Là công an xuất ngũ, Ngô Sỹ Tuấn Anh từng học một năm đại học ngành CNTT rồi nghỉ, không có bằng đại học. Dù biết code và làm được một số sản phẩm, nhưng khi đọc tin tuyển dụng đều yêu cầu bằng cấp, anh từng nghĩ không có cơ hội để đi làm trong ngành này.
Muốn lấy bằng đại học, Tuấn Anh tìm hiểu chương trình Core Software Engineer của FUNiX, nhưng do eo hẹp về thời gian nên chưa tham gia được ngay. Thay vào đó, anh đăng ký trước khóa học lập trình do doanh nghiệp tài trợ học phí, mục tiêu có thể đi làm sau khoảng 4 - 6 tháng.
Xuyên suốt quá trình học, Tuấn Anh đối mặt với hai khó khăn lớn là sắp xếp thời gian học tập và gặp "bug" (lỗi - PV) trong lúc code. Do phải làm việc theo ca 12 tiếng liên tục, thời gian học của anh khá eo hẹp. Công việc chạy ship vốn vất vả, lại làm việc trong khí hậu khắc nghiệt miền Trung nên ngày đi làm về là Tuấn Anh như bị rút hết năng lượng. Nhiều khi ăn uống xong, mở máy tính lên đã chín, mười giờ tối, Tuấn Anh ngủ gục trên bàn học, tỉnh dậy đã là hai, ba giờ sáng. Những ngày làm ca đêm, sáng anh chỉ chợp mắt một chút rồi dậy uống ly cà phê cho tỉnh táo để code tiếp.
Với các bug, đây là thử thách mà ai học lập trình cũng gặp phải, nhưng nhờ việc học FUNiX có cộng đồng học trực tuyến đông đảo nên anh được hỗ trợ nhiều. Có lần code gặp bug, anh mất bảy ngày trầy trật mà chưa sửa được. Khi mang lên Discord than thở với đồng môn, anh được một học viên khác vốn làm Tester chỉ giúp, nhờ đó anh tìm ra giải pháp sửa bug thành công.
"Tôi nhận ra, giải pháp đôi khi sẽ đến theo những cách không thể lường trước, miễn là đừng mất niềm đam mê, hứng thú với việc đang làm", Tuấn Anh kết luận.
Không chỉ học với đam mê, Ngô Sỹ Tuấn Anh còn tận dụng mọi nguồn lực tại "trường mây" để tạo ra cơ hội cho mình. Anh thường xuyên kết nối với hannah (cán bộ chăm sóc học viên), được hannah khích lệ, hỗ trợ khi cần. Anh chăm chỉ hỏi đáp với mentor (cố vấn chuyên môn), rèn luyện kỹ năng đặt câu hỏi và hào hứng khi nhận ra các mentor rất "VIP", đa số là lãnh đạo, giám đốc, trưởng bộ phận hay anh chị kinh nghiệm lâu năm. Gặp mentor phù hợp, anh thường xin zalo để khi cần có thể vào hỏi trực tiếp và gần như luôn được giải đáp tận tình. Chính mentor tại "trường mây" cũng là người giới thiệu việc làm cho Tuấn Anh.
Ngoài ra, anh còn chủ động tham gia các sự kiện của tổ chức để mở rộng network, gặp gỡ những người giỏi, người đi trước trong ngành. Là ứng viên chương trình "Cơ hội cho ta" tại FUNiX, Tuấn Anh lọt vào mắt xanh nhà tuyển dụng và nhận được công việc đầu tiên ngay sau đó tại Redsand - doanh nghiệp đối tác tuyển dụng và đào tạo của trường, dù chưa hoàn thành khóa học.
"FUNiX gần như đã chuẩn bị sẵn công việc cho học viên, hỗ trợ cả về CV lẫn rèn kỹ năng phỏng vấn. Hai công việc tôi làm - ở Redsand và công ty hiện tại đều do mentor đồng thời là trưởng bộ phận IT trong công ty giới thiệu", Tuấn Anh kể.
Tự nhận thời điểm mới học còn non nớt, Tuấn Anh cho biết anh từng nhiều lần đăng đàn trên các hội nhóm cộng đồng học viên, lên tiếng góp ý về giáo trình và học liệu giảng dạy. Có lần, anh từng chê công cụ học trong môn ReactJS, cho rằng thế giới đã dùng Functional Components từ lâu, mà FUNiX vẫn dạy học viên dùng Class Component là lỗi thời. Nhưng khi đi làm, cả hai công ty anh làm việc đều dùng Class Component mà anh được học ở FUNiX.
"Tôi nhận ra không phải cứ công nghệ mới là phổ biến. Học liệu mình từng chê, nay mới nhận ra đã được FUNiX hệ thống bài bản, tập trung và nhấn mạnh vào các module kiến thức quan trọng, giúp học viên vững vàng từ gốc." - Tuấn Anh tâm sự.
Cũng nhờ cách học trực tuyến yêu cầu tính chủ động cao tại trường mây, anh đã tự tìm nguồn trên youtube, tự đọc tài liệu của thư viện... dần dà luyện được khả năng tự học, dùng Google, keyword để tra cứu. Đi làm, ngụp lặn trong bể thông tin, anh nhận ra cái "phao", "hải đăng" mà FUNiX giúp mình xây dựng là quý giá.
Chàng trai 28 tuổi cũng nhớ mãi những kỷ niệm lần đầu thi theo hình thức trực tuyến, vì quá lo lắng nên mặt đỏ phừng phừng, hồi hộp đến mức phải xin mentor sắp xếp cho đẩy lịch thi sớm vì sợ... chịu không nổi. Lúc vào thi, mentor thường hỏi khá sâu vào thực tiễn. Nhưng cũng nhờ những trải nghiệm thi ấy mà sau này, Tuấn Anh tự tin trước những kỳ phỏng vấn tuyển dụng thật. Hiện, anh đã chuyển việc sang công việc thứ hai thuộc bộ phận IT của một doanh nghiệp tại Vinh.
Hài lòng với công việc lập trình viên hiện tại, Tuấn Anh chia sẻ về mục tiêu trong tương lai gần: "Thời gian tới, tôi mong sẽ tiếp tục rèn luyện để thành thạo ngôn ngữ đang dùng, được trải nghiệm nhiều hơn cảm giác 'lướt code' trên bàn phím. Tôi cũng muốn thử sức thêm ở mảng mobile, và xa hơn là chọn được mảng yêu thích để trở thành chuyên gia trong ngành".
Quỳnh Anh - Vân Nguyễn