Chiều 29/12, Phạm Thành Trung, lớp Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành 22A, Học viện Hành chính quốc gia, được trường khen là sinh viên giỏi năm học 2022-2023 với điểm trung bình 3,45/4. Trong 80 sinh viên của lớp, Trung là một trong 7 người có vinh dự này.
Nhận giấy khen, nam sinh không về nhà trọ ngay mà phóng xe đi tìm mẹ. Thấy bóng dáng quen thuộc trên phố Giảng Võ, Trung chạy lại.
"Mẹ đang nhặt ve chai vội vứt xuống đất, tháo găng tay rồi cầm tấm giấy khen, nhìn chăm chú. Em trêu: 'Mẹ thấy con được không?', mẹ bảo 'được' rồi cười", Trung kể, nói rất vui khi thấy đôi mắt mẹ ánh lên niềm tự hào và hạnh phúc.
Trung là con giữa trong gia đình có ba anh em trai ở huyện Xuân Trường. Chừng 30 năm qua, mỗi dịp nông nhàn, bố Trung lại lên Hà Nội vài tháng, nhặt ve chai để kiếm từng đồng gửi về cho vợ nuôi con.
Ngày cấp ba, Trung từng mải chơi, không chú tâm vào học hành. Cô Nguyễn Thị Huyền, trường THPT Xuân Trường, nhớ năm lớp 12, Trung vẫn rất mơ hồ về môn Toán. Cô Huyền phải kiên nhẫn giảng lại nhiều lần cho Trung, thỉnh thoảng nhắn tin động viên học trò làm lại các bài cơ bản để hiểu và nhớ kiến thức.
"Trung tiến bộ dần qua từng bài kiểm tra và từng lần thi", cô Huyền, giáo viên chủ nhiệm của Trung, nhớ lại. Các môn khác, Trung học khá hơn, trong đó nổi trội ở môn Lịch sử. Nhờ nỗ lực, Trung vượt qua kỳ thi tốt nghiệp, đỗ đại học bằng tổ hợp xét tuyển khối C (Văn, Sử, Địa).
Sau khi Trung vào đại học, mẹ em cũng theo lên, cùng chồng nhặt rác để kiếm tiền nuôi hai con học đại học. Cậu út năm nay lớp 6 được gửi ở nhà họ hàng.
Tuy nhiên, Trung lại chểnh mảng, không muốn đi học. Khi bày tỏ ý định nghỉ, bố mẹ Trung buồn bã, nói công sức và sự hy sinh cho con như đổ sông, đổ biển. Từ đó, Trung thay đổi suy nghĩ, đi học đều và tập trung hơn.
"Tấm giấy khen không chỉ là phần thưởng cho nỗ lực của bản thân em, mà cho cả sự hy sinh, tần tảo của bố mẹ", Trung chia sẻ.
Ở Hà Nội, gia đình Trung thuê trọ ở khu nhiều người làm nghề nhặt ve chai trên phố Thái Hà. Chị Vân, mẹ Trung, cho biết để tiết kiệm chi phí, gia đình thuê hai phòng khoảng 6-8 m2, ngăn cách bởi những tấm ván với giá 1,7 triệu đồng/tháng. Phòng nhỏ dành cho bố mẹ, còn phòng rộng hơn dành cho hai con và một người cháu.
Người mẹ chia sẻ một ngày làm việc thường bắt đầu lúc 16h, khi các nhà đi đổ rác, đến 1-2h hôm sau mới về đến phòng trọ. Ăn uống, nghỉ ngơi đến 7h, chị tranh thủ đạp xe đi làm thêm, còn chồng ở nhà cơm nước cho các con. 12h là thời điểm duy nhất trong ngày, gia đình chị được cùng ăn với nhau bữa cơm.
Mỗi tháng, vợ chồng chị Vân kiếm được khoảng 7-8 triệu đồng, tháng nào khá hơn thì được 9 triệu. Trừ mọi chi phí, số còn lại, anh chị chắt chiu để đóng học cho các con.Vất vả đêm hôm, mưa, nắng nhưng anh chị yên lòng khi các con ngoan và chú tâm học hành.
"Các cháu ở với bố mẹ cũng dễ bảo, có sao dùng vậy. Anh lớn năm ngoái cũng được giấy khen", chị Vân khoe.
Ban đêm, Trung thường thức học muộn để chuẩn bị sẵn nước ấm, cơm, canh nóng đợi bố mẹ về. Nam sinh hiểu sự vất vả của bố mẹ khi vẫn phải làm lụng ngoài đường vào lúc mọi người được nghỉ ngơi. Đó cũng là động lực để Trung cố gắng học tập, hướng tới những điều tốt đẹp hơn.
Ở trường, Trung gặp khó ở môn tiếng Anh và thường phải nhờ bạn bè, các anh, chị trong nhóm hỗ trợ. Với những môn phải ghi nhớ kiến thức nhiều, nam sinh áp dụng cách học theo sơ đồ tư duy để nhớ lâu và không bị rối.
Ngoài giờ học, Trung và anh trai đi làm thêm để phụ giúp bố mẹ. Đam mê bóng đá, Trung làm bình luận viên cho các trận đấu ở sân cỏ nhân tạo, mỗi tuần 3-4 buổi, thù lao khoảng 300.000 đồng/buổi. Những lúc rảnh, em cắt, dựng video thể thao cho một công ty truyền thông.
Cô Thân Thị Thanh Hiếu, cố vấn học tập của Trung, nói nam sinh nghị lực và sống tình cảm. Cô ấn tượng với cậu học trò nhỏ con nhưng nhanh nhẹn, hoạt ngôn và đa tài. Trung thi đấu bóng đá tốt, có năng khiếu làm bình luận viên khi ăn nói có duyên và truyền cảm. Nam sinh cũng tham gia nhiệt tình vào các hoạt động của trường, lớp.
"Bạn ấy là cán bộ đoàn, rất năng nổ và nhiệt tình", cô nói.
Trung cho biết trước mắt ngoài mục tiêu không nợ môn, sẽ dành nhiều thời gian để cải thiện khả năng tiếng Anh. Nam sinh nhìn nhận đây là cách để tăng thêm cơ hội trong ngành Du lịch sau khi tốt nghiệp.
"Có tiếng Anh, em sẽ tự tin hơn với nghề", Trung chia sẻ.
Bình Minh