Đã thành lệ, cứ khoảng giữa trưa là ông Phạm Minh, 63 tuổi, ở TP HCM lại nghe tiếng chuông điện thoại reo vang. Đầu dây bên kia, anh con rể Dalen McClintock, ở Toronto, Canada và con gái cùng cháu ngoại ông xuất hiện trên màn hình. Bao giờ cũng vậy, tiếng của Dalen vang lên đầu tiên bằng tiếng Việt lơ lớ: "Con chào ba, ba có khỏe không ạ?".
Sau màn chào hỏi, Dalen lật đật đi làm việc nhà hoặc tắm cho cậu con trai Ryan, bốn tháng tuổi. Qua video, nhìn thấy con rể tất bật chăm lo cho vợ con, ông bố vợ mỉm cười yên tâm.
Con gái ông Minh, chị Minh Phương và Dalen quen và yêu nhau khi cùng là du học sinh ở trường Sư phạm Hoa Trung ở Vũ Hán, Trung Quốc cách đây 9 năm.
Khi yêu, họ học thêm tiếng mẹ đẻ của nhau. Dalen thường đến học ké lớp tiếng Việt của Minh Phương ở trường ĐH Vũ Hán. Vì không đóng tiền nên anh chỉ ngồi nghe giảng, không được phát biểu. Thế nhưng sau một năm, vốn tiếng Việt của Dalen đã đạt trình độ trung cấp, đủ điều kiện làm trợ giảng cho lớp của Minh Phương. Không những vậy, anh còn am hiểu về chữ Hán, chữ Nôm hơn cả bạn gái.
Tương tự, mỗi tối lớp tiếng Anh của Dalen mở cửa, Minh Phương cũng cắp sách vở ngồi ở cuối lớp nghe giảng. Vừa học, vừa yêu một anh chàng người Canada nên chẳng bao lâu, cô cũng đủ năng lực làm trợ giảng cho lớp của anh. Cũng vì "hoàn cảnh Liên Hợp Quốc" này mà những cuộc trò chuyện hàng ngày của đôi trẻ được trộn bằng tiếng Trung, tiếng Việt và cả tiếng Anh.
Kết thúc mấy năm cao học, cả hai lại may mắn xin được học bổng tiến sĩ ở Trung Quốc nhưng đi kèm đó là một thử thách. Dalen trúng tuyển vào một trường ở Quảng Châu, còn Minh Phương học ở Vũ Hán. Muốn gặp nhau, họ phải mất 10 tiếng đi xe lửa hoặc bốn tiếng đi tàu cao tốc.
Suốt hai năm ròng, hành trình quen thuộc của Dalen trong ba ngày cuối tuần là mua vé đến Vũ Hán thăm bạn gái. "Đời tôi chưa bao giờ nghĩ mình cứ mỗi tuần lại ngủ trên xe suốt hai ngày. Hai đứa cứ đùa nhau là đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của ngành giao thông Trung Quốc", Dalen nói vui.
Mỗi lần tiễn bạn trai lên tàu về lại Quảng Châu, Minh Phương lại khóc. Xót bạn gái, anh từng có ý định bỏ học để chuyển về Vũ Hán làm việc. "Thầy giáo của Dalen biết chuyện chúng tôi phải yêu xa như vậy thì cảm động lắm. Đến lúc làm luận văn, thầy còn cho phép anh chỉ một tháng mới phải gặp thầy một lần, không phải trao đổi thường xuyên như những học viên khác", Phương kể.
Tình yêu Việt - Canada ở Trung Quốc cũng khiến nhiều bạn bè là du học sinh cảm động. Kevin, người Indonesia, bạn của Minh Phương và Dalen, xúc động nói: "Chứng kiến chuyện tình hai người bạn, tôi tin chỉ cần hai người yêu nhau không bỏ cuộc, họ sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Hành trình đi về giữa Vũ Hán và Quảng Châu suốt hai năm của Dalen và Phương đã nói lên tất cả".
Sau một năm rưỡi yêu nhau, một hôm chàng trai Canada mặc áo dài, khăn đóng, cầu hôn Minh Phương bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung.
Chinh phục được bạn gái, nhưng Dalen vẫn còn một "cửa ải" khó khăn nữa là bố của bạn gái. Ông Minh luôn nghĩ tình yêu của con gái với chàng trai ngoại quốc là tình cảm trẻ con. "Thực ra ông ấy không muốn con gái lấy chồng xa và sợ Dalen không tử tế thì con sẽ khổ nơi đất khách quê người", bà Kim Liên, mẹ Minh Phương nhớ lại.
Hai năm các con yêu nhau, Dalen đã sang Việt Nam thăm nhà bạn gái ba lần. Lần đầu, ông Minh từ trên lầu xuống, chỉ cười với khách rồi quay lên làm Dalen chưng hửng. Lần thứ hai, ông bắt tay bạn trai của con nhưng không nói chuyện. Lần thứ ba, "ông bố vợ tương lai" đã cởi mở hơn bằng đúng một câu duy nhất: "Hello" và tiếp tục không cho chàng trai ngoại quốc cơ hội trình bày điều gì. Ông tuyên bố sẽ không đồng ý cho con gái kết hôn với Dalen.
