Lẫn lộn trong những em học sinh lớp 1 trường Phổ cập giáo dục phường 12 (quận Bình Thạnh, TP HCM) là một nam thanh niên to cao, lớn tuổi. Thoạt đầu nhìn vào ai cũng tưởng nam thanh niên này là thầy giáo nhưng thực ra Hoàng Anh là một học sinh của lớp.
Lớp học với hơn 10 em, đều từ 6-9 tuổi, duy nhất cậu học trò đặc biệt này đã 22 tuổi. Đến giờ vào học, Hoàng Anh cũng ngồi nghiêm chỉnh trong lớp học như "các bạn" và đồng loạt đứng dậy chào cô giáo khi cô đến. Tiết học bắt đầu với môn Tiếng Việt, Hoàng Anh và cả lớp được cô giáo cho làm quen với các từ có vần "ưa".
"ngựa gỗ", "tre nứa", "giữa trưa"... Cô giáo bảo: "Nào cả lớp đọc theo cô". Ngay sau khi cô giáo cất lời thì cậu học trò 22 tuổi cũng đồng thanh đọc lớn theo cả lớp. Tuy nhiên khi được gọi đứng dậy đọc từng chữ thì thỉ thỉnh thoảng Anh đưa tay lên gãi đầu vì quên mất mặt chữ hoặc phát âm sai bị cô giáo bắt đọc lại.
Còn giờ học toán, Hoàng Anh tỏ ra nhanh nhẹn hơn các bạn cùng lớp khi tính nhẩm rất nhanh. Khi cô giáo hỏi các phép cộng chỉ mấy giây sau là cậu nhanh nhảu giơ tay trả lời chính xác ngay, nhưng khi bảo lên bảng viết từng phép tính thì cậu học trò này lại bó tay vì vẫn chưa quen hết mặt các chữ số.

Xen lẫn trong những em nhỏ lớp 1, vai còn đeo khăn quàng đỏ là cậu học trò 22 tuổi. Ảnh: Nguyễn Loan
"Hồi đi làm em hay phải tính tiền nên giờ tính nhẩm thì nhanh lắm", Hoàng Anh giải bày và cho biết cậu sinh ra và lớn ở miền quê nghèo Châu Đốc (An Giang). Mồ côi mẹ từ nhỏ, hoàn cảnh khó khăn lại không có người đốc thúc quan tâm chuyện học hành nên hồi nhỏ chỉ đến lớp được vài tuần thì cậu bỏ ngang chuyện học hành.
"Lúc đó em chỉ thấy việc đi mò của bắt ốc, chăn bò và đùa vui với lũ bạn cùng quê còn vui hơn cả việc đi học", Hoàng Anh tâm sự và cho biết cậu hoàn toàn bị mù chữ. Tuy nhiên ở miền quê của cậu thì việc không biết chữ là chuyện bình thường.
Đến năm 13 tuổi Hoàng Anh rời quê lên TP HCM để kiếm việc làm, không nề hà khó khăn việc gì Hoàng Anh cũng làm qua từ thợ hồ, qua phụ quán ăn. Sau này khi được một ông chủ tiệm sửa xe mô tô thương tình cậu được nhận về đây học việc và đã gắn bó với nghề này được hơn 6 năm nay. Mặc dù đã thành một thợ sửa xe chuyên nghiệp và có thể trang trải được cuộc sống từ nghề này nhưng việc không biết chữ của cậu gây ra không ít khó khăn trong cuộc sống.
Đầu tiên là việc hỏi đường, mỗi khi cần đi đâu đó Hoàng Anh lại bị không ít người la rầy vì đường nằm ngay trước mặt nhưng vẫn quay qua hỏi người khác. Cũng nhiều người nhiệt tình chỉ cho cậu phải rẻ vào đường tên này, tên kia nhưng Hoàng Anh cũng nhiều lần dở khóc dở cười khi không thể xác định được tên đường.
