Bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng chẩn đoán bệnh nhân điếc đột ngột chưa rõ nguyên nhân. Tổng phân tích tế bào máu, sinh hóa máu, siêu âm doppler động mạch cảnh, nội soi mũi xoang, vòm họng, MRI sọ não đều không ghi nhận bất thường. Bệnh nhân dương tính với HIV.
Uống thuốc một tuần vẫn không cải thiện thính lực, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Da liễu TP HCM. Bác sĩ Lâm Phạm Phước Hùng, ngày 25/12, cho biết, bệnh nhân không có biểu hiện giang mai ở da. Kết quả xét nghiệm, chọc dịch não tủy ghi nhận xoắn khuẩn Treponema pallidum gây bệnh giang mai ở tai, giang mai thần kinh.
Sau 6 tháng điều trị, bệnh nhân hết chóng mặt, thính lực hồi phục như bình thường.
"Nếu không được điều trị bệnh nhân có thể điếc không hồi phục. Can thiệp sớm, điều trị đúng phác đồ thì khoảng 50% trường hợp có cải thiện với những mức độ khác nhau", bác sĩ Hùng chia sẻ.
Đặc điểm nghe kém của giang mai tai mắc phải (phân biệt với giang mai tai bẩm sinh) thường khởi phát đột ngột, ở cả hai bên và diễn tiến nặng dần. Các triệu chứng kèm theo là ù tai, chóng mặt.
Theo bác sĩ Hùng, rất hiếm người mắc cùng lúc cả hai loại giang mai ở tai và thần kinh. Bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân bị giảm thính thực đột ngột, nên xét nghiệm huyết thanh giang mai để tránh bỏ sót nguyên nhân do xoắn khuẩn Treponema pallidum.
Bệnh nhân cho biết có quan hệ tình dục đồng giới, nhưng hai năm nay không có quan hệ.
"Số bệnh nhân giang mai tăng nhanh khắp thế giới, tập trung nhiều ở đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới và người nhiễm HIV", bác sĩ Hùng nói.
Tại Việt Nam, giang mai là một trong các bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất. Số ca mắc ngày càng tăng nên những biến chứng hiếm gặp do giang mai như bệnh nhân này xuất hiện trở lại.
Bệnh nhân giang mai được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Nếu không chẩn đoán đúng và chữa trị sớm, giang mai gây biến chứng cho tim, não, động mạch chủ, xương, một số trường hợp dẫn đến tử vong.