Nhìn Nguyễn Hữu Thái Hòa, ít ai có thể nghĩ anh chàng dáng thư sinh đứng trước mặt mình đã từng làm giám đốc chất lượng quản lý hơn 40 nhà máy của công ty Schneider Electric tại châu Á, Thái Bình Dương, cố vấn Bộ trưởng Khoa học Công nghệ và đeo huyền đai đệ tam đẳng hệ phái karate Nghĩa Dũng (Huế). Nước da trắng trẻo, dáng cao gầy, Thái Hòa trông giống tài tử hơn là một doanh nhân thành đạt. Nghe giọng hát trầm ấm, mượt mà, sâu lắng của anh, người ta chỉ muốn bỏ lại sau lưng mọi buồn vui nhọc nhằn trong đời sống để phiêu với cảm xúc hiện tại.
Để lại sau lưng chức giám đốc chất lượng của tập đoàn Pháp Schneider Electric cùng với nhiều kỷ niệm trên xứ Cảng Thơm ( Hong Kong), Nguyễn Hữu Thái Hòa đã cùng gia đình đáp chuyến bay trở về Hà Nội vào một buổi chiều mùa đông cuối năm 2010. Bỏ qua ánh mắt sửng sốt cùng lo ngại của nhiều bạn bè, Thái Hòa cho rằng, việc trở về quê hương khi tuổi nghề đã chín và tuổi đời còn sung sức là một quyết định hợp lý để thực hiện hòa bão mà mình tâm huyết, đó là góp phần đưa một tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam vươn tầm ra thế giới, xây dựng môi trường dịch vụ và sản phẩm của người Việt Nam trở thành những công dân điện tử cao cấp (E-citizen).
Nguyễn Hữu Thái Hòa hiện là Giám đốc chiến lược của một tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam. Ảnh: Hương Giang |
Từng theo học khoa thanh nhạc và piano cổ điển tại Nhạc viện, 4 năm tại Đại học Mỹ Thuật Công Nghiệp TP HCM, học kiến trúc nội thất tại ĐH Bách Khoa Ryerson, Toronto, thạc sĩ Quản trị kinh doanh Đại học CIBS, Thượng Hải, Trung Quốc, Thái Hòa được nhiều người coi là kẻ đa tài. Còn anh, chỉ mỉm cười tự nhận mình kẻ có nhân duyên với nhiều nghề và nghề nào cũng được trời thương nên may mắn làm việc gì cũng ổn.
Năm 1997, tình cờ gặp ông Etienne Laude - Tổng giám đốc tập đoàn công nghiệp điện Schneider Electric tại Việt Nam đã làm cho con tàu sự nghiệp của chàng kiến trúc sư trẻ Thái Hòa vừa từ Canada trở về, rẽ sang một lối khác. Lời mời đảm nhiệm cương vị Phó giám đốc hoạch định phương thức sản xuất và vận hành hệ thống quản lí chất lượng ISO 9001 của ông Laude đã làm cho Thái Hòa hết sức ngạc nhiên. Nhưng ông Laude khẳng định: “Tôi tin là tôi đang chọn đúng người”.
Sau này khi đã là đồng nghiệp của nhau, Laude tâm sự, trước đó ông đã phỏng vấn hàng chục kỹ sư, thạc sĩ về công nghệ nhưng rất thất vọng trước tư duy quá nặng về lý thuyết và thiều tính thực hành của các kỹ sư Việt Nam. Ông tin với cách làm việc say mê, cùng những bản vẽ kiến trúc đầy chi tiết, mạch lạc, Thái Hòa sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ vận hành một nhà máy.
Thái Hòa cho rằng, việc trở về quê hương khi tuổi nghề đã chín và tuổi đời còn sung sức là một quyết định hợp lý để thực hiện hòa bão mà mình tâm huyết. Ảnh: Hương Giang |
Thái Hòa quyết định đương đầu với thử thách mới, lĩnh vực quản lý chất lượng khi anh là một kẻ ngoại đạo trong ngành này. Vốn là kiến trúc sư, anh đã dùng nhiều bản vẽ, biểu đồ hình ảnh thay thế các phần lý thuyết nặng nề, khó đọc trong các bộ tiêu chuẩn và quy trình của nhà máy. Chưa đầy một năm sau, cụm nhà máy do Thái Hòa quản lý trở thành doanh nghiệp đầu tiên vượt qua các đối thủ cạnh tranh trong ngành công nghiệp điện tại Việt Nam, đạt tiêu chuẩn ISO 9001, cùng một lúc được cấp hai chứng chỉ của BVQI (Tiêu chuẩn Quốc tế) và QUACERT (Tiêu chuẩn Việt Nam). Đặc biệt bộ quy trình công nghiệp trong dây chuyền của nhà máy do Thái Hòa soạn thảo đã được tập đoàn Schneider ở Pháp chọn làm quy trình mẫu để huấn luyện cho các nhà máy vệ tinh của tập đoàn trên thế giới.
Năm 2001, Thái Hòa đến Pháp làm việc theo đề bạt của ông Laude và anh trở thành người Á Đông đầu tiên đảm nhiệm chức vụ Giám đốc văn phòng Quốc tế Vụ tại Tập đoàn. 8 năm sau anh trở thành Tổng giám đốc đảm bảo chất lượng và đáp ứng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của dòng sản phấm huyết mạch ISC có trụ sở đặt tại Hong Kong. Cũng trong thời gian này, Thái Hòa liên tục về Việt Nam để thực hiện chương trình quản lý chất lượng Vươn tới đỉnh cao (Best in Class) của Bộ Khoa học Công nghệ với tư cách là cố vấn chuyên môn.
