Từ khi còn là sinh viên, Đỗ Văn Hùng (sinh năm 1990, quê Lạng Sơn) đã rất ham mê du lịch, đặt chân đến nhiều nơi ở Tây Bắc. Ấn tượng để lại sâu đậm nhất với anh là nụ cười trong trẻo của những em nhỏ vùng cao.
Anh thấy nhiều người chụp ảnh, ghi lại những khoảnh khắc đẹp của trẻ em miền núi, nhưng không nhiều người rửa ảnh để gửi tặng. Bởi vậy, Hùng đã nghĩ ra ý tưởng chụp 10.000 bức ảnh rồi in ra để tặng các em nhỏ.
Tốt nghiệp ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội năm 2012, Hùng làm thực tập sinh ở Singapore vài tháng rồi qua Thái Lan để dạy tiếng Việt cho trẻ người Thái theo các chương trình phát triển cộng đồng. Anh dành tiền làm thêm mua máy ảnh, máy in, máy ép ảnh và vận động thêm bạn bè, người thân ủng hộ kinh phí để chuẩn bị cho chuyến đi.
Tháng 3 vừa qua, Hùng chọn Hà Giang làm điểm đến đầu tiên trong cuộc hành trình. Nơi đây để lại cho chàng trai những kỷ niệm sâu sắc bởi cảnh sắc hùng vĩ và sự cởi mở của người dân.
Để thuận tiện cho chuyến đi, anh liên hệ trước với người quen ở nơi đến để tìm kiếm sự trợ giúp và tiết kiệm kinh phí do phải tự túc mọi chuyện. "Vài chiếc máy cồng kềnh trên lưng, đường xá vòng vèo, núi cao, vực thẳm là những chướng ngại phải vượt qua. Mình bị hỏng hai chiếc máy ép, một chiếc máy in vì đường quá xóc và những cơn mưa rừng lớn", Hùng chia sẻ.
Khi đến điểm trường, các bản làng xa, Hùng nhờ cán bộ địa phương hoặc thầy cô giáo dẫn đường. Anh nhớ nhất cảm giác vui sướng khi tới được điểm trường Há Tỏ Sò, nơi khó khăn nhất của xã Lũng Pù, Mèo Vạc. Đường hiểm trở toàn đá, lối đi chỉ khoảng 40 cm, phía dưới là vực sâu, bên sườn là những tảng đá tai mèo nhọn hoắt. May nhờ có thầy giáo dẫn, Hùng mới tới được nơi chụp ảnh cho các em nhỏ.
Thầy Nông Đình Chinh, giáo viên điểm trường Há Tỏ Sò, nhớ lại: "Mình gặp Hùng đang ngồi in ảnh cho các học sinh điểm Xúa Do. Hắn bảo mai vào chụp ảnh cho học sinh Há Tỏ Sò. Mình tưởng hắn nói đùa, ai ngờ đi thật. Chụp cho học sinh xong, hắn còn chụp cho dân bản và các thầy cô giáo nữa. Bức ảnh kỷ niệm của mình với học sinh lớp 1 giờ đang treo trong lớp đấy".
Hùng vui nhất mỗi lần chụp ảnh xong, chờ in ảnh là các em lại vây kín, thích thú cầm trên tay tấm ảnh của mình. Nơi thung lũng hoang vắng, nhiều em thơ quanh năm chỉ biết đến đá, mèn mén thì giờ đây có thêm những tấm ảnh làm bạn. Hùng chụp không thiếu gương mặt nào ở điểm trường đặt chân đến và chụp kỷ niệm, in tặng các thầy cô ảnh tập thể. Anh xúc động khi thấy nhiều nơi dùng ảnh đó treo trang trọng trong phòng giám hiệu, phòng truyền thống của trường.
"Những đứa trẻ mình gặp đáng yêu lắm, nghèo, thiếu thốn nhưng lúc nào cũng cười. Khi chia tay để đến nơi khác, các em còn chạy theo tiễn. Nhiều em dạy cho mình nói tiếng Mông, tiếng Tày để có thể nói chuyện với người bản địa. Người dân tộc rất hồn hậu, khi đã thân quen thì bạn sẽ được coi như thành viên của gia đình họ vậy. Tiếp xúc với họ nhiều, tâm hồn mình như rộng mở hơn", Hùng chia sẻ về những con người từng gặp.
Có lần đi vào bản Sủng Khể (xã Lũng Chinh, huyện Mèo Vạc), Hùng nhìn thấy một em bé bị đục thủy tinh thể một bên mắt, rụt rè đứng ngoài xem. Khi anh giơ máy ảnh lên chụp thì em bỏ chạy. Ở nơi đó, nhiều em phải bỏ học ở nhà phụ bố mẹ, nhìn thấy các bạn chơi chỉ đứng ngoài nhìn.
"Mình cũng muốn chia sẻ thêm nhiều hình ảnh về những vùng đất khó khăn để mọi người biết. Đó có thể là điểm đến cho các đoàn từ thiện, cũng là cách để mình trả ơn những nơi đã đi qua, những người đã giúp đỡ", anh nói.
Mỗi chuyến đi của Hùng kéo dài từ 15 ngày đến một tháng. Khi những cơn mưa rừng của vùng Tây Bắc trút xuống nhiều hơn, anh thường phải nghỉ ngơi một vài ngày rồi mới dám đi tiếp vì sợ lũ quét và mưa sẽ làm ẩm hết máy móc.
Sau hơn 3 tháng rong ruổi đi khắp các cung đường, 3 ổ cứng máy tính đầy ắp 3.500 tấm ảnh trẻ em ở khắp Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Hòa Bình. Hùng dự định lập những triển lãm ảnh nho nhỏ để tiếp tục lấy kinh phí đi tiếp. Cuối năm nay, dự án 10.000 bức ảnh sẽ hoàn thành. Sang năm, chàng trai sẽ đi vào các tỉnh miền Trung, miền Nam dọc theo chiều dài đất nước để chụp ảnh cho trẻ em.
Hình ảnh của các em nhỏ vùng cao
Hoàng Phương