Khi nhỏ, Abu thường chăn bò tại ngọn núi có tên là "Heo rừng" này. Đó là thời gian hạnh phúc của anh. Khi bò đã ăn no, Abu có thể đi nhặt trứng chim nướng hay vặt quả rừng ăn. Vô số lần anh ngồi trên núi, đặt câu hỏi: "Tại sao ngọn núi đẹp như vậy lại có tên là Heo rừng".
Bố mẹ của Abu là nông dân. Để đỡ gánh nặng gia đình, Abu tự đóng học phí bằng cách lên núi tìm thảo dược bán cho thương lái hoặc đi phục vụ du khách tại một sông băng gần nhà. Nhiều người không đủ sức xuống sông băng, ngồi lên một chiếc cáng nhỏ hai người khênh. Giá mỗi chuyến là 60 tệ (230.000 đồng), nhưng Abu thường chỉ nhận được 1/3 số tiền.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, chàng trai đến Thành Đô làm việc. Nhịp sống ở thành phố quá bon chen nên anh quyết định về quê nhà, mở một quán bar nhỏ ở thị trấn cổ Moxi. Khách ít, Abu phải làm thêm bằng cách nhận giặt ga trải giường và chăn màn cho nhà trọ, đồng thời tiếp tục làm hướng dẫn viên du lịch tự do tại khu vực sông băng Hailuogou.
Khi đi làm, những câu hỏi cứ hiện ra trong đầu Abu hết lần này đến lần khác: "Tại sao nhiều người tới Hailuogou, núi Heo rừng đẹp không kém sao không ai quan tâm?".
Abu có một ý tưởng: Trước khi quảng bá ngọn núi ở quê mình với thế giới bên ngoài, anh cần đặt cho nó một cái tên khác. Vì thích bộ phim "Notting Hill", Abu đã dùng tên đó đặt cho đỉnh núi, phiên âm sang tiếng Trung là "Nhược Đinh Sơn".
Năm 2008, Abu dựng một ngôi nhà gỗ trên núi để hút du khách. Tình cờ thấy thanh niên hàng xóm họ Chai nhàn rỗi ở nhà nên động viên cùng tham gia. Chi phí xây dựng nhà gỗ được lấy từ tiền tiết kiệm khi làm hướng dẫn viên du lịch, khoảng 2.000 tệ (7,6 triệu đồng).
Trên núi không có nước, điện và cũng chẳng có đường xá. Mọi vật liệu xây nhà đều phải dùng sức người. Cuối ngày, khi trở về nhà vào ban đêm, Abu thường thấy trên vai mình đầy vết thâm tím đen, có hôm còn bật máu. Tuy nhiên, khó khăn nhất không phải là thiếu tiền, cũng không phải vất vả mà chẳng ai hiểu. "Dân làng biết tôi muốn xây nhà gỗ trên núi để người thành phố lên chơi, họ nói não tôi có vấn đề". Dù rất cố gắng nhưng Abu cũng chỉ dựng được một ngôi nhà gỗ đơn sơ, mái lợp bằng những tấm phim dán kính.
Dựng được nhà, thanh niên này cảm thấy nên làm đường cho thuận tiện đi lại. Không có tiền mua vật liệu xây dựng cũng như thuê nhân công, anh chỉ dùng tay đào rồi cuốc, hình thành con đường đất hẹp và dài. Tuy vậy, cứ mưa lớn là đường lại hỏng. Tổng cộng 5 km đường nhưng phải sửa đi sửa lại từ năm này qua năm khác.
Những năm đầu tiên, do cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện nên ít du khách lên Nhược Đinh Sơn du lịch. Vì vậy ngoài thời gian lên núi ban ngày, Abu còn làm việc tại quán bar vào ban đêm và không bỏ công việc hướng dẫn viên du lịch.
