năng Viết vẫn thường thấp hơn cả.
Thành tìm cách tiếp tục cải thiện. Khi mô tả biểu đồ trong Task 1, ngoài phần giới thiệu để nêu vấn đề và phần tổng quan vạch ra đặc điểm chính, trước đây Thành thường tìm các số liệu tương đồng rồi viết chia thành hai đoạn. Nam sinh nhận thấy điều này thường dẫn đến tình trạng "đầu voi, đuôi chuột".
"Đoạn đầu tiên có thể hợp lý, nhưng khi ép các dữ kiện khác nhau vào một đoạn tiếp theo thì bài sẽ thiếu logic", Thành nói. Do đó, tùy vào dữ liệu, thí sinh có thể chia thành ba đoạn hay nhiều hơn.
Thành cũng thường "vắt kiệt" biểu đồ. Chẳng hạn, với một bài thể hiện xu hướng qua các năm, trước đây, Thành chỉ viết về sự tăng, giảm ở năm đầu và cuối. Hiện tại, Thành chú ý nhiều hơn tới sự biến đổi của dữ liệu qua từng mốc thời gian, sau đó xếp hạng và nhận xét về mức độ thay đổi.
"Mục đích của mô tả biểu đồ là để người đọc hình dung ra biểu đồ mà không cần phải nhìn lại đề bài", Thành đúc rút.
Ở Task 2 yêu cầu nghị luận về một vấn đề xã hội, Thành nhận thấy các bài viết điểm cao đều so sánh hai mặt của vấn đề và phân tích sâu.
Do đó, trong đề bài yêu cầu nêu ý kiến về quan điểm: Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ toàn cầu có lợi nhiều hơn hại, Thành dùng phản đề trước. Chàng trai lập luận, một số người lo ngại mất đi sự đa dạng ngôn ngữ khi nhiều người trẻ coi ngôn ngữ mẹ đẻ lỗi thời, kém quan trọng hơn Tiếng Anh. Tuy nhiên, nỗi sợ này không đúng vì chính phủ các nước đều đang nỗ lực để bảo vệ ngôn ngữ. Sau đó, Thành chứng minh Tiếng Anh thuận tiện trong giao tiếp và hợp tác quốc tế, tăng hiểu biết văn hóa. Cuối cùng, nam sinh khẳng định lợi ích nhiều hơn tác hại.
"Bạn cần phải cho giám khảo thấy bạn hiểu vấn đề ở mức độ nào và ý tưởng của bạn hợp lý đến đâu", Thành nói.
Thành nhận thấy một lý do khác ở các bài điểm thấp là lạm dụng từ nối giữa các câu và đoạn.
"Khi viết cần phải hạn chế các từ nối mang tính hình thức và tập trung liên kết dựa vào các mối quan hệ giữa các câu, sử dụng từ nối sao cho gây ít sự chú ý nhất", Thành chia sẻ. Trước đó, nam sinh thường tập viết nhiều thể loại bằng tiếng Anh như nhật ký.
Ngoài ra, Thành rèn suy nghĩ và tra từ vựng theo ngữ cảnh để diễn đạt gãy gọn. Đây cũng là cách nam sinh tư duy ở kỹ năng Nói. "Mình thường lựa chọn từ vựng dễ hiểu, súc tích, hướng đến sự tự nhiên của câu".
Anh Luyện Quang Kiên, người Việt Nam đầu tiên đạt 9.0 cả bốn kỹ năng IELTS, từng hướng dẫn Chí Thành kỹ năng Viết. Anh kể chấm bài bài đầu tiên của Thành ở mức 6.5. Nhưng chỉ vài tháng sau, khả năng viết của Thành đã đạt mức 7.5.
"Thành có sự quyết tâm, tập trung, khả năng phân tích tốt và rút kinh nghiệm nhanh", anh Kiên nhận xét.
Chí Thành nhìn nhận để đạt điểm IELTS cao, thí sinh không nên dừng ở luyện đề, mà cần phải tăng sự tiếp xúc với ngôn ngữ tự nhiên.
"Bạn có thể đọc báo, xem phim, lướt Tik Tok bằng tiếng Anh mỗi ngày. Việc này giúp bạn hiểu văn phong tiếng Anh tốt hơn nhiều so với giải bài tập".
Ngoài ra, ở mức điểm 8.0 trở lên, thí sinh cần thật chỉn chu ở từng chi tiết. Kể cả phần thi Nghe và Đọc có thể dễ đạt điểm tuyệt đối bằng cách luyện tập, nhưng không được chủ quan.
Thành dự định học thêm bằng Sư phạm để nâng cao chuyên môn giảng dạy tiếng Anh trong tương lai.
Doãn Hùng