"Nhiều khi nhìn người khác đọc báo hay đơn giản là cầm chiếc điện thoại nhắn tin em cảm thấy tự ti và ao ước mình biết chữ như họ. Khi phải đi làm giấy tờ tùy thân hay việc gì liên quan đến chữ là em phải nhờ người làm thay hoặc né tránh", Anh cúi đầu tâm sự.

Hàng ngày Hoàng Anh vẫn tiếp tục học hỏi, trau dồi kiến thức về sửa chữa xe mô tô. Ảnh: Nguyễn Loan
Chuyện không biết chữ thường được Hoàng Anh giấu kỹ, nhưng "cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra" khi cậu cho biết đã không thể đọc và nhắn lại tin nhắn của cô người yêu mới quen. Vốn là anh chàng hiền lành, điển trai nên Hoàng Anh đã được một nữ sinh viên gần chỗ làm đem lòng yêu.
Chuyện tình của hai người có lẽ đã không giang dở nếu như cậu biết chữ. "Cô ấy đã tỏ ra rất ngạc nhiên khi biết em bị mù chữ", Hoàng Anh buồn rầu kể lại. Thời còn yêu mỗi khi nhận được tin nhắn của bạn gái chàng thanh niên lại nhờ người khác đọc và trả lời hộ nhưng vì nhiều lần bị trêu bởi những nội dung tình cảm trong đó nên lần sau cứ có chuông tin nhắn cậu chỉ biết ngậm ngùi xóa đi. Sau đó vì cảm thấy tự ti và có khoảng cách về trình độ nên Hoàng Anh đã chủ động chia tay bạn gái.
"Cũng có lần làm mất giấy tờ tùy thân, phải đích thân lên phường làm lại, khi được các cán bộ ở phường yêu cầu điền các thông tin vào tờ giấy em lúng túng không biết phải làm sao", Hoàng Anh nói và cho biết đã rất buồn khi nghe một nữ nhân viên cán bộ phường nói: "thời này rồi mà còn không biết chữ thì làm được gì".
Gặp không ít khó khăn vì chuyện không biết chữ lại được ông chủ tiệm sửa xe thương tình động viên đi học nên Hoàng Anh quyết tâm vượt qua mặc cảm tới trường tìm gặp cô giáo để được học "vỡ lòng".
"Những ngày đầu mới đi học em xấu hổ lắm vì lớp toàn các em 6-7 tuổi. Cũng có lúc em tính nghỉ nhưng khi nhớ lại những khó khăn từ việc không biết chữ em lại quyết tâm tới lớp", Hoàng Anh nói. Cứ thế, đều đặn hàng tuần từ thứ 2 tới thứ 6, sau khi làm việc xong Hoàng Anh lại chỉn chu trong bộ đồ áo trắng quần đen để tới trường.
Háo hức với việc học chữ, ngoài thời gian lên lớp Hoàng Anh tranh thủ những lúc rảnh rổi để xem lại bài vở, những tờ báo cũ trong tiệm sửa xe cũng được cậu lôi ra tập đánh vần, gặp chữ nào khó cậu lại nhờ những người xung quanh chỉ giúp. Sau hơn 3 tháng đi học Hoàng Anh khoe đã biết đọc, biết viết khá nhiều chữ, những đoạn văn ngắn cậu đã có thể tự đánh vần để đọc lấy.
Nói về cậu học trò đặc biệt này, cô Nguyễn Huyền Hoàng Oanh - chủ nhiệm lớp cho biết Hoàng Anh rất chăm chỉ đến lớp và tập trung nghe giảng. "Vì khát khao đọc được chữ nên Hoàng Anh đã cố gắng trong từng bài học. Mặc dù lớn tuổi hơn các em nhỏ, việc tiếp thu cũng khó hơn nhưng bù lại mỗi lúc không đọc được hoặc không hiểu bài cậu ấy mạnh dạn hỏi ngay", cô giáo Oanh chia sẻ.
Nguyễn Loan