Sinh ra trong gia đình nông dân ở xã Bình Phú, huyện Thăng Bình, anh Thành quyết tâm học để mong thoát nghèo. Năm 2011, anh tốt nghiệp hệ Cao đẳng khoa Công nghệ thông tin rồi học tiếp hệ đại học Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM.
Ra trường, Thành làm kỹ thuật viên công nghệ thông tin cho một doanh nghiệp lương 7 triệu đồng. Hai năm sau, anh đến Bình Dương đầu quân cho một cửa hàng bán máy tính thu nhập 12 triệu đồng tháng.
Thấy nhu cầu người dân lắp camera nhiều, Thành nghỉ việc ra làm ngoài năm 2016. Anh mua bán, lắp đặt camera và sửa máy tính. Thu nhập cao, trung bình mỗi ngày anh kiếm được một triệu đồng, nhưng bận rộn từ 9h cho đến 12h đêm, có hôm về phòng trọ lúc 2h. "Tôi như cái máy, không có niềm vui", anh tâm sự.
Một lần đi du lịch Đăk Lăk, thấy người dân nuôi dê cho thu nhập khá, anh thấy ham nên lân la tìm hiểu. Ở quê, gia đình anh có hơn 2 ha đất rừng trồng gỗ keo, xung quanh là rừng phòng hộ với nhiều loại cây tái sinh.
Mất một tháng suy nghĩ, anh Thành cầm 100 triệu đồng về quê nuôi dê năm 2017. "Lựa chọn nuôi dê là khả quan nhất, bởi thức ăn có sẵn trong rừng, chỉ bỏ vốn mua giống, làm trang trại cho chúng ở", anh thuyết phục gia đình.
Nhưng tất cả người thân phản đối. Bố mẹ chất vấn: "Đầu tư tiền cho con ăn học để có việc làm ở thành phố, thoát cảnh cuốc đất lượm đá, tại sao quay lại nơi này". Không như Đăk Lăk, vùng núi xã Bình Phú mùa nắng thì nóng, mùa mưa lạnh, không phù hợp với dê. Địa phương chưa ai nuôi thành công loài vật này.
Không từ bỏ, anh Thành thuyết phục xin 2 ha đất khởi nghiệp. Anh nói miền Bắc còn lạnh hơn mà dê vẫn phát triển. "Cứ cho con thử, nếu không thành công sẽ quay lại thành phố làm việc", anh cam kết với bố mẹ.
Thấy anh Thành nhất quyết không trở lại thành phố, gia đình đành giao 2 ha đất đang trồng gỗ keo cho anh mở trang trại. Anh tự thiết kết trại nuôi rộng 100 m2 và lên Đăk Lăk mua 4 con dê giống 18 triệu đồng. Rừng núi đất đá lẫn lộn, cây cỏ mọc um tùm, anh phải phát dọn và thuê máy múc san bằng lấy nơi trồng cỏ.
Số tiền đầu tư gần 100 triệu đồng hết sạch, 3 trong 4 con dê nuôi bị chết. Anh Thành lên mạng tìm hiểu, kết hợp đi tham quan nhiều nơi học hỏi, cuối cùng tìm ra lý do chuồng trại, nguồn thức ăn, nước uống chưa phù hợp.
Anh rút kinh nghiệm, ngoài thức ăn tự nhiên thì trồng thêm cỏ, những ngày mưa nhốt dê trong chuồng. Anh nhờ em trai đứng tên vay ngân hàng 30 triệu đồng qua bảng lương để mua giống, vì bản thân không có gì thế chấp.
Bằng cách nuôi bán tự nhiên, không sử dụng thức ăn công nghiệp nên mỗi ngày anh Thành phải thả đàn dê đi ăn ít nhất 3 giờ. Quanh trang trại là nương rẫy của người dân trồng hoa màu, gỗ keo nên anh phải trông giữ, tránh để chúng phá.
Sau hai năm ăn ở trong rừng chăm sóc dê, đến nay người đàn ông 34 tuổi sở hữu hơn 80 con dê, trong đó 30 con cái sinh sản, trung bình 7 tháng dê mẹ sinh 1-2 con. Số dê con anh nuôi 7 tháng thì xuất bán với giá 160.000/kg hơi, con giống nuôi 10 tháng giá 180.000 đồng/kg.
Một nguồn thu nhập khác đến từ phân dê, anh phơi khô bán 7.000 đồng/kg làm phân bón cây cảnh. Ngoài ra, anh còn nhận nấu, chế biến các món từ thịt dê cho lễ tiệc. "Dê chăn thả có thời gian xuất bán lâu hơn so với nuôi công nghiệp nên thịt thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng", anh giải thích.
Trừ chi phí, mỗi năm anh Thành cho biết lãi gần 200 triệu đồng. Anh sẽ dành tiền lãi để mở rộng trang trại, nâng tổng đàn lên 200 con. "Lúc đó nguồn thu sẽ cao hơn làm việc ở thành phố. Nó cũng giúp mình được gần nhà và làm công việc yêu thích", anh nói. Thị trường tiêu thụ dê ban đầu chủ yếu trong huyện, nay anh đã mở rộng ra tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng.
Lợi thế trang trại có suối nước chảy quanh năm, anh Thành đang hướng đến mở điểm vui chơi vừa tăng thu nhập, vừa tiêu thụ được thịt dê. Hiện đã có nhiều gia đình, nhóm bạn đến tham quan, đặt mua dê rồi chế biến các món ăn tại chỗ.
Nhìn lại chặng đường 6 năm với hai lần dê chết suýt trắng tay, trong khi bạn bè đã có tích lũy với công việc IT, anh Thành bảo không tiếc nuối. Anh thấy hạnh phúc khi kiếm được tiền trên mảnh đất quê hương.
Ông Đoàn Ngọc Hùng, Phó chủ tịch xã Bình Phú, nhận xét anh Thành chăm chỉ, dám nghĩ dám làm cái mới và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho những người có nhu cầu nuôi dê. Mô hình chăn nuôi của anh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để khuyến khích, chính quyền xã hỗ trợ một ít kinh phí để anh phát triển đàn dê.