19h, tại căn gác nhỏ ở quận 2, TP HCM, Lê Minh Châu (28 tuổi) chăm chú theo từng nét vẽ của 4 học trò. Anh điều khiển chiếc cọ, pha màu, hướng dẫn các em (12-15 tuổi) làm quen với mỹ thuật.
Lớp dạy vẽ của Châu khá nhỏ, không nhiều bàn ghế. Anh chỉ được đào tạo về hội họa cơ bản, tự học là chính, nhưng vẫn thu hút khá đông học viên. Sau bộ phim Chau, Beyond the Lines vào top 5 phim truyện tài liệu xuất sắc tại Oscar năm 2016, cậu bé Châu dị tật, nỗ lực không ngừng, bỗng trở nên nổi tiếng, truyền cảm hứng cho mảnh đời kém may mắn.
"Mở lớp dạy vẽ là cách Châu tiếp lửa đam mê vẽ, bồi dưỡng tài năng cho thế hệ trẻ, động viên các bạn kiên trì theo đuổi ước mơ, thành công sẽ đến", anh chia sẻ.
Trong những học sinh cấp 2 mà anh kèm cặp từ bài học vỡ lòng, 4 em đạt học bổng về hội họa tại Anh, Pháp, Australia, Bỉ. "Mỗi ngày nhìn các em say sưa với từng đường nét, bay bổng với những gam màu, tôi thấy lại hình ảnh của mình gần 20 năm về trước. Mê vẽ đến quên ăn, không ngủ", anh nhớ lại.
Vượt qua giới hạn bản thân
Châu là nạn nhân chất độc da cam, tay và chân teo nhỏ, không thể cầm nắm, đi lại như người bình thường, phải di chuyển bằng đầu gối. Vì hoàn cảnh khó khăn, gia đình đưa Châu vào làng Hòa Bình (Bệnh viện Từ Dũ, TP HCM) nuôi dưỡng.
"Có lẽ cuộc đời tôi mãi là những nốt trầm buồn, luôn mặc cảm tự ti vì cơ thể không lành lặn, nhiều lần tìm đến cái chết, nếu không được một cô giáo dạy vẽ đến làng Hòa Bình đánh thức", Châu hồi tưởng.
Cô say sưa vẽ hết bức này đến bức khác. Cậu bé lặng lẽ đứng sau cô, mắt không rời từng nét. Đó là lần đầu tiên trong đời, Châu biết đến những gam màu sống động trong cuộc đời vốn buồn tẻ của mình.
Khi Châu nắm được những nét vẽ, gam màu cơ bản thì lớp học tan rã vì cô đi nước ngoài. Không còn người hướng dẫn, Châu tự học cách bố cục tranh, phối trộn màu sắc qua sách báo, tranh ảnh... Nhưng trở ngại lớn nhất, có thể dập tắt ước mơ là Châu không thể điều khiển đôi tay co quắp, mất gần 6 tiếng mới hoàn thành một bức tranh.
Đam mê trở thành họa sĩ của cậu bé 9 tuổi từng bị bạn bè trong làng Hòa Bình cười nhạo; các cô nuôi dạy trẻ tịch thu hết bút vẽ vì cho rằng ý tưởng đó viển vông. Châu không nản chí. Khát khao được bay bổng với những ý tưởng sáng tạo càng trỗi dậy mạnh mẽ. Châu cố gắng chứng minh cho mọi người thấy "khiếm khuyết về thể xác không thể giới hạn tài năng".
"Trong lần tình cờ thấy hình ảnh người khuyết tật vẽ tranh bằng miệng, ý tưởng lóe lên trong đầu, tại sao mình không như cô ấy? Tôi không thể quyết định hình hài mình thế nào nhưng cuộc sống của tôi nằm trong tay tôi", anh tự nhủ.
Một loạt sự cố xảy ra. Cây cọ trong miệng gãy, đâm vào quai hàm, chảy máu; nuốt màu mực thường xuyên. Anh không nhớ nổi đã làm gãy, thay mới bao nhiêu bút vẽ. Sau gần 3 năm luyện tập, anh có thể dùng miệng uyển chuyển điều khiển chiếc cọ vẽ theo ý muốn. "Nếu người bình thường cố gắng một thì tôi nỗ lực gấp đôi, gấp ba, thậm chí 10 lần. Kiên trì giúp tôi vượt qua giới hạn của bản thân, biến những cái không thể thành có thể", anh nói.
