Thứ ba, 2/11/2021, 10:00 (GMT+7)

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng tiêu dùng nói chung đã đạt mức khá cao là 1,8 triệu tỷ đồng tới năm 2020, chiếm 20% dư nợ cho vay nền kinh tế. Tính riêng nhóm các công ty tài chính tiêu dùng, dư nợ đạt khoảng 130.000 tỷ đồng với hơn 30 triệu khách hàng được phục vụ. Các chuyên gia đánh giá đây là con số ấn tượng với ngành tài chính tiêu dùng còn non trẻ tại Việt Nam.

Thời gian qua, hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung cũng như các công ty tài chính tiêu dùng nói riêng đã phát triển mạnh mẽ, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ tiêu dùng của người dân, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong đó, FE Credit là một trong những tổ chức đầu tiên góp phần đặt nền móng cho thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam.

Sau hơn một thập kỷ, doanh nghiệp này hiện chiếm gần 50% thị phần cho vay tiêu dùng Việt Nam với hơn 12 triệu khách hàng, 21.000 điểm giới thiệu sản phẩm, dịch vụ trên toàn quốc, hợp tác với hơn 16.000 đối tác chiến lược, mang đến cuộc sống ổn định và cơ hội phát triển nghề nghiệp cho hơn 13.000 lao động. Tổng dư nợ cuối năm 2020 của doanh nghiệp đạt 66.000 tỷ đồng.

Ra đời vào năm 2010, tiền thân là Khối Tín Dụng Tiêu Dùng của VP Bank, năm 2014, FE Credit tách ra thành công ty tài chính với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Sau khoảng ba năm đầu định hình hướng đi, cách FE Credit chọn là tập trung vào phân khúc cho vay tín chấp đối với người lao động có thu nhập trung bình thấp, mảng kinh doanh mà nhiều công ty bỏ qua vì lo sợ rủi ro.

Thời điểm 2015, khi thị trường còn nhiều khó khăn, ít người hiểu mô hình công ty tài chính với dịch vụ cho vay tiêu dùng, FE Credit đã nhìn thấy tầm quan trọng và có những bước đi chiến lược khi hoạt động dưới pháp nhân độc lập. Với sứ mệnh "Hiện thực hóa hàng triệu ước mơ" và mong muốn mở ra cơ hội có được cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả người dân Việt Nam, doanh nghiệp này đã vượt qua những khó khăn, định kiến, hiểu lầm là tổ chức tín dụng đen, từng bước khẳng định vị thế công ty tài chính hàng đầu Việt Nam.

Kết quả là sau thời gian ngắn, FE Credit trở thành "gà đẻ trứng vàng" cho VPBank. Giai đoạn 2016-2017, FE Credit đóng góp trên 40% lợi nhuận cho ngân hàng mẹ. Năm 2020, FE Credit đạt thu nhập hoạt động hơn 18.200 tỷ đồng, trong đó trên 17.200 tỷ là thu nhập lãi thuần. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 3.700 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản công ty đạt 73.300 tỷ đồng. Công ty hiện cho vay với các sản phẩm chính đó là cho vay tiền mặt, cho vay mua điện thoại điện máy, cho vay mua xe máy trả góp và thẻ tín dụng.

Dẫn dắt FE Credit từ năm 2010, CEO Kalidas Ghose cho biết, một trong những điều tự hào nhất là FE Credit đã góp phần thay đổi cuộc sống của hàng triệu người Việt. Không chỉ cung cấp những khoản vay nhỏ, giúp người dân tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn, giải quyết khó khăn tài chính, điều FE Credit hướng tới là nâng cao chất lượng sống cho hàng triệu người Việt Nam, tiếp cận gần hơn với dịch vụ vay tiêu dùng thông qua công nghệ.

"Bên cạnh đó, chúng tôi đã góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng, tư duy về tiêu dùng ở Việt Nam. Trải qua 11 năm, vượt qua nhiều trở ngại và định kiến, chúng tôi đã mở rộng tệp khách hàng lên hàng chục triệu người, giúp họ tiếp cận các khoản vay mà trước đây họ có thể phải thực hiện thông qua tín dụng đen", CEO FE Credit chia sẻ.

Ngày 28/4/2021, ngành tài chính trong nước "dậy sóng" với thương vụ bán vốn của FE Credit, không chỉ bởi giá trị mà còn ở sự cộng hưởng mà thị trường đang hướng tới. Sau 6 tháng kể từ ngày hai bên ký hợp đồng chuyển nhượng vốn và hoàn tất mọi thủ tục, ngày 28/10, SMBCCF trở thành cổ đông lớn nắm giữ 49% vốn tại FE Credit. Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng cũng đổi tên thành Công ty Tài chính TNHH VPBank SMBC. Thương vụ được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều thay đổi tích cực cho thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam thời gian tới.

Sumitomo Mitsui là một trong những tập đoàn tài chính hàng đầu Nhật Bản, có kinh nghiệm lâu năm trong việc phát triển thị trường tài chính tiêu dùng tại châu Á. Đối tác Nhật Bản cũng được biết đến bởi sự tiên phong sáng tạo và ứng dụng công nghệ kỹ thuật số. Trong khi đó, tại Việt Nam FE Credit nằm trong top đầu ngành, có kinh nghiệm với thị trường bản địa, nền tảng công nghệ đầu tư bài bản, cùng lượng khách hàng lớn.

Việc tham gia góp mặt của đối tác Nhật hứa hẹn nhiều điều thay đổi mới mẻ với FE Credit trong thời gian tới, theo ông Kalidas Ghose. Thông qua giao dịch này, FE Credit kỳ vọng nhận được sự hỗ trợ về công nghệ cũng như nguồn vốn, năng lực quản trị điều hành và kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại châu Á từ SMFG, đặc biệt là từ SMBCFC - công ty tài chính tiêu dùng đang dẫn đầu tại thị trường Nhật Bản.

FE Credit kỳ vọng sự cộng hưởng này sẽ lan tỏa tới khách hàng vay tiêu dùng tại Việt Nam. Với việc đẩy mạnh đầu tư công nghệ, chi phí huy động vốn cải thiện, khách hàng của FE Credit sẽ sớm được trải nghiệm nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích, đa dạng với mức lãi suất phù hợp cùng chất lượng chăm sóc khách hàng theo tiêu chuẩn Nhật Bản, đồng thời thúc đẩy thị trường tài chính tiêu dùng hoạt động lành mạnh và minh bạch.

Sự đồng hành của một định chế tài chính ở quy mô toàn cầu cũng sẽ đóng góp cho FE Credit và sau đó là VPBank nhiều kinh nghiệm về quản trị, mạng lưới, bộ đệm và nguồn lực. Doanh nghiệp thêm tự tin khi được trang bