Người con ấy tên là Lê Chí Hùng, giám đốc marketing của một công ty lắp ráp máy phát điện ở Hà Nội. "Mơ ước lớn nhất đời tôi là tìm được mẹ ruột. Nếu còn bình an, mẹ tôi năm nay khoảng 60 tuổi. Linh cảm của đứa con trong tôi mách bảo mẹ vẫn còn sống và cũng đang đi tìm tôi", anh Hùng bắt đầu câu chuyện về hành trình đi tìm nguồn cội của mình.
Anh Lê Chí Hùng luôn mong muốn tìm được mẹ ruột của mình. Ảnh: TT. |
Anh Hùng được mẹ nuôi nhận về sống ở Hải Lăng, Quảng Trị từ nhỏ đến nay. Tuổi thơ hồn nhiên chốn thôn quê cứ thế trôi qua yên ả, cho đến khi cậu bé bắt đầu đi học. "Những đứa trẻ hàng xóm luôn miệng trêu chọc tôi không phải là con đẻ của mẹ. Tôi buồn lắm. Nhiều lần tôi gặng hỏi, mẹ luôn bảo chính mẹ đã sinh ra tôi, người ta nói bậy đó. Thế là tôi tin mẹ và chăm lo học hành, đôi lúc cũng thấy buồn và cứ thắc mắc trong lòng".
Nhiều lúc soi gương thấy mình chẳng có nét gì giống mẹ, cậu bé không khỏi ngờ ngợ về bản thân. Từ nhỏ đến lớn Hùng luôn là một học sinh giỏi trong làng, năm học cấp 3 đạt thành tích học sinh giỏi nhất huyện nên rất được mọi người xung quanh thương yêu. Từ những cuộc nói chuyện tâm tình, bà con chòm xóm mới kể cho Hùng nghe về nguồn cội của cậu. Họ bảo, mẹ hiện tại của Hùng đã nhận nuôi cậu từ trong Sài Gòn, còn cha ruột Hùng là một thương gia thành đạt có tiếng ở thành phố thời đó.
"Lúc đó tôi đã lớn và luôn cố gắng hỏi thăm kỹ hơn về thân phận của mình. Tôi không dám hỏi mẹ nuôi nữa, vì bà cũng linh cảm tôi đã biết điều gì đó rồi. Mẹ sợ tôi đi tìm mẹ đẻ mà bỏ bà lại một mình. Còn tôi luôn quyết tâm học để thi đỗ đại học ở Sài Gòn mong có cơ hội tìm hiểu sự thật về cha mẹ đẻ".
Cậu bé Hùng khi mới 6 tháng tuổi. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
* Ảnh gia đình anh Lê Chí Hùng
Năm 1991, Hùng thi đỗ đại học Bách khoa TP HCM ngay năm đầu tiên dự thi. Suốt 5 năm trời, chàng trai ấy vừa học vừa đi khắp hang cùng ngõ hẻm Sài Gòn để tìm lại người thân. Năm cuối đại học, anh đã tìm được nhà cũ của cha ruột ở số 49 đường Tự Do nay là đường Đồng Khởi, TP HCM.
Người dân tại đây chỉ cho anh lên căn phòng trên cùng của tòa nhà 7 tầng, nói là phòng của gia đình cha ruột anh ở trước năm 1975. Thời gian này, gia đình người chủ đi vắng, phải sau nhiều lần lui tới, chàng sinh viên mới gặp được họ. "Tôi đã kể câu chuyện xưa nghe được về thân phận của tôi và anh ấy nghe chăm chú. Cuối cùng sự thật dần hé mở: Người chủ nhà ấy chính là cháu, gọi ba tôi là dượng. Nhà này là của cha tôi nhưng năm giải phóng đã bị tịch biên và giao cho Tổng công ty cao su".
Chàng sinh viên lúc ấy mới biết cha tên là Lý Trần Lý. Ông có một người vợ cả và 5 đứa con đã qua Mỹ những ngày giáp 30/4/1975. Còn mẹ ruột của Hùng là mối tình vụng trộm của ông Lý. Hai người yêu nhau sinh một con trai ngoài giá thú khi ông đã gần 50 tuổi, có vợ và 5 đứa con.
Sau khi vợ cả và các con lớn sang Mỹ, ông Lý vì không về kịp nên ở lại Sài Gòn, mấy năm sau đó ông mới tìm cách đi đoàn tụ với gia đình. Ông mất năm 1985 tại Mỹ. "Đó là một tin rất buồn cho tôi. Tôi đã không có cơ hội gặp người cha ấy dù chỉ một lần trong đời", anh Hùng bùi ngùi. Sau đó nhờ người quen chỉ đường, anh cũng tìm gặp được 2 người anh cùng cha khác mẹ đang sống ở TP HCM.
Khi gặp lại người dì là quản gia trong gia đình cha ruột ngày trước, anh Hùng mới biết toàn bộ sự thật về nỗi khổ mà mẹ ruột của mình đã phải gánh chịu khi sinh thành ra anh.
Với một ký ức không còn nguyên vẹn, người quản gia tên là Chắc kể, cuối năm 1973, mẹ anh (tên Võ Thị Thúy, hơn 20 tuổi) đang mang thai khoảng tháng thứ 6-7 thì bị vợ cả của ông Lý sai người tìm đến phòng trọ đánh ghen. Họ đã lấy hết đồ đạc trong phòng và hăm dọa, còn người phụ nữ ấy sợ hãi, chỉ biết nép mình trong góc phòng. Vợ cả ông Lý vì ghen đã đòi nhảy lầu tự tử mấy lần rồi cấm không cho ông liên lạc với mẹ con bà Thúy nữa. Mặc dù vậy, thấy hoàn cảnh Thúy khó khăn, người vợ cả vẫn chu cấp tiền bạc để giúp cô sinh nở, mọi thứ đều thông qua người quản gia là bà Chắc.
Bà Chắc hàng tháng nhận tiền chu cấp đem đến cho Thúy nuôi con. Đến khi cậu bé Hùng được 6 tháng tuổi, chị Thúy quen một người lính hải quân cộng hòa. Anh này chưa có vợ, nên gia đình muốn cả hai cưới nhau với một điều kiện phải "giải quyết xong đứa con" thì họ mới chấp nhận.
Qua lời khuyên nhủ của dì Chắc, mẹ của anh Hùng đã đồng ý giao con trai đầu lòng cho một người phụ nữ hiếm muộn nuôi từ đó đến nay. "Vậy là số phận đã đưa tôi đến với mẹ nuôi. Bà là một người hiền lành, đức độ và thương yêu tôi hơn mọi thứ trên đời", anh Hùng tâm sự.
Một bức ảnh đám cưới người chị cùng cha khác mẹ của anh Hùng. Trong ảnh: Cha của anh là ông Lý Trần Lý đeo kính, ngồi cạnh chú rể. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Sau này, biết không thể giấu diếm mãi, mẹ nuôi của anh Hùng đã kể cho con biết tất cả sự thật. Ký ức của bà vẫn còn nguyên khi thuật lại giây phút nhận đứa trẻ đỏ hỏn từ tay người thiếu phụ.
"Lúc ấy gần buổi trưa mùa hè năm 1974, dì Chắc gọi điện cho mẹ, bảo đến một rạp hát nào đó mẹ không nhớ rõ. Khi vào đó mẹ không thấy ai. Một lúc sau, dì đến. Mẹ nhìn sang bên hàng ghế chờ thấy có một cô gái trẻ đang bế con. Dì Chắc sau đó đi sang phía người thiếu phụ, bảo đi sang bên này, dì đã làm sẵn giấy cho con", người mẹ kể lại câu chuyện cho con trai nghe.
Người nữ quản gia kia đã dấu tung tích không cho hai bên biết gì về nhau. Bà ấy liên tục thúc giục hai bên ký giấy cho con với khoản tiền 100.000 đồng. "Mẹ sững sờ khi thấy mẹ ruột con nhận tiền rồi ôm con khóc nức nở. Sau đó cô ấy trao con cho mẹ và chạy nhanh ra đường". Đây là lần cuối cùng đứa con 6 tháng tuổi được nhìn mặt người mẹ thân sinh ra mình.
Khi anh Hùng hỏi mẹ nuôi về giấy tờ ký ngày ấy, bà bảo đã mang về quê, cất trong tủ. Năm 1986, Quảng Trị bị bão lớn, nước dâng ngập nhà và giấy tờ ấy đã hư hỏng, chỉ còn lại được hai tấm hình chụp Hùng lúc 6 tháng tuổi. "Tôi xem tấm hình ấy như bảo bối và mang ra xem hoài. Mẹ nuôi bảo tự mẹ chụp cho tôi, nhưng sau này mới nói thật là lúc trước dì Chắc đưa cho".
Sau này anh Hùng cũng hỏi dì Chắc nhiều điều nhưng dì bảo không còn nhớ rõ. Bà chỉ kể rằng mẹ ruột của Hùng đã đưa cho bà rất nhiều hình nhưng người vợ cả của ông Lý đã xé hết, chỉ còn hai tấm, bà đã đưa cho mẹ nuôi của anh.
"Dì Chắc bảo mẹ ruột tôi quê ở Tiền Giang hay Vĩnh Long gì đó. Khi sinh ra tôi, mẹ đặt tên là Võ Anh Dũng, khai sinh ngày 5/1/1974 Âm lịch. Từ khi cho tôi đi, mẹ ruột nhiều lần tìm đến xin gặp tôi nhưng dì không cho gặp". Khi làm lại giấy khai sinh, mẹ nuôi đặt lại tên anh là Lê Chí Hùng (mang họ của bà), sinh ngày 5/1/1974, sau này được học vượt lớp nên khai lại năm 1973.
Suốt 39 năm qua từ khi chia ly mẹ, anh Hùng luôn khắc khoải mong tìm lại gia đình của mình, và nhất là người mẹ chịu bao khổ cực. "Lúc ấy mới 6 tháng tuổi nên tôi cũng chẳng biết gì, khi lớn lên biết sự thật về thân phận mình, qua những câu chuyện thật về mẹ, lòng tôi đau như cắt". Nay ở tuổi tứ tuần, vậy mà rất nhiều lần anh Hùng đã khóc một mình vì tủi phận là đứa trẻ "không có nguồn cội".
"Trong lòng tôi luôn âm ỉ một nỗi đau. Làm thân trai cứng cỏi trước mọi người, tôi không thể khóc, mà chẳng phải ai cũng hiểu cho hoàn cảnh của mình. Tôi luôn mong muốn tìm lại được mẹ, được thấy mẹ, được ôm mẹ", anh nghẹn ngào.
Gần 40 năm qua anh Hùng đã tìm đủ phương cách: Đích thân về quê mẹ để dò hỏi, nhờ bạn bè, gửi thư lên đài truyền hình, nhờ cộng đồng mạng chia sẻ... Song đến nay vẫn chưa tìm được tung tích về người mẹ họ Võ, mà theo tính toán của anh, năm nay bà chừng 60-61 tuổi.
Chia sẻ với VnExpress.net, anh Hùng bảo, dù cảnh ngộ như thế nhưng anh luôn nhận thấy mình hạnh phúc vì có một người mẹ nuôi tốt bụng, đã hy sinh cả cuộc đời để dưỡng dục anh khôn lớn. Nhưng từ tận sâu thẳm tâm hồn, nỗi khát khao đi tìm nguồn cội vẫn không nguôi thiêu đốt và thúc giục anh lên đường tìm lại cha mẹ mình dù mọi thứ như "mò kim đáy biển".
"Tôi rất thương mẹ nuôi nên luôn cố gắng học hành và sống tốt, nhưng trong tận đáy lòng tôi lúc nào cũng nghĩ đến mẹ ruột của mình. Tôi nóng lòng muốn biết bà đang ở đâu, làm gì, hình dáng ra sao, sống thế nào, trong lòng thế nào. Biết đâu mẹ cũng đang nghĩ về con, đang mong muốn gặp lại con, bởi người mẹ nào cũng vậy mà", anh bộc bạch.
Thi Ngoan