Khi nhắc đến một doanh nhân công nghệ khuôn mẫu của Thung lũng Silicon, Andy Fang, CTO của ứng dụng giao đồ ăn nhanh DoorDash, là một ví dụ điển hình. Chàng trai người Mỹ gốc Hoa sinh năm 1992 hội tụ đầy đủ các yếu tố: tài năng - chăm chỉ - dám chấp nhận rủi ro. Nhưng đó không phải tất cả đặc điểm khiến mọi người gợi nhớ về Fang.
"Andy Fang là kiểu học sinh mà bất kỳ giáo viên nào cũng yêu thích. Cậu ấy nỗ lực hết mình kể cả với những bài tập nhỏ nhất", Eric Nelson, chủ nhiệm khoa Khoa học máy tính tại Đại học Stanford, nhận xét trong tập san mùa đông năm 2018 của The Harker.
Khi kể về quãng thời gian ở trường, tỷ phú 30 tuổi không nói về chuyên ngành mình theo học mà say sưa kể về một buổi nhạc kịch. "Tham gia vào vở nhạc kịch ấy là điều nằm ngoài vùng an toàn của tôi. Tôi đã hét lên trên sân khấu những câu đại loại như Music Man và Les Misérables...", Fang nói.
Trước khi trở thành Giám đốc công nghệ của một trong những công ty startup giá trị nhất thung lũng Silicon, Fang có thành tích học tập xuất sắc. Anh từng là chủ tịch hội sinh viên và là một trong những thành viên đầu tiên của khóa học nâng cao về mạng nơ-ron trước khi nó trở thành bộ môn chính thức của trường vài năm sau đó.
Cơ hội đến với Fang khi đang là sinh viên năm hai. Anh cùng ba sinh viên khác là Evan Moore, Stanley Tang và Tony Xu làm chung một bài tập trên lớp. Sau khi nói chuyện với 8 chủ nhà hàng ở địa phương, họ nhận thấy việc nhận và giao hàng trên web luôn rối rắm và không thuận tiện. Cả nhóm đã lập trình trang PaloAltoDelivery, cho phép người dùng đặt đơn một cách nhanh chóng từ điện thoại di động. Ban đầu, đơn hàng chỉ là thực đơn dưới dạng PDF nhưng ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của người dùng và các chủ cửa hàng vì thao tác đặt và giao trên web mượt mà.
Để chủ động tìm kiếm khách hàng, nhóm đã gửi email cho các sinh viên trong trường và ký túc xá. "Chúng tôi đã tự đi giao hàng trăm đơn đầu tiên, kể cả lúc giữa đêm, hay tranh thủ ngay trong giờ học", Tony Xu, đồng sáng lập của dự án, nói với Los Angeles Times.
Đến năm 2013, PaloAltoDelivery nhận được 120.000 USD từ chương trình hỗ trợ khởi nghiệp Y Combinator. Fang và cộng sự đổi tên dự án thành DoorDash. Trước khi bắt đầu tuyển dụng những tài xế giao hàng đầu tiên, gọi là Dasher, bốn nhà sáng lập vẫn miệt mài đi giao từ 6h đến 18h hàng ngày. Năm 2014, trước khi Fang tốt nghiệp, công ty nhận được 20 triệu USD từ quỹ đầu tư mạo hiểm. DoorDash trở thành đơn vị giao đồ ăn cho hơn 1.000 nhà hàng ở Bay Area và Los Angeles trước khi mở rộng khắp nước Mỹ.
Hai năm sau, Andy Fang và Stanley Tang được vinh danh trong Forbes Under 30, hạng mục công nghệ tiêu dùng. Nhưng đây cũng là giai đoạn nguy hiểm với DoorDash. Các nhà đầu tư bắt đầu đặt câu hỏi liệu ứng dụng có khả năng sinh lời khi ngành này không có thêm những công ty mới để cạnh tranh. Các khoản đầu tư vào DoorDash dần ít đi, các nhà sáng lập phải thắt chặt chi tiêu, phân bổ lại nguồn vốn để duy trì hoạt động. Đến cuối 2019, công ty huy động được hơn 2,5 tỷ USD từ các nhà đầu tư lớn như SoftBank, Sequoia Capital và Singapore GIC, theo thống kê của CNBC.
Một năm sau, DoorDash lên sàn chứng khoán. Fang bước chân vào câu lạc bộ tỷ phú của thế giới và hiện sở hữu khối tài sản 1,1 tỷ USD. Hai năm trong đại dịch, ứng dụng giao đồ ăn DoorDash đã có những bước tiến đáng kinh ngạc khi nhu cầu đặt hàng của người dùng tăng cao. Trả lời CNBC, Fang cho biết ngay cả ở giai đoạn hậu dịch bệnh, công ty vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tốt so với trước Covid-19. Sau khi thành công ở Mỹ, DoorDash bắt đầu mở rộng đến một số thị trường quốc tế như Đức, Nhật Bản.
"Chúng tôi vẫn đang làm việc không ngừng nghỉ để xây dựng một mạng lưới hậu cầu thông minh. Từng chi tiết nhỏ đều được đội ngũ vận hành quan tâm như tài xế giao hàng có thể đậu xe ở đâu trong thành phố, mất bao lâu để làm một chiếc pizza, hay một que kem có thể giữ lạnh được trong bao lâu... Từng chi tiết nhỏ đều được tính toán cẩn thận, đòi hỏi độ chính xác cao. Điều đó làm nên khác biệt giữa DoorDash và các ứng dụng giao đồ ăn khác", Fang nói.
Khương Nha