17 tuổi, Châu rời làng Hòa Bình, nuôi sống bản thân qua những bức tranh vẽ bằng miệng, nếm trải đủ mọi vất vả vì cuộc sống thiếu trước hụt sau, nuôi giấc mơ mở phòng tranh của riêng mình.
20 tuổi, trong phòng tranh đầu tiên tại quận 7 (TP HCM), anh mừng rơn vì từ giờ có thể thỏa sức sáng tạo. "Sáng tạo là yếu tố quan trọng nhất của người họa sĩ, tôi không cho phép bản thân sao chép ý tưởng của bất kỳ ai. Đó là cách tôi tạo nên sự khác biệt", chàng trai 9x cho biết.
Khi ý tưởng chợt đến, Châu thức trắng đêm hoàn thành, xong lăn ra ngủ lúc nào không hay. Có bức chỉ mất 10 phút để vẽ nhưng cũng có tác phẩm mất gần một năm. Anh hăng say làm việc, thả hồn vào nét vẽ, lên ý tưởng thiết kế, học ngoại ngữ... suốt 20 giờ mỗi ngày. Châu tự nhận mình không lo cho sức khỏe nhưng niềm đam mê cứ thôi thúc bản thân làm việc không thể nào dừng lại. Khoảng 2.000 bức tranh là nỗ lực không ngừng của chàng họa sĩ gần 20 năm qua.
Vượt lên nghịch cảnh, Châu nỗ lực thực hiện dự định của bản thân, truyền cảm hứng cho người kém may mắn, làm điều có ích cho cộng đồng. Đó là lý do Châu trở nên đặc biệt, để lại ấn tượng với Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát - Trần Uyên Phương. Trong một lần đến phòng tranh của Châu trong chương trình "Nối trọn yêu thương", Uyên Phương bị cuốn hút bởi những màu sắc mà anh tạo nên.
Nữ doanh nhân chia sẻ, nếu cuộc đời kém may mắn của anh là gam màu trầm thì những bức tranh hầu hết đều vẽ bằng gam màu tươi sáng, như cách anh sống luôn lạc quan và trọn vẹn. Châu bền bỉ cống hiến cho nghệ thuật suốt 20 năm, kết hợp những chất liệu khác nhau, tạo ra tác phẩm riêng biệt. Châu phá vỡ những quy tắc, vượt qua những giới hạn - điều tưởng chừng như không thể.
Điều này cũng tương tự như tinh thần của ái nữ nhà Tân Hiệp Phát khi viết cuốn sách "Vượt lên người khổng lồ" được Forbesbooks xuất bản hồi 2018, đó là dám ước mơ lớn và hành động mỗi ngày để đạt ước mơ đó. Trong cuốn sách cô đã chia sẻ câu chuyện về "Biến điều không thể thành có thể" của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, về một Tân Hiệp Phát nuôi dưỡng khát vọng có một thương hiệu Việt tồn tại 100 năm.
Vẽ tranh gây quỹ từ thiện
Từ hai bàn tay trắng, Châu có thể tự nuôi sống bản thân, mở quán cà phê riêng, đi du lịch để tìm ý tưởng. Anh còn vẽ, bán đấu giá để gây quỹ từ thiện khi nhận thấy còn nhiều mảnh đời cần được giúp đỡ.
Là nạn nhân chất độc da cam, anh thấu hiểu nỗi đau mà những người cùng cảnh ngộ chịu đựng, mặc cảm tự ti khi hòa nhập với xã hội. Đó là lý do Châu có mặt tại kỳ họp thứ 9 "Công ước về quyền của người khuyết tật" của Liên Hợp Quốc tại Mỹ năm 2016.
Gần 5 năm qua, Châu có hơn 100 bức tranh trưng bày tại triển lãm quốc tế ở Mỹ, Canada, Pháp, Nhật và đều bán hết ngay sau đó, tất cả được đóng góp vào quỹ từ thiện. Chàng trai dự định mở phòng tranh tại Mỹ, đưa những bức vẽ ra thế giới và một ngày nào đó được trưng bày trong bảo tàng ở xứ sở cờ hoa.
Châu đã có hành trình phấn đấu không mệt mỏi để chạm đến ước mơ, vẽ nên câu chuyện đẹp cho cuộc đời.
Xem một số tác phẩm vẽ bằng miệng của Châu
Kim Uyên
Ảnh: Hữu Khoa
Video: Công Khang