Ít nói, đôi mắt cận 2,5 đi ốp vừa lạnh lùng vừa chân thành, Nguyễn Huỳnh Đăng Khoa nếu trong trang phục đời thường dễ khiến người đối diện liên tưởng đến một anh kỹ sư hơn là một đầu bếp. Và thực sự, trước khi đến với công việc nấu ăn, Khoa theo học ngành kỹ sư viễn thông.
Đăng Khoa làm bếp trưởng tại một nhà hàng cao cấp ở Thảo Điền, quận 2, TP HCM 2 năm nay. Ảnh: Kim Anh. |
Ngày đó, Khoa chọn ngành mà không hiểu rõ tương lai sẽ làm gì, không biết mình thích gì, nên theo định hướng gia đình. Đi học, chàng trai sinh năm 1987 cũng vui với các bài thí nghiệm, lập trình. Tốt nghiệp, cậu được nhận luôn vào công ty của người thân với việc lắp đặt tổng đài nội bộ cho các nhà máy trong khu chế xuất ở quận 7, TP HCM ngay gần nhà, song vẫn thấy thiếu thứ gì đó mà không lý giải được. Hàng ngày, một mình với mớ dây cáp, chạy đi chạy lại trong phòng kín không người, Khoa cảm thấy bị gò bó.
Tình cờ, một tối đi ăn tại một quán ăn có nhà bếp mở, Khoa bị hút vào những động tác như làm xiếc của đầu bếp và nồi niêu xoong chảo. Biết nhà hàng tuyển nhân viên, chàng trai 22 tuổi xin làm phụ bếp.
Ban ngày vẫn đến công ty viễn thông, buổi tối, Khoa giấu gia đình đến nhà hàng. Những ngày đầu, chỉ được nhặt rau, luộc mì, phụ cắt đồ, nhưng cậu rất vui vì được sáng tạo, được tự do và được trò chuyện.
Mỗi ngày đi làm, cậu đều chú ý quan sát đồng nghiệp, không quên tỉ mỉ ghi lại những công thức nấu ăn. Sau nửa năm, cậu thấy yêu công việc làm bếp, thu nhập tăng từ 900.000 lên 2,5 triệu/tháng, Khoa nghỉ hẳn việc viễn thông với mức lương 8 triệu/tháng chưa kể thưởng. Sợ bố mẹ sốc vì tin này, Khoa giấu cho đến khi làm bếp toàn phần được một năm.
Để thỏa chí bay nhảy, Khoa chuyển việc nhiều nhà hàng rải rác khắp TP HCM, từ nhà hàng Italia đến nhà hàng Pháp, từ nhà hàng Âu đến nhà hàng Thái.
Bà Huỳnh Ngọc Lệ, mẹ của Khoa kể, ngày biết con nghỉ việc kỹ sư, gia đình không khỏi bất ngờ vì đã đầu tư cho con học đại học 4 năm và kỹ sư viễn thông lúc đó là một công việc tốt. Tuy nhiên, bị dồn vào "thế đã rồi", ông bà muốn giận cũng không được.
Cuối năm 2010, Khoa đi xin việc ở Phú Quốc và "mất tích" với gia đình luôn 6 tháng. Hóa ra, khi cậu xuống đó phỏng vấn tại một resort thì được kêu ở lại làm việc luôn, xuyên cả Tết.
3 năm ở Phú Quốc đã rèn tay nghề của Khoa nhiều. Ca trực 4-5 người phục vụ cả trăm khách mỗi ngày, nên mỗi lần đi làm về, áo của Khoa có thể vắt ra nửa ly nước. Có lần đứng bếp trưởng quầy nướng buffet ngoài trời, Khoa nhận được tờ giấy từ một vị khách Nga nhỏ tuổi: "I love your food, it’s delicious" (Cháu thích món ăn của chú, nó rất ngon). "Lúc đó, mọi vất vả tan biến, tôi cảm thấy rất vui vì công việc được thừa nhận", Khoa chia sẻ.
Nguyễn Huỳnh Đăng Khoa đang trổ tài với món trứng. Ảnh: NVCC. |
Học nghề bếp khá muộn, nhưng bù lại bằng chăm chỉ và cầu tiến, Khoa thăng tiến khá nhanh. Sau 5 tháng làm phụ bếp, Khoa được phụ nấu rồi trở thành bếp chính. 5 năm nay, anh trở thành bếp trưởng.
Tay nghề của Khoa được thừa nhận qua chiếc Huy chương vàng cuộc thi Đầu bếp tài năng Việt của Hội đầu bếp Sài Gòn tổ chức năm 2015, danh hiệu Quán quân Mekong Chef 2016, Quán quân Tinh hoa ẩm thực Khánh Hòa 2019.
"Để tạo dấu ấn cho món ăn không chỉ cần sáng tạo, đẹp, ngon mà còn phải làm sao để dễ phục vụ, dễ thưởng thức", Khoa chia sẻ bí quyết. Đó là lý do anh hay hỏi khách về các món ăn và cách phục vụ để làm tốt hơn.
Gia đình giờ đây cũng thừa nhận sự chuyển hướng của Khoa "là đúng đắn". Hiện anh có thu nhập khá tốt mà nếu cống hiến 10 năm trong nghề viễn thông cũng khó được như thế.
Không chỉ nấu bếp, Khoa còn có cơ hội làm thêm nhiều việc liên quan đến ẩm thực như dạy học, nấu ăn riêng cho gia đình VIP, sắp đặt quán ăn, chụp hình món ăn...
Một món ăn do Khoa thực hiện. Ảnh: ĐK |
Khoa cho rằng nếu còn trẻ, cứ mạnh dạn làm những thứ mình thích. Khi đã chọn thay đổi, hãy cố gắng tất cả vào con đường mới, cứ thử dù có thể thành công hay thất bại vì tuổi trẻ còn thời gian.
"Phải thử mới biết giữa thích và thực tế khác nhau thế nào. Có thể, sau này thích làm ngành khác, tôi cũng sẽ thử, nhưng cách làm sẽ khác", anh nói.
Kim Anh