Ngay từ nhỏ, chàng trai gốc Bình Dương này đã phải chia tay gia đình để vào học tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (quận 10, TP HCM). Môi trường nơi đây đã tạo cho em tính tự lập và cả sự đồng cảm, thương yêu với những bạn bè đồng lứa phải chịu những cảnh ngộ như mình. Từ đó, em quyết tâm tạo nên điều gì đó để cải thiện đời sống người khiếm thị.
Đến năm 2009, nhờ đạt học lực khá và hạnh kiểm tốt, Cường đã được tuyển thẳng vào khoa Tâm lý Giáo dục của Đại học Sư phạm TP HCM. Cường cho biết, do người khiếm thị thường sống nội tâm nên em đã chọn học ngành tâm lý để có thể hiểu được tâm tư tình cảm của họ.
Để áp dụng những kiến thức trên trường vào thực tế, Cường cùng nhóm bạn sinh viên đã tự bỏ tiền túi ra làm dự án "CD giáo dục giới tính cho học sinh khiếm thị độ tuổi 12-18". Đề tài này bắt nguồn từ những lúc Cường trò chuyện với một số bạn khiếm thính và được kể rằng các bạn từng bị quấy rối mà ngay cả nạn nhân cũng không biết mình bị lạm dục tình dục. Những sự việc này một phần là hậu quả của lỗ hổng giáo dục giới tính và đây cũng là một vấn đề khá nhạy cảm nên các bạn ít được tiếp xúc với những nguồn kiến thức hữu ích.
"Khi được nghe những câu chuyện thương tâm này, em mới hiểu bên cạnh những khó khăn thường ngày thì đời sống của người khiếm thị còn có nhiều bất trắc, nguy hiểm khác rình rập vây quanh. Từ đó, em nghĩ mình phải tìm ra những kỹ năng cần thiết và trang bị cho người khiếm thị để họ có thể hiểu rõ những nguy cơ có thể xảy ra để bảo vệ được mình", Cường chia sẻ.
Ý tưởng đề tài đã có nhưng việc hiện thực hóa nó không hề dễ dàng. Cường cho biết các bạn khiếm thị khá "mù mờ" về phân biệt giới tính, chỉ được học chung chung qua các mô hình đơn giản. Hơn nữa nhiều bạn ngại ngùng khi được hỏi về giới tính nên việc tiếp cận cũng gặp khó khăn.
Để tìm hiểu, Cường cùng các bạn đến trường Nguyễn Đình Chiểu gặp gỡ trực tiếp từng bạn học sinh và cả các bậc phụ huynh để nghe chia sẻ về những vướng mắc, tình huống thực tế, đưa ra những tình huống giả định để đề ra cách giải quyết, giải đáp trắc nghiệm. Các thông tin thu về được cả nhóm thảo luận, nhờ thầy cô, chuyên gia tư vấn góp ý để đưa ra giải pháp hoàn chỉnh.
Khi nội dung thông tin đầy đủ, lại xuất hiện một vấn đề "đau đầu" khác là truyền tải như thế nào cho thật sinh động nhưng vẫn dễ hiểu đối với các bạn khiếm thị. Cuối cùng, Cường đã quyết định thực hiện dự án theo hình thức "sách nói" nhằm phù hợp với thế mạnh thính giác của người khiếm thị. Thế là những kiến thức về giới tính, tâm lý tuổi mới lớn, tình yêu, tình dục, tình huống xâm hại, cách phòng tránh... đã được thu âm toàn bộ và chép vào đĩa CD.
Sản phẩm nghiên cứu đầu tay đã được ứng dụng ngay tại trường Nguyễn Đình Chiểu và đạt được những thành công bước đầu. Cường mong muốn sẽ có nhiều mạnh thường quân tài trợ để có thể phát hành rộng rãi đĩa CD này cho tất cả các học sinh khiếm thị tại TP HCM và cả những tỉnh thành khác. Thành tích đáng khích lệ cho cả nhóm nghiên cứu khi sản phẩm đã đoạt giải nhất cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka 2012 do Thành Đoàn TP HCM tổ chức và giải nhì cuộc thi Tài năng Khoa học trẻ Việt Nam do Trung ương Đoàn và Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Bên cạnh nghiên cứu chuyên ngành tâm lý, Cường cũng mày mò tự học CNTT và tự nhận mình là "fan" của Facebook. Chàng trai trẻ giàu nghị lực này còn phụ trách một lớp vi tính căn bản cho người mù tại Đồng Nai và tiếp tục theo đuổi mục tiêu trở thành lập trình viên không chuyên trong thời gian tới.
"Khi tốt nghiệp, ban đầu em xin đi làm chuyên viên tư vấn tâm lý qua điện thoại cho người khiếm thị và cả người bình thường để có thêm kinh nghiệm. Ngoài ra, em sẽ dành thời gian tìm hiểu và tham gia những dự án CNTT liên quan đến người mù để thỏa ước mơ công nghệ và cũng là cách giúp những người đồng cảnh ngộ được tiếp cận, khám phá kho tàng tri thức hữu ích rộng lớn trên Internet", Cường vui vẻ nói.
Đặng Mạnh Cường là một trong 21 tấm gương nghị lực điển hình được chọn trong cuộc thi viết "Gương nghị lực phi thường" do báo Thanh niên phối hợp với Tập đoàn Hoa Sen tổ chức. Những tấm gương này sẽ được tôn vinh trong hai đêm Gala Tỏa sáng nghị lực Việt diễn ra vào ngày 21/5 tại TP HCM và ngày 24/5 tại Hà Nội. Chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt đến nay đã đi được ba phần tư chặng đường và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của tầng lớp thanh thiếu niên cả nước. Chương trình được tổ chức nhằm tôn vinh những tấm gương nghị lực Việt Nam biết vượt qua nghịch cảnh, vươn lên trong cuộc sống và có đóng góp tích cực trong cộng đồng. |
Minh Trí