Ngô Tấn Thanh, 30 tuổi là con trai út trong gia đình có sáu anh chị em ở Hòn Sơn, Kiên Hải, Kiên Giang. Chàng trai độc thân có sở thích đi du lịch, mở một quán ăn nhỏ ở Đà Lạt. Đầu tháng 12, mẹ anh, bà Trương Kim Hoàng lên Đà Lạt thăm con trai. Một lần, trong lúc hai mẹ con ngồi nói chuyện, bà Hoàng buột miệng than thở rằng không biết khi nào mới được tận mắt nhìn thấy những cảnh đẹp của đất nước: "Cảnh đẹp chỉ coi trên tivi thôi chứ biết khi nào mới đi được". Cậu con út liền nảy ra "sáng kiến" chở mẹ từ Đà Lạt về lại Kiên Giang bằng xe máy, giống như những lần mình đi phượt, với quãng đường hơn 500 km để bà được thỏa sức ngắm cảnh.
"Ban đầu, tôi không dám đi vì có bệnh đau khớp", bà Hoàng kể. Nhưng sau khi nghe Thanh trình bày kế hoạch, bà bị thuyết phục và quyết định lên đường.
Năm ngoái, chàng trai đã đưa mẹ đi cung đường dọc biển nên lần này, anh chở mẹ dọc theo quốc lộ 1A, đi qua Nha Trang, Bình Thuận, Đồng Nai, Sài Gòn, Cần Thơ về quê nhà Kiên Giang để mẹ biết thêm những địa điểm mới.
"Tôi từng đi đến nhiều nơi, khám phá, trải nghiệm nhiều điều nhưng toàn đi với bạn bè. Có một ấp ủ mãi chưa làm được đó là đưa mẹ đi du lịch. Nhiều lần ngỏ ý nhưng bà sợ tốn tiền và sợ say xe. Thấy mẹ đã lớn tuổi mà cuộc sống lại không thể nói trước được điều gì, tôi sợ cứ chần chừ thì chẳng bao giờ đưa mẹ đâu được", Tấn Thanh giải thích lý do của chuyến đi.
Sáng ngày 3/12, trời Đà Lạt se lạnh, nắng nhè nhẹ, chàng trai không mở cửa quán như thường lệ mà cùng mẹ xếp vài bộ quần áo vào ba lô rồi lên đường. Khác với những chuyến đi cùng bạn bè, Thanh không lái xe nhanh, vận tốc tối đa của chàng trai khi chở mẹ đằng sau chỉ khoảng 40 km/h để đảm bảo an toàn, cũng là dịp để mẹ có thể ngắm cảnh. Đêm đầu tiên, hai mẹ con đã kịp đến thành phố biển Nha Trang. Sau khi ăn tối xong, họ đứng ở bãi biển hóng gió sau đó thuê nhà nghỉ để qua đêm.
"Ngắm biển, mẹ bắt đầu kể chuyện rồi so sánh biển Nha Trang với biển ở quê nhà. Hơn nửa đời người ở đảo, mẹ ít đi đâu xa nên ngoài Hòn Sơn bà chẳng biết thêm nơi nào nữa để mà so sánh", chàng trai kể.
Không phải tranh thủ dậy sớm lên đường để tiết kiệm thời gian và tránh nắng như những lần phượt khác. Đi với mẹ, chàng trai được ngủ đủ giấc. Thức dậy lúc nào thì xuất phát lúc đó, trên đường nếu mệt thì ghé quán nước nghỉ ngơi. Anh còn tranh thủ chở mẹ đến những địa điểm nổi tiếng của mỗi tỉnh thành để mẹ tham quan và chụp hình lưu niệm. Biết mẹ không thích đến những nơi ồn ào, cậu con trai thường ưu tiên đưa mẹ đến những điểm du lịch tâm linh.
Đến thăm tháp Chàm Poshanư ở Bình Thuận, cậu út muốn thuê cho mẹ bộ quần áo dân tộc Chăm để chụp hình nhưng bà nhất quyết từ chối vì sợ tốn tiền. Lén mẹ thuê và trả tiền trước, thuyết phục hơn nửa tiếng bà mới chịu mặc để chụp. "Tuy nhiên, khi ra đến nơi chụp hình thì mẹ lại không quen tạo kiểu, vậy là tôi phải mô tả rồi lên mạng tìm hình cho mẹ coi để bà bắt chước. Ngày nhỏ mẹ dạy tôi cách mặc quần áo, mang dép thì nay tôi bày lại mẹ cách tạo kiểu chụp hình cho đẹp", Thanh tâm sự.
Dù đã quen với những bãi cát ven biển gần nhà nhưng đối với mẹ Thanh, những đồi cát vàng rực ở Bình Thuận lại khiến bà thích thú. Người mẹ chạm tay, vốc từng nắm cát mịn thả từ từ xuống bàn chân rồi nằm dài trên bãi cát cùng cậu con trai.
Ở đây, Thanh nhờ mẹ chụp giúp mình kiểu ảnh trồng cây chuối trên bãi cát nhưng đến lần thứ 32 mới chụp được một bức. "Cả buổi hôm đó hai mẹ con nghịch cát, về đến nhà nghỉ thì ngứa ngáy khó chịu phải đi tắm ngay. Nhớ lại vẫn buồn cười", Thanh kể và cho biết, hôm đó mẹ anh có cảm giác như trẻ lại, được làm một đứa con nít thoải mái nghịch cát.
Sau những ngày "chiều mẹ" - chỉ ăn uống ở những quán bình dân thì hôm về đến Cần Thơ, Thanh gợi ý cùng mẹ ăn tối trên du thuyền ở Bến Ninh Kiều. Ở đây, người mẹ 64 tuổi lần đầu tiên được "ăn sang" và xem nghệ sĩ biểu diễn những tiết mục ảo thuật ngay trước mặt mình.
Trên hành trình, ngoài việc Thanh đã giúp mẹ được biết đến những địa điểm mới thì chuyến đi còn là dịp để chàng trai hiểu và thương mẹ nhiều hơn. "Nhiều năm rồi kể từ ngày mình rời đảo ra thành phố học rồi lập nghiệp xa, mình ít có dịp được nghe mẹ kể chuyện, trút bầu tâm sự", Thanh nói.
Chính vì thế, hôm đi từ trung tâm thành phố về vùng An Minh, Kiên Giang nơi mẹ sinh ra. Thanh không chọn đi đường lớn mà cùng mẹ đi lại con đường nhỏ ngày xưa trước khi lấy chồng bà vẫn thường qua. Trên đường, bà vẫn nhớ được đoạn đường này ngày xưa có những gì, giờ thay đổi ra sao và say sưa kể chuyện cho cậu con trai.
Trưa ngày 9/12, hai mẹ con về tới nhà ở đảo Hòn Sơn. Kết thúc chuyến đi an toàn với chi phí chỉ vài triệu đồng. "Mình cảm thấy mẹ vui vẻ, thoải mái hơn. Mẹ cũng nhìn nhận cuộc sống với một tâm thế cởi mở, hiện đại hơn. Sắp tới mình sẽ cố gắng dành dụm để đưa cả cha cùng đi một chuyến xuyên Việt. Sức khỏe của cha không tốt như mẹ nên mình sẽ cố gắng thực hiện sớm", chàng trai nói.
Diệp Phan