Một tuần nay câu chuyện chàng sinh viên Lê Doãn Ý (23 tuổi, Đại học Mở Hà Nội tại Đà Nẵng) trả lại hơn 1,3 tỷ đồng được nhiều người truyền tai nhau. Những cuộc điện thoại từ TP HCM, Hà Nội gọi đến khiến Ý bất ngờ. "Nhặt được tài sản thì trả lại người đánh mất chứ có chi mô. Nhưng được nhiều người khen, em rất vui và lấy đó làm động lực để sống tốt hơn", chàng trai quê gốc Hà Tĩnh, nay đã chuyển lên sống tại Gia Lai, tâm sự.
Chiều 22/3, Ý sang nhà bạn trên đường Phan Tứ (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) chơi, tình cờ nhìn thấy chiếc ví ai đó đánh rơi ở con hẻm nhỏ. Nhặt lên mở ra xem, Ý bất ngờ khi thấy bên trong ví có 15,5 triệu đồng tiền mặt, một điện thoại iPhone 5S, giấy tờ xe SH và hai sổ tiết kiệm trị giá hơn 1,3 tỷ đồng mang tên Phạm Ngọc Minh Thư.
"Em định mở máy gọi cho người thân của chủ nhân chiếc ví, nhưng điện thoại lại cài mật khẩu", Ý kể. Một lát sau có người gọi đến máy của nạn nhân, nhưng vội tắt. Lần theo số điện thoại này, Ý chủ động liên lạc và biết người gọi là chồng của chị Thư. "Em muốn trả lại chiếc ví nhặt được", Ý nói và có cảm giác phía đầu bên kia chỉ muốn nhận lại giấy tờ bị mất chứ không đề cập đến số tiền.
"Nhặt được của rơi với số tài sản lớn, em hồi hộp điện thoại cho bạn gái và em trai đang học tại Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Em trai trêu tiền nhiều thế anh để mà tiêu, nhưng em quả quyết không phải tiền do mình làm ra thì phải trả lại cho người bị mất, vì họ đang rất buồn", Ý thật thà nói. Gia đình có 6 anh em, bố Ý đi làm thợ hồ, còn mẹ phải đi giúp việc, tuy nhiên bố mẹ luôn dặn các con phải sống tốt.
Thời gian hẹn gặp chủ nhân chiếc ví bị gián đoạn do Ý không thể bỏ lễ nhà thờ ngày chủ nhật, cũng không kịp trình báo công an, điện thoại lại hết pin. Lễ vừa xong, cậu vội ra quán nước sạc pin để gọi cho chị Thư vì biết chị đang lo lắng. Địa điểm trả lại tài sản là nhà nghỉ Sao Mai trên đường Dương Văn An (phường Mân Thái, quận Sơn Trà), nơi Ý làm thêm từ 19h đến 7h sáng.
Gặp chị Thư trong bộ dạng căng thẳng, Ý muốn trả lại ngay tài sản nhưng vẫn cẩn thận cầm chứng minh nhân dân để nhận dạng, hỏi lại ngày sinh, quê quán. "Em vui lây khi nhìn thấy chị Thư mừng rỡ nhận lại tất cả tài sản trong ví", Ý kể và cho biết đúng lúc đó có hai người đàn ông bước vào hỏi phòng nhà nghỉ rồi sau đó giới thiệu là công an.
Thiếu tá Nguyễn Hồng Quang, Trưởng công an phường Mân Thái, cho biết do chị Thư lo sợ việc nhận lại tài sản sẽ gặp bất trắc, lại có 4 địa chỉ nhà nghỉ Sao Mai trên cùng địa bàn nên đã nhờ công an giúp đỡ. "Chúng tôi phải mật phục để đề phòng có diễn biến xấu, nhưng đó chỉ là sự hiểu nhầm", vị thiếu tá nói và cho biết chị Thư đã cho Ý tiền để cảm ơn, nhưng cậu sinh viên từ chối nhận. Ý được chủ nhà nghỉ Sao Mai khen là hiền lành, chịu khó.
"Hành động của Ý là minh chứng còn nhiều người tốt trong thời buổi này", thiếu tá Quang nói và khuyến cáo những người nhặt được tài sản cũng như người đánh mất cần đến cơ quan công an gần nhất khai báo, tránh để hiểu nhầm. "Chúng tôi đang đề nghị công an quận khen thưởng hành động đẹp của Ý", trưởng công an phường Mân Thái nói thêm.
Trên trang Facebook của mình, chị Phạm Ngọc Minh Thư cho biết 1,3 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm là số tiền gia đình chị vừa bán nhà. Chiếc ví bị mất trên đường chị tới tiệm may lấy áo dài.
"Nói thiệt tình, tất cả mọi người không ai ngờ được, một sinh viên nghèo, ở trọ tại môi trường có nhiều đối tượng trộm cắp và phức tạp (đường Phan Tứ) lại trung thực và đạo đức đến vậy. Nếu là người khác, hoặc là họ lấy tiền mặt, còn quăng giấy tờ và điện thoại đi, hoặc là tham hơn sẽ đòi tiền chuộc để chuộc lại giấy tờ, hoặc xin pass điện thoại để đổi giấy tờ. Nói một cách thực tế, người tốt như em, có lẽ ngàn người mới có một", chị Thư viết.
Nguyễn Đông