Dưới cái nắng nhẹ ở xã Tân Thắng, Quỳnh Lưu, Nghệ An, Nguyễn Văn Hạnh nhanh tay bón nốt phân sinh học anh mới ủ vào mấy bụi dứa để kịp giờ nghỉ trưa. Chỉ tay về phía đồi, nơi có những vườn dứa bạt ngàn sắp thu hoạch, Hạnh kể cách đây 6 năm, anh đã quyết định bỏ công việc thuyền trưởng tàu hàng để về quê trồng dứa.
Ngày đó, mỗi lần về thăm gia đình sau những chuyến đi biển kéo dài 3-4 tháng, anh Hạnh thấy cảnh người thân mất ăn mất ngủ vì dứa được mùa nhưng mất giá, nhiều cánh đồng dứa chín vàng, thơm nhưng nông dân không thiết thu hoạch. Xót cảnh vùng quê, bố mất sớm, trong nhà chỉ còn một mình mẹ, năm 2015, anh Hạnh trở về quê nhà. Vẫn chọn cây dứa để làm kế sinh nhai, nhưng sau khi dành một năm tìm hiểu, anh đã làm khác.
Không dùng phân bón hóa học thông thường, anh Hạnh mày mò tự làm phân vi sinh bằng cách ủ phân cá, củ chuối, ốc. Trong phân cá nhiều vitamin, vi sinh có lợi cho cây, củ chuối chứa loại kali dễ tổng hợp.
"Phương pháp tập trung chăm sóc đất mẹ cho trái ngọt xen lẫn vị chua tự nhiên, không ngọt sắc, lá dứa dày và xanh, không bị cháy. Bây giờ, nhiều hộ gia đình cũng áp dụng phương pháp bón vi sinh tự nhiên cho ruộng dứa", anh nói.
Như nhiều nhà khác, vào vụ thu hoạch, anh Hạnh thường chỉ lấy quả, lá dứa được vứt lại trên bãi, sau đó gom thành đống để đốt. Ruộng dứa hàng trăm hecta khi đốt khói bay vào nhà dân, anh nghĩ, cách làm này không phải là phương pháp hợp lý và lâu dài.
Dành thời gian mày mò trên Internet, anh thấy nhiều nước trên thế giới dùng lá dứa để tách thành sợi, dệt làm vải quần áo. Hạnh nghĩ cách tận dụng: "Xã Tân Thắng có hàng trăm hộ trồng dứa, nếu tận dụng được nguồn phụ phẩm này để tạo ra một sản phẩm mới, vừa có thể giảm ô nhiễm, vừa đem lại nguồn sinh kế mới cho người dân", anh bắt tay thực hiện.
Mới đầu làm, anh thử dùng bàn chải để đánh lá dứa lấy sợi, nhưng không hiệu quả vì sợi ngắn và mỏng, khó để sơ chế tiếp, không thích hợp để thực hiện diện rộng. Anh nghĩ tới việc dùng máy móc để tách sợi, như vậy mới cho chất lượng đồng đều và năng suất cao. Từng đi thuyền chở hàng, nên anh cũng có chút kiến thức về máy móc. Đầu năm 2019, Hạnh cùng mấy anh em trong làng chế tạo máy đánh sợi từ lá dứa.
Anh cho biết, máy có cấu tạo đơn giản, một lưỡi dao bên trong để đánh lớp thịt trong lá dứa. Phần này được anh xay nhỏ và ủ với vi sinh để làm phân bón hữu cơ cho cây. Phần sợi thô còn lại được ngâm với nước vo gạo, giấm dứa, sau đó phơi khô để sợi được trắng sạch, không còn dính tạp chất.
"Máy này có thể xử lý khoảng 3 tấn lá dứa mỗi ngày. Phần sợi được tách gần như hết, trung bình 100 kg lá có thể tách được 5 kg sợi", anh Hạnh nói.
Đưa sản phẩm giới thiệu đến một số làng nghề dệt truyền thống, sợi lá dứa của anh Hạnh được đánh giá mềm và dai hơn, nhưng lại ngắn hơn tơ tằm (dài khoảng 70 cm), nên phải mất thời gian nối các đoạn để tiện cho việc dệt sợi thành vải. Vì vậy, thời gian tới, anh dự định cải tiến máy tách sợi, tích hợp thêm chức năng nối sợi, rửa sợi.
"Ngoài làng nghề trong nước, một doanh nghiệp bên Thụy Sĩ cũng muốn hợp tác để đặt loại sợi này làm túi xách cao cấp, nhưng do dịch Covid-19 nên đối tác bên đó vẫn chưa thể qua Việt Nam để làm việc", anh cho biết.
Gần 6 năm gắn bó với công việc trồng dứa, anh Hạnh không ngừng học hỏi để tìm ra những sản phẩm mới nâng cao giá trị cây dứa, giảm phụ thuộc vào một sản phẩm, từ đó đem lại nguồn sinh kế mới cho người dân trong vùng. Mới đây, anh đang thử nghiệm chế phẩm nước tẩy rửa với thành phần hữu cơ từ phụ phẩm lá dứa.