![]() |
Đinh Nho Nam lập trình phần mềm máy tính dành cho người khiếm thị. |
Khi trích tuỷ để xét nghiệm, chẩn đoán của bác sĩ cũng khác nhau: nơi nói bại liệt, nơi thì nói viêm não… Nam không thể nhớ rõ mình đã phải tiêm bao nhiêu liều thuốc kháng sinh và tập luyện như thế nào. Nhưng chắc chắn đó không phải là điều dễ dàng đối với một cậu bé bị bại liệt khi còn nhỏ và sinh ra trong một gia đình công nhân nghèo, thiếu thốn.
Những ngày tháng đi học đầu tiên tại trường PTCS Bến Thuỷ (Nghệ An) cũng là những ngày khó khăn nhất đối với một cậu bé yếu ớt lại bệnh hoạn như Nam. Thế nhưng hoàn toàn trái ngược với dáng vẻ, ý chí học tập của Nam đã khiến bạn bè thay đổi cách nhìn. Đến trường học Nam phải qua một vùng đất trũng, mỗi khi trời mưa ngập đến gần thắt lưng. Thế nhưng điều đó không thể ngăn cản cậu bé bước thấp bước cao đến trường, dù không ít lần cậu đến lớp với sách vở và quần áo bị ướt sạch.
"Nếu nói em không bao giờ buồn vì tình cảnh của mình là nói dối, nhưng ai mà chẳng có lúc không vui. Mà cứ nghĩ về chuyện buồn thì sẽ được gì nhỉ? Buổi sáng ngủ dậy em có hai sự lựa chọn: vui hay buồn. Và tất nhiên là em chọn mình sẽ vui rồi" - Đinh Nho Nam. |
Lên cấp II, Nam được chuyển lên lớp chuyên toán của thành phố Vinh, nhà cách trường khá xa. Hơn 1 năm rưỡi đầu tiên, Nam được Nguyễn Hoàng Trung, một người bạn học cùng lớp (hiện là sinh viên lớp cử nhân tài năng trường ĐH Quốc gia Hà Nội) đưa đi học. Nhưng rồi Nam nghĩ: “Mình cũng có thể tự đi xe đạp đến trường được mà không cần phải nhờ bạn chở”, Nam nhờ bạn giúp tập đi xe đạp. Gần một tháng trời luyện tập với không ít lần bị xây xát và một lần ngã vỡ đầu để lại một vết sẹo lớn, Nam đã có thể tự đạp xe đến trường.
Lên cấp III, Nam chuyển lên học tại trường Phan Bội Châu, cái nôi đào tạo những con người tài năng xứ Nghệ. Tại đây, một lần nữa Nam lại chứng minh “mình có thể làm được nhiều điều hơn nữa” khi đoạt giải 3 kỳ thi Tin học toàn quốc năm 2000. Trong số những thí sinh dự thi năm đó, Nam là học sinh tàn tật duy nhất và cũng là thí sinh duy nhất của đội tuyển trường Phan Bội Châu không lên ôn luyện tại Hà Nội. Nguyễn Hải Yến, một người bạn của Nam, cho biết: “Gia đình nghèo nên Nam không thể ra Hà Nội như các bạn, nhưng Nam tự học ở nhà và vẫn quyết tâm thi”.
Năm 2001, Nam được tuyển thẳng vào khoa CNTT ĐH Bách Khoa Hà Nội, nhưng khi trải qua kỳ kiểm tra sức khoẻ Nam không đạt. Cậu học trò xứ Nghệ được ưu tiên nhập học với giấy cam kết sẽ đảm bảo đủ sức khoẻ để học tập. Kết thúc năm học đầu tiên, cậu sinh viên “không đủ sức khoẻ để học tập” ấy đạt điểm trung bình các môn học là 8,6.
Mỗi khi trái gió trở trời, Nam lại bị bệnh cũ hành hạ nhưng chàng trai nhỏ bé ấy chẳng bao giờ đầu hàng. Ngày ngày, từ phòng 107, B10 ký túc xá ĐH Bách Khoa Hà Nội, cậu thanh niên với dáng đi xiêu xiêu ấy vẫn vững bước tới giảng đường. Cậu đang cùng một người bạn cùng lớp (Nguyễn Xuân Tài) thực hiện dự định chế tạo một chiếc máy tính dành cho người khiếm thị. Hai bạn trẻ đang viết phần mềm và sẽ đưa sản phẩm tham dự cuộc thi Trí tuệ Việt Nam. Thế nhưng phần cứng của chiếc máy tính vẫn chưa tìm được người tình nguyện đảm trách. Khi thực sự bắt tay vào công việc, Nam mới thấy dự định này không hề đơn giản. Nhưng cậu thanh niên ấy vẫn quyết tâm: “Em tin mình và các bạn sẽ làm được”.
Thanh Niên