Cách đây 13 năm, toàn bộ nước sinh hoạt trên núi đều phải dùng sức người từ chân núi đưa lên. "Tôi đã nói với Abu, phải tìm nguồn nước trên núi, nếu không nơi này không giá trị", Chai kể lại. Hàng ngày, Abu lục tung các ngọn đồi xung quanh, mất cả tháng mới tìm ra được nguồn nước. Anh mua ống, kéo nước về nhà, nhưng kết quả nước chảy ít và đục ngầu. Không có nhiều thời gian nản chí, Abu bắt đầu tìm kiếm nguồn nước thứ hai, cuối cùng cũng tìm được trên vách đá, cách nơi ở khoảng một km.
Nhưng địa hình nguồn nước này quá cao, không thể kéo nước chảy xuống phía dưới, Abu lại đào tiếp hai cái ao làm hồ chứa. Mười tháng sau, khi nước chảy thành công trên núi, anh đã ôm Chai khóc nức nở.
Vấn đề nguồn nước được giải quyết, điều kiện cơ sở hạ tầng trên núi dần được cải thiện. Sau này một trạm phát wifi cũng được dựng lên, điện cũng đã được kéo lên núi.
Thái độ của dân làng với Abu cũng dần thay đổi. Năm 2014, 46 hộ dân đã tham gia vào kế hoạch xây dựng Nhược Đinh Sơn dưới hình thức chia cổ tức đất rừng tập thể. Nhiều ngôi nhà gỗ được dựng lên, ngày càng có nhiều du khách đến nơi này vui chơi, dã ngoại. Những du khách không thể đón tiếp được trên núi vì quá đông sẽ chuyển hướng về làng. Người dân thấy nhà gỗ trên núi làm ăn tốt đã mở thêm nhà trọ hoặc cửa hàng buôn bán trong nhà.
Năm 2016, với sự hỗ trợ từ chính quyền, con đường đất Abu đào trên núi cuối cùng cũng trở nên bằng phẳng và rộng rãi. Nhược Đinh Sơn cũng được đánh giá là điểm du lịch quan trọng cho việc xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Vì những thay đổi, Abu càng tin vào ước mơ của mình. Trong 13 năm đầu, anh bận rộn canh tác trên mảnh đất dưới chân mình. Hầu hết khách lên núi đều do chính Abu tiếp đón. Anh đưa khách đi dạo, khám phá thiên nhiên, ăn thịt nướng, ngắm bầu trời đầy sao, và kể cho họ nghe câu chuyện về Nhược Đinh Sơn.
Năm 2017, đạo diễn Hong Kong Trình Tiểu Đông cũng đến Nhược Đinh Sơn khảo sát, tìm địa điểm cho bộ phim mới. Ông không ngờ điều gây xúc động hơn cả cảnh đẹp chính là câu chuyện về Abu và Nhược Đinh Sơn. "Tại sao không làm một bộ phim về người đàn ông này?". So với phiên bản do chính Abu mô tả, có thêm một cô gái trong phim, điều mà người đàn ông này không bao giờ đề cập tới ngoài đời.
Quá trình quay phim kết thúc, Nhược Đinh Sơn có thêm một ngôi nhà gỗ đoàn làm phim để lại, theo Abu miêu tả thì "giống trong câu chuyện cổ tích". Anh đã tự mình sửa sang lại căn bếp trong ngôi nhà này với xoong, chảo thường sử dụng. Khi rảnh rỗi, sẽ ở nhà nấu ăn và quay một số video với nguyên liệu địa phương.
Abu cũng khai hoang một mảnh đất trồng rau. Làm chuồng cho gà, hai con ngựa và nuôi thêm chó mèo. Nhiều người đặt câu hỏi: "Liệu anh có thể sống trên Nhược Đinh Sơn suốt đời không?", Abu trả lời: "Tuổi đôi mươi, tôi thích những chỗ đông người nên mở quán bar để tụ tập, gặp gỡ. Sau này khi trải nghiệm nhiều hơn, tôi nhận ra rằng, không quan trọng là nhiều hay ít người, miễn cảm thấy an yên trong tâm hồn".
Người đàn ông này nói rằng Nhược Đinh Sơn giống như một chiếc cửa sổ, khi mở ra sẽ khiến người ngoài nhìn vào, biết thêm về quê hương mình. "Nó cũng là cánh cửa cho những đứa trẻ ở đây nhìn thấy sự thay đổi của thế giới", anh nói.
Vy Trang (Theo sohu)