Thứ năm, 14/11/2024
Thứ tư, 17/11/2021, 06:00 (GMT+7)

Chàng trai có 10.000 gốc dâu đắt nhất thế giới

Lâm ĐồngThấy dâu Bạch Tuyết có giá hơn một triệu đồng mỗi kg, Thịnh nảy ý định trồng thử, đến nay có gần 10.000 gốc.

Hai năm trước, Đỗ Minh Thịnh, sinh năm 1997, tốt nghiệp đại học ngành Luật về quê ở phường 4, Đà Lạt nghỉ ngơi trước khi lên TP HCM làm việc.

Thời điểm đó có người quen cho mượn lại nhà kính 700 m2 cùng sân vườn, anh quyết định ở lại quê trồng rau sạch, khởi nghiệp với số vốn 20 triệu đồng.

Năm ngoái, Thịnh được bạn tặng 40 gốc dâu Bạch Tuyết, giống dâu được đánh giá là hiếm, đắt và khó trồng nhất thế giới. Nếu đủ nắng, độ chua của loại dâu này là 0%, vị ngọt đậm đà, mùi thơm như dứa...

Ý tưởng kinh doanh dâu Bạch Tuyết nhen nhóm trong đầu chàng trai trẻ.

Dù được trồng thành công ở Đà Lạt từ 2018 nhưng dâu Bạch Tuyết vẫn chưa phổ biến do lệ thuộc vào các nhà kính. Thịnh muốn là người tiên phong đưa loại dâu này trồng ngoài trời, vừa giúp dâu hấp thụ ánh sáng tự nhiên nhiều hơn, vừa giảm tác động hiệu ứng nhà kính.

Cuối tháng 1/2021, những cây dâu Bạch Tuyết đầu tiên được xuống giống.

Chưa có kinh nghiệm, Thịnh mày mò khắp các diễn đàn trồng dâu để học hỏi cách bón phân cũng như cải tạo đất.

Việc đầu tiên anh làm là đắp luống cao cho cây. Với những giống dâu khỏe nhất trồng được ngoài trời như dâu Mỹ, luống chỉ cao 15 cm, riêng dâu Bạch Tuyết phải làm luống cao 40 cm. Phân được trộn lẫn vào đất. Cây con được phủ lớp cỏ trên gốc làm mát và lót một lớp lưới đen để quả không chạm đất, tránh úng hỏng.

Dâu tây nếu chăm tốt, khoảng hai tháng sẽ cho thu hoạch liên tục. 40 cây đầu tiên cho vài chục trái, chất lượng rất ngon do đủ nắng, độ ngọt đậm đà hơn trồng trong nhà kính.

Thấy hiệu quả ổn, từ 40 cây ban đầu, Thịnh nhân giống thành 3.000 cây. Tháng 7/2021, hơn 200 m2 đất được quy hoạch để trồng loại dâu khó tính này. Thịnh đầu tư 50 triệu đồng vào tiền phân bón, xử lý đất, làm luống…

Bạch Tuyết vốn là loại dâu trái mềm, dễ bị sâu bệnh, nhanh hỏng khi mưa nhiều. Dù đã tìm hiểu kỹ thuật cũng như cách chăm bón, sau một tháng, 300 cây đầu tiên bị thối gốc, chết rũ mà không rõ nguyên nhân. Một số cây khác bắt đầu xuất hiện tình trạng vàng lá, thối hoa…

Cây chết, chàng trai này lùng sục khắp nơi để học. Mỗi ngày anh ở ngoài vườn từ 6h sáng đến chiều muộn. Tối, anh tìm hiểu thêm về kỹ thuật trồng, ngừa sâu bệnh, bên cạnh đó vẫn phải quản lý các vườn rau.

Những ngày mưa, lo dâu tây chết vì ngập nước, đêm hôm Thịnh khoác áo mưa đi đục lỗ thoát nước rồi chằng buộc lại lưới đen, dựng cây ngã đổ.

Từ khi trồng dâu, Đà Lạt trải qua ba cơn bão, cũng từng đó đợt, Thịnh phải ngắt bỏ hết hoa, trái... bởi dập nát. Kinh nghiệm được anh rút ra, mùa mưa chỉ nên dưỡng cây và kích thích sinh trưởng cây con.

Sự kiên trì cũng được đền đáp. Sau 5 tháng mùa mưa, ngoài nhân giống thành công gần 10.000 cây con, cả tháng nay khi Đà Lạt chuyển nắng, cứ hai ngày anh thu hoạch 1,5-2 kg quả đẹp. Size đặc biệt nhất mỗi quả nặng 20 g có giá gần một triệu đồng mỗi kg.

“Tôi không đẩy mạnh sản lượng mà chú trọng vào chất lượng. Vì đây là giống quả cao cấp, nên có khi thu hoạch được 4 kg, tôi phải bỏ 2kg, chỉ chọn quả to căng mọng, không dập hư”, Thịnh nói.

Hiện tại, dâu tây của anh “cháy hàng”, không đủ cung cấp ra thị trường.

Mùa khô ở Đà Lạt kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, Thịnh tính nếu thời tiết thuận lợi, doanh thu từ dâu tây sẽ bù đủ tiền đầu tư sau 3 tháng nữa.

Anh dự định tiếp tục nhân giống và triển khai thêm tour tham quan trải nghiệm tại vườn vào năm 2022. Hiện chàng trai này cũng tách hàng trăm cây con được nhân giống từ mùa mưa bán cho du khách, mỗi chậu giá 40.000 đồng.

Khi đã chinh phục thành công giống dâu “hạng sang” ngoài trời, chàng trai trẻ càng tự tin với quan điểm không phải rau củ cao cấp nào cũng phải trồng trong nhà kính.

“Tôi muốn chứng minh nhiều loại chỉ khó trồng chứ không phải là không thể”, anh nói.

Hải Hiền
Ảnh: Nhân vật cung cấp