Thứ năm, 13/2/2025
Thứ tư, 4/5/2022, 06:31 (GMT+7)

Chàng trai bỏ du học về nước hồi sinh cổ phục Việt

Hà NộiĐang theo ngành Đông Á học ở Đức, năm 2018, Đức Huy quyết định bỏ ngang để về nước tự nghiên cứu cách dệt, nhuộm vải và may các loại trang phục cổ của người Việt.

Chiều tháng 4, Nguyễn Đức Huy, 28 tuổi, nhóm bếp ninh gỗ tô mộc tại xưởng trên phố Ngọc Thụy, quận Long Biên, để điều chế nước nhuộm màu đỏ cho tấm vải tơ sống.

"Cùng là màu đỏ nhưng mỗi lần nhuộm lại ra một sắc đỏ khác nhau nên mỗi lần nhuộm tôi phải làm dư, chứ đang cắt may mà thiếu, muốn nhuộm lại vải trùng màu rất khó", Huy, chàng trai đã có 4 năm theo đuổi nghề nhuộm vải tự nhiên, phục chế cổ phục Việt, nói.

Năm 2015, Huy sang Đức du học ngành Đông Á học. Từ đây, anh bị thu hút bởi trang phục dân tộc và truyền thống văn hóa của nhiều quốc gia. "Sao phải sang tận châu Âu để tìm hiểu văn hóa Việt Nam và các nước lân cận", Huy thắc mắc.

Năm 2018, anh bỏ ngang về nước cùng một người bạn làm cổ phục, trang phục truyền thống của người Việt bất chấp sự phản đối kịch liệt của gia đình.

“Hễ nhắc đến trang phục truyền thống của người Việt, nhiều người chỉ nghĩ đến áo dài và biết mỗi áo dài. Nhưng cổ phục Việt là cả một kho tàng với nhiều loại. Mỗi triều đại trong lịch sử đều có những bộ trang phục mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc”, anh giải thích.

Đào sâu tìm hiểu, Huy nhận ra toàn bộ vải may cổ phục trong nước đều là sản phẩm công nghiệp, nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc… nhưng giá thành cao. Chàng trai nghĩ, hồi sinh cổ phục Việt cần đi kèm với cả việc hồi sinh kỹ thuật dệt và nhuộm màu truyền thống của người Việt.

Thời gian đầu, Đức Huy thường đến các buổi workshop học cách nhuộm vải thủ công. Hai năm tiếp theo, anh đi khắp các tỉnh vùng núi phía Bắc để học cách nhuộm của bà con đồng bào dân tộc, lấy kinh nghiệm.

Vừa học vừa làm, Huy dần tìm ra phương pháp nhuộm vải tơ sống, tơ chín, đũi, lụa... bằng cây cỏ tự nhiên như thuốc bắc, vỏ củ nâu, lựu, vải, lá bàng, lá ngải cứu, gỗ tô mộc (trong ảnh)....

Nhưng để nhuộm màu vải giống y bản chính như các hiện vật còn lưu truyền không đơn giản bởi nhiều trang phục bị phai màu theo thời gian. Người làm mất nhiều lần thử nghiệm và phục chế.

Đến nay, Huy tự tin tạo ra 10 màu sắc ổn định từ cây cỏ tự nhiên và 50 màu khác nhưng vẫn trong giai đoạn thử nghiệm.

Để tạo ra một bộ quần áo cổ phục hoàn chỉnh, cần trải qua năm công đoạn, gồm dệt vải, nhuộm màu, phơi khô, tạo kiểu và cắt may.

Vải nhuộm phải là vải tơ tằm, đa phần là tơ sống hoặc dệt tay có độ cứng, nhằm tôn dáng người mặc và tạo sự tôn nghiêm cho bộ quần áo. Toàn bộ vải, Huy đều nhập từ làng dệt Nam Cao, Thái Bình, bởi "kỹ thuật dệt vải khó, yêu cầu nhiều máy móc, công đoạn, không thể tự làm".

Khó nhất là bước nhuộm màu. Người thợ phải đảo vải đều tay, màu phủ kín, tránh các vết loang, tán không đều. Vải nhuộm xong, phải phơi ở nơi có mái che, bóng râm, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.

Trung bình mỗi mảnh có chiều dài từ 8 m đến 20 m, khổ 60 (vừa đủ một bộ áo) phải nhuộm từ 3 đến 5 lần. Có những màu cần nhuộm từ 15 đến 20 lần, tốn vài tuần đến vài tháng để ra màu sắc chuẩn.

Có sẵn vải nhưng may cổ phục là lĩnh vực khá mới ở Việt Nam, Huy dành nhiều thời gian nghiên cứu các mẫu như áo Nhật bình, áo tấc, áo ngũ thân tay chẽn thời Nguyễn, áo giao lĩnh, viên lĩnh, đối khâm thời Lý – Trần – Lê…

"Trong quá trình làm áo mẫu, tôi phải sửa nhiều lần bởi các tài liệu nghiên cứu như tranh ảnh, điêu khắc thường mang tính ước lệ. Chỉ khi tìm được dáng áo chuẩn, phù hợp với cơ thể người, mới có công thức cắt, may gửi thợ", anh nói và cho biết một số loại áo như cổ phục thời Nguyễn, áo ngũ thân tay chẽn phải có chi tiết số đo của cơ thể, còn áo giao lĩnh ở thời Lê cần ít số đo hơn.

Năm 2019, Đức Huy chính thức mở thương hiệu cổ phục riêng, đây cũng là đơn vị đầu tiên tại Hà Nội nhận làm sản phẩm thủ công, với ba nhân viên. Chàng trai 28 tuổi nhận trách nhiệm nghiên cứu mẫu mã, nhuộm vải; ngoài ra còn một thợ may chính và người xây dựng thương hiệu.

Hiện trung bình mỗi tháng anh nhận từ 15 đến 20 đơn đặt hàng. Khách đa phần là nữ. Giá mỗi bộ cổ phục may vải công nghiệp từ 2,5 triệu đến 3 triệu đồng, riêng vải nhuộm tự nhiên từ 3 triệu đến 6 triệu đồng, tùy độ phức tạp.

Sau hai năm kinh doanh, Đức Huy đã bán được 500 bộ cổ phục với nhiều chất liệu khác nhau. Ngoài ra, anh cũng mở dịch vụ cho thuê, giá từ 500 nghìn đồng đến 800 nghìn đồng mỗi lần.

Từ các hội nhóm chỉ vài chục người cách đây vài năm, đến nay cộng đồng người Việt thích tìm hiểu về cổ phục tăng nhanh chóng, nhóm lớn nhất trên mạng xã hội thu hút gần 120.000 thành viên. Bên cạnh đó, nhu cầu người đặt may hoặc thuê cổ phục tăng mạnh.

Trong thời gian tới, Đức Huy mong muốn tìm ra nhiều màu nhuộm mới, tự tạo họa tiết trên vải nhuộm thay vì vải trơn. “Xa hơn, tôi hy vọng tìm ra cách nhuộm vải tự nhiên có giá thành rẻ. Để người có thu nhập trung bình cũng có thể chi trả cho những bộ quần áo vải tự nhiên thay vì vải công nghiệp", anh nói.

Quỳnh Nguyễn