Thấy người yêu liên tục bị "dội nước lạnh", Minh Phương giận ba, nhưng Dalen động viên ngược cô: "Em không nên giận ba. Ba vì thương em nên mới làm vậy. Nếu mai này anh có con gái, anh cũng sẽ lo cho con anh như vậy. Anh sẽ tìm cách để ba hiểu mình". Không nói suông, lần thứ tư, trước khi bay sang thăm nhà Minh Phương, Dalen thức cả đêm tự soạn một đoạn văn tiếng Việt, nhờ bạn gái sửa lỗi chính tả rồi lẩm nhẩm cả ngày học thuộc để trình bày với bố bạn gái. Lần này, sau khi con gái và vợ nỗ lực thuyết phục, ông Minh đồng ý tiếp chuyện Dalen.
Nhìn thấy bố người yêu, chàng trai Canada "tim đập, chân run", tuôn luôn một tràng tiếng Việt: "Ba ơi, con thật lòng yêu em Phương. Ở bên em Phương, con rất hạnh phúc. Ba đồng ý cho con lấy em Phương nha ba". Không đợi bố vợ tương lai phản hồi, anh tiếp: "Ba ơi, thương lấy bí con. Tuy rằng khác giống nhưng chung một nhà". Nghe anh trai tây lớ lớ tiếng Việt nhưng biết vận dụng cả ca dao, ông Minh bật cười. Lần đầu tiên, hai người đàn ông có cuộc trò chuyện thực sự.
Những ngày ở Việt Nam, Dalen tối nào cũng tập hát quốc ca Việt Nam để thể hiện cho bố mẹ người yêu nghe. Giọng anh lớ ngớ nên ai nghe cũng phải bật cười. Mỗi buổi chiều, Dalen rủ ông Minh cùng đi bộ thể dục trong công viên. Ông Minh bảo anh lấy xe đạp chở đi. Đường sá Việt Nam đông đúc, nhiều xe máy, đi xe là một trải nghiệm vô cùng mạo hiểm với chàng trai Canada nhưng nghe phụ huynh "chỉ thị", anh bấm bụng làm theo. Đi được vài mét, thấy chàng Tây loạng choạng, ông Minh lại phải cầm lái, đèo anh ra công viên cách nhà gần 2 km.
Vừa đi vừa trò chuyện, nghe ông Minh nói thích bóng đá, dù ở Canada không chơi môn thể thao này, Dalen cũng cố học. Buổi tối, anh lên mạng xem vài trận đấu để hiểu luật, đọc tin tức nhằm thu nạp kiến thức. Một tháng ở Việt Nam, có trận bóng nào hay, Dalen lại mang đậu phộng rang ra phòng khách xem cùng bố người yêu. "Ba bắt đội nào ba", anh gợi chuyện. "Dĩ nhiên là Việt Nam rồi", ông bố hào hứng. "Thế thì con bắt Thái Lan", Dalen đáp... Câu chuyện về bóng đá kéo dài đến hết trận. Sáng ra, ông bảo với vợ: "Thằng con trai chưa bao giờ thức xem bóng đá với ba được như thế".
Một lần, ông Minh bị sốt, đêm khuya, mọi người đều ngủ hết, nhưng Dalen vẫn mang nước ấm lên lầu, đắp lại chăn cho ông. Trời Sài Gòn đổ mưa bất chợt, thấy bố người yêu ra sân vác củi vào, anh cũng đầu trần theo sau phụ giúp. "Thằng nhỏ là người Tây mà tình cảm, biết chăm lo cho người khác phết", lần đầu tiên ông Minh khen Dalen trước mặt vợ và con gái.
Học về văn hóa phương Đông nên anh con rể tương lai cũng rất am hiểu với lối sống, văn hóa ở quê hương bạn gái. Ở nhà Minh Phương, anh xung phong vào bếp trổ tài nấu bún riêu, bún mắm, nấu thịt kho tàu, cá kho tộ. Dalen cũng tỏ ra đặc biệt thích ăn mắm tôm, mắm tép - những thứ không phải người phương Tây nào cũng biết thưởng thức. Thấy chàng trai ngoại quốc tốt bụng, hòa đồng, ông Minh bị thuyết phục.
"Hơn cả, Dalen rất quấn quýt và chiều chuộng con gái tôi. Nhìn thấy con bé hạnh phúc, tôi cũng yên tâm", ông Minh nói.
Năm 2015, đích thân vợ chồng ông đi chọn ngày lành, tháng tốt cho hai con thành hôn. Thấy Dalen cẩn thận ủi áo dài cho vợ trước ngày cưới, bà Kim Liên bảo với chồng: "Đấy, ông cứ chê trai tây, ông thấy nó chăm sóc con gái mình chưa kìa". "Ông ấy cứ gật gù cười, đến lúc này thì hài lòng lắm rồi", người mẹ vui kể.
Đám cưới hạnh phúc của cả hai đã diễn ra tại Sài Gòn, có sự góp mặt của bạn bè của cả hai là du học sinh ở nhiều quốc gia trên thế giới về dự.
Hiện tại, Dalen làm chuyên viên nghiên cứu sách giáo khoa ở Bộ Giáo dục Canada và dạy thêm tiếng Trung. Vợ anh cũng mở một trung tâm ngoại ngữ, chuyên dạy tiếng Việt Nam và tiếng Trung ở quê chồng. Chị cũng lập một kênh YouTube để giới thiệu về cuộc sống của Canada.
Sống ở nước ngoài, nhưng thỉnh thoảng Minh Phương lại được vừa ăn bún chả, bánh giò, vừa được nghe chồng say sưa hát "Cầu vồng khuyết": "Ai đã yêu một lần, đều trải qua cay đắng của tình yêu. Ngày xưa tôi cũng yêu, người tôi yêu đẹp xinh...". Đó là bài hát tiếng Việt đầu tiên Dalen hát tặng cô thuở đang yêu.
Phạm Nga