Suốt hơn 20 năm bươn chải lập nghiệp ở xứ người, đã đi qua nhiều nơi song chỉ có Pháp và Hong Kong là hai nơi để lại trong anh nhiều ấn tượng nhất. Pháp nổi tiếng với rượu vang, những lâu đài cổ còn Hong Kong có đặc thù văn hóa đảo, tập trung nhiều công ty đa quốc gia. Nhưng sống ở những nơi phồn hoa này, Thái Hòa vẫn cảm thấy cô đơn bởi đó đâu phải quê hương mình. Anh tâm sự: “Cứ mỗi lần đứng trước Đại lộ Ngôi sao ở Hong Kong, cảm xúc tự ái dân tộc lại trỗi lên trong tôi. Trí tuệ Việt Nam không thua kém gì, vậy tại sao đất nước chúng ta không phát triển được như họ”?
Việt Nam là nước có dân số trẻ với độ tuổi trung bình là 26, trong khi đó Nhật Bản là xấp xỉ 60. Nguyễn Hữu Thái Hòa cho rằng, đây là lợi thế để Việt Nam bắt kịp các quốc gia hùng mạnh của châu Á. Trong nhiều thế mạnh mũi nhọn, lương bổng của Việt Nam có thể cạnh tranh được với quốc tế. Những tập đoàn hàng đầu Việt Nam sẵn sàng trả lương, thương bằng cổ phiếu để thu hút nhân tài và khuyến khích nhân viên nỗ lực phấn đấu hết mình cùng số phận của công ty. Đây chính là cơ hội vàng của doanh nhân Việt.
Thái Hòa tin Việt Nam có thể vươn mình ra thế giới và từ đó anh luôn mang một hoài bão, làm sao để thương hiệu Việt đạt chất lượng cao trong mắt bạn bè quốc tế. Hơn 13 năm ở lại tập đoàn Schneider Electric lĩnh hội đủ những những kinh nghiệm về quản lý chất lượng, Thái Hòa cho rằng, thời gian phiêu bạt ấy đã đủ và đây là thời điểm thích hợp để anh hồi hương, đưa những kinh nghiệm mình học hỏi về xây dựng quê nhà.
Thái Hòa trông giống tài tử hơn là một doanh nhân thành đạt. Ảnh: Hương Giang |
Thái Hòa được nhiều người biết đến không chỉ trong vai trò là một chuyên gia, nhà quản trị, mà còn là một người có mối thân tình với Trịnh Công Sơn. Không ít người ngỡ ngàng khi thấy kẻ có giọng hát lãng du, làm mê mẩn lòng người ấy lại là một chuyên gia công nghệ, lĩnh vực có phần khô cứng. Còn anh thì mỉm cười: “Quản lý chất lượng ISO và nhạc Trịnh có mối tương đồng bởi cả hai đều hướng đến điểm tận cùng bản chất sự chân thật, hướng thiện để phục vụ cộng đồng”.
Chính nhạc Trịnh như một cái duyên ngẫu nhiên mà tạo hóa sắp đặt giúp chàng thanh niên có thêm bản lĩnh giữ lại hồn dân tộc. Những khi ngồi cô đơn nơi đất khách quê người, xung quanh là bốn bức tường lạnh giá, anh lại nghêu ngao hát nhạc Trịnh. Câu hát "tôi ơi đừng tuyệt vọng” cất lên khiến chàng trai "không được phép tuyệt vọng" và Thái Hòa tin những năm tháng khó khăn sẽ là những trải nghiệm giúp anh có thêm bản lĩnh.
10 năm kể từ ngày Trịnh ra đi, năm nào anh cũng phát hành một album nhạc để nhớ về người nhạc sĩ tài hoa mà truân chuyên ấy. May mắn vì có mẹ là bạn thâm niên của cố nhạc sĩ tài danh, Thái Hòa được nghe nhạc Trịnh từ khi còn trong nôi và dòng nhạc ấy đã thấm vào máu khiến anh trở thành tín đồ nhạc Trịnh.
Nhà phát hành Phương Nam ban đầu tưởng chỉ hỗ trợ cho tấm lòng thành của anh, nhưng suốt 10 năm qua, đĩa của Thái Hòa vẫn tiêu thụ đều đặn và được cả những công chúng trẻ yêu thích, ngưỡng mộ. Bởi tiếng hát ấy cất lên từ trái tim không phải vì tiền cũng chẳng phải ham danh mà đơn giản chỉ bởi chữ duyên do tạo hóa sắp đặt.
Thái Hòa tâm sự, hơn 20 năm tha hương, năm nay thật sự là một mùa xuân đặc biệt vì anh được sum họp cùng gia đình, được thưởng thức thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh tại quê nhà. "Khi quyết định trở về hẳn, tôi cảm giác mình không còn là người đứng ngoài cuộc với những trăn trở, thăng trầm của quê hương này nữa", Thái Hòa tâm sự.
Anh coi việc ở lại quê nhà sau 20 năm phiêu bạt là mối nhân duyên mà tạo hóa ngẫu nhiên sắp đặt, bởi vậy, “hãy cứ để cho mọi việc xuôi theo nhân duyên mà hành xử, miễn sao để lòng mình thanh thản khi đi vào giấc ngủ, rồi sớm mai lại quay trở về với công việc bộn bề như một chuyến hành hương…”.
Hoàng Lan