Sáng 20/10, trong buổi lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường được tổ chức ở Hà Nội, câu chuyện vượt lên nghịch cảnh của cậu sinh viên Bùi Trung Hiếu, quê Thanh Sơn, Kim Bảng (Hà Nam) khiến nhiều người không cầm nước mắt.
Nam sinh 18 tuổi là tân sinh viên khoa Công nghệ thông tin, Đại học Bách khoa Hà Nội. Bố bỏ đi biệt tăm từ khi Hiếu còn ẵm ngửa, mẹ phải gửi em cho người bác ruột ở quê chăm để ra Hà Nội kiếm tiền nuôi con. Bác gái không chồng con, ốm yếu liên miên nên cuộc sống của hai bác cháu cơ cực trăm bề. Rồi mẹ có thêm em khác cha, Hiếu vừa học vừa làm, san sẻ gánh nặng cùng mẹ.
Từ khi học phổ thông, Hiếu đi giao than cho bà con trong xóm, nghỉ hè lại xin vào làm trong mỏ khai thác đá ở gần nhà. Người gầy gò, nặng hơn 50 kg, nhưng vác bao đá nặng chẳng kém trọng lượng cơ thể khiến bước chân liêu xiêu, thở hồng hộc. Mỗi lần bước ra khỏi mỏ đá, Hiếu mệt rã rời, người bám đầy khói bụi nhưng nghĩ đến khó khăn trước mắt, em lại cố gắng nhiều hơn.
Dù cuộc sống vất vả, 12 năm học phổ thông Hiếu đều là học sinh giỏi. Yêu thích ngành công nghệ thông tin từ khi học lớp 10, nhà không có máy tính, em tranh thủ học trên lớp, được nghỉ thì tới phòng máy tính của trường để học thêm.
Khi Hiếu chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT quốc gia thì mẹ ruột qua đời, bỏ hai anh em ở lại. Cậu học trò gạt nước mắt để thi cho tốt, đậu cả hai trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Cuối cùng, Hiếu chọn Bách khoa.
Nhập học hơn một tháng, Hiếu đứng lớp gia sư để kiếm tiền trang trải sinh hoạt. Nghĩ về tương lai, nam sinh mồ côi mong muốn có được một công việc ổn định sau khi ra trường, trở thành kỹ sư công nghệ thông tin, tự đi bằng chính đôi chân của mình.
"Dù mẹ không còn nhưng em vẫn muốn nói rằng con cảm ơn mẹ vì những tháng ngày mẹ vất vả nuôi con khôn lớn. Những gì con có được hôm nay không hổ thẹn với những gì mẹ đã hy sinh cho con", Hiếu nói về người mẹ quá cố.
Cũng yêu thích công nghệ thông tin, Trần Tuấn Anh ở Vân Canh, Hoài Đức (Hà Nội) trở thành sinh viên Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) với 107 điểm. Tuấn Anh mắc chứng loạn dưỡng cơ Duchence - một bệnh hiếm gặp khiến đôi chân không cử động được. Từ cậu bé năng động, hay cười, em dần không tự lo được cho sinh hoạt của mình.
Để động viên con trai, bố mua cho Tuấn Anh chiếc máy tính với mong muốn con tìm được niềm yêu thích, sau này tự lập bằng bàn tay, khối óc của mình. Mỗi ngày đi học, Tuấn Anh được chị gái Trần Thị Xuân (24 tuổi) đưa đi đón về. Liên cõng em trai nặng hơn cả chục kg đi lên 3 tầng thang bộ, có những lúc sắp ngã quỵ ở những bước thang cuối cùng. 6 năm qua, đôi vai, đôi chân của người chị đè nặng hơn khi em trai dần trưởng thành.
Cảm động trước nghị lực của hai tân sinh viên, nhà tài trợ đã tặng cho Bùi Trung Hiếu và Trần Tuấn Anh mỗi em một chiếc laptop và 10 triệu đồng, với hy vọng động viên các em tiến bước.
Câu chuyện của Hiếu và Tuấn Anh là hai trong số hàng trăm mảnh đời của các sinh viên nghèo được nhận học bổng. Từng ở vào hoàn cảnh như các em, cô giáo Tạ Thị Quỳnh Mai chia sẻ có những lúc khó khăn "ghì sát đất", muốn bỏ cuộc, nhưng chỉ có cách mạnh mẽ bước tiếp mới vượt qua.
"Trên con đường các em đi, từng giây, từng phút hãy luôn luôn nhớ đến đấng sinh thành, bởi khi các em đang đứng ở đây, có thể bố mẹ ở nhà đang vất vả kiếm tiền để các em được đi học. Khi thành công rồi, hãy nhớ quay lại tri ân, báo đáp xã hội và những người từng giúp đỡ mình qua cảnh khốn khó", cô nói.
Học bổng Tiếp sức đến trường 2015 dành tặng học bổng trị giá 7 triệu đồng/suất cho 182 sinh viên nghèo vừa trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chương trình do báo Tuổi trẻ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo 19 tỉnh phía Bắc tổ chức. |
Phương Hòa