Biên giới phía Bắc đón Nghĩa và đồng đội bằng những cơn mưa trắng trời. Mưa dầm dề và sương giăng kín lối khiến người cách người vài mét không nhìn rõ nhau. Chưa kịp làm quen với thời tiết miền biên viễn, chàng học viên Học viện Biên phòng nhận ngay nhiệm vụ chốt chặn đoạn biên giới dọc bờ sông Ka Long cùng một quân nhân của Đồn biên phòng Pò Hèn (Móng Cái, Quảng Ninh).
Công việc hàng ngày của Nghĩa là tuần tra, ngăn chặn người xuất nhập cảnh trái phép, buôn lậu và giải quyết tình hình nảy sinh trên biên giới. "Chốt chặt đường mòn, lối mở ở biên giới sẽ ngăn Covid-19 từ nước ngoài xâm nhập vào trong nước. Đây là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình", Nghĩa nhớ kỹ lời dặn dò của các thầy trong lễ xuất quân hôm 6/3.
Nhà sát đồn Biên phòng cửa khẩu Tịnh Biên, chàng trai quê An Giang chọn đề tài khóa luận "phương án tối ưu để Bộ đội Biên phòng thực hiện nhiệm vụ tuần tra biên giới mùa nước nổi ở tuyến biên giới Tây Nam Bộ". Bài tiểu luận cuối cùng của đời sinh viên giờ đây được thay thế bằng thực tiễn phòng chống Covid-19.
"Em coi đây là cơ hội rèn giũa bản thân, học hỏi kinh nghiệm. Sinh ra ở biên giới Tây Nam, giờ thực tập ở biên giới phía Bắc, em sẽ có điều kiện để đối chiếu, so sánh hai địa bàn và học hỏi từ đàn anh cách xử lý tình huống", Nghĩa nói.
Tình yêu màu xanh áo lính nhen nhóm trong Nghĩa từ những ngày còn bé. Đó là những đêm Đồn biên phòng tổ chức giao lưu văn hóa văn nghệ, kết nghĩa đoàn thanh niên, tổ chức hội trại, cậu thấy được sự hăng hái, nhiệt tình của những người lính quân hàm xanh. Hàng tháng, các anh còn tổ chức chiếu phim mời đồng bào dân tộc xung quanh đến xem, tạo không khí sum họp.
Năm 2011, nước lũ bất ngờ dâng cao, lúa và hoa màu chìm trong biển nước. Lúc đó, những người lính biên phòng dầm mình thu hoạch lúa cho dân. Các vụ cháy trên núi Phú Cường thường xuyên xảy ra, cũng chính bộ đội Biên phòng là người túc trực xử lý.
"Lúc bé em thích bộ đội Biên phòng vì sự đa tài, lớn lên em thích vì lòng dũng cảm và sự hy sinh. Năm em lớp 5, một anh ở đồn đã mua tặng em bộ sách giáo khoa. Đó là lúc em quyết định phải học thật giỏi và lớn lên sẽ trở thành người lan tỏa yêu thương như các anh", Nghĩa nói.
12 năm phổ thông là học sinh giỏi toàn diện cộng ba giải tỉnh, một huy chương đồng và hai giải huyện giúp Nghĩa được xét tuyển thẳng đại học diện 30A (20 huyện nghèo biên giới, hải đảo). Cậu chọn vào Học viện Biên phòng, chính thức bước vào quân ngũ năm 2016.
Học khoa Quản lý Biên giới, Nghĩa được đào tạo tất cả các môn từ Cửa khẩu, Ma túy, Trinh sát bên cạnh các môn chuyên ngành như Dân vận, Kiểm soát quản lý đường mốc biên giới quốc gia, tham mưu tổng hợp hoạt động của đơn vị hay quản lý công tác vũ trang, huấn luyện cán bộ, chiến sĩ.
Nghĩa học tốt tất cả môn. "Cầu tiến" là hai từ mà cậu tự nhận xét về mình. Nghĩa nói không bao giờ biết hài lòng với bản thân hay kiêu ngạo, tự đắc. Bất cứ khi nào và ở đâu cậu cũng góp nhặt kiến thức để bồi đắp cho mình, bất cứ ai cũng có điểm tốt để Nghĩa học hỏi.
Với năng khiếu tiếng Anh từ bé, Nghĩa được chọn làm đội trưởng Câu lạc bộ tiếng Anh tiểu đoàn 2 của Học viện Biên phòng với nhiệm vụ chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức cho các bạn, lan tỏa việc học tiếng Anh trong toàn trường. Nhiều cuộc giao lưu văn nghệ, diễn thuyết song ngữ được Nghĩa cùng các bạn tổ chức mang lại hiệu quả tốt.
Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Học viện "Nâng cao chất lượng sử dụng mệnh đề tính ngữ cho học viên đào tạo đại học Biên phòng" do Nghĩa làm chủ nhiệm năm 2019 được Ban giám đốc Học viện Biên phòng đánh giá xuất sắc. Cậu cũng được chọn tham gia đội tuyển của Biên phòng dự thi Olympic tiếng Anh toàn quân.
Chàng trai chia sẻ, lính biên phòng thường xuyên tiếp xúc với người nước ngoài nên tiếng Anh rất cần thiết. "Lượng khách quốc tế ra vào cửa khẩu bình thường rất đông. Nếu mỗi chiến sĩ biên phòng có thể giúp họ hiểu thêm về đất nước, con người Việt Nam thì đó là cách quảng bá rất tốt", Nghĩa nói và cho biết hiện tiếng Anh là một trong bốn môn thi tốt nghiệp bắt buộc ở Học viện Biên phòng.
Nghĩa cũng là chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học "tổ chức sử dụng lực lượng phòng chống tội phạm buôn lậu" thực hiện năm 2019. Xuất phát từ thực tiễn hoạt động buôn lậu phức tạp ở khu vực cửa khẩu Tịnh Biên, Nghĩa đã nghiên cứu cách thức chỉ huy, quản lý, bảo vệ biên chế, cách phân chia, bố trí lực lượng biên phòng hợp lý để phòng chống buôn lậu. Đề tài đạt giải ba Tuổi trẻ sáng tạo Học viện Biên phòng.
Suốt bốn năm đại học, Nghĩa không cho phép mình nghỉ ngơi. Cậu nói tuổi trẻ là phải trau dồi, học hỏi để khi ra trường có thể dùng kiến thức đó phụng sự xã hội. Cố gắng của cậu được đền đáp khi kết quả học tập luôn ở top đầu toàn trường với điểm tổng kết trên 8 và rèn luyện đạt loại tốt.
Thiếu tá Mai Văn Thể, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pò Hèn, cho biết thượng sĩ Lê Phúc Nghĩa không chỉ học giỏi mà còn có thái độ và trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ rất tốt. Gần 3 tuần tham gia chốt chặt đường biên phòng chống Covid-19, Nghĩa không nề hà vất vả khi làm việc xuyên đêm, trong điều kiện thiếu thốn và khắc nghiệt. "Nghĩa là hình tượng người chiến sĩ thời hội nhập, không chỉ giỏi chuyên môn, giỏi ngoại ngữ mà còn luôn cầu tiến", anh Thể nói.
Để tăng cường cho tuyến đầu chống Covid-19, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã quyết định điều động 325 cán bộ, học viên của Học viện Biên phòng và trường Trung cấp 24 Biên phòng; 39 chó chiến đấu đến các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai từ ngày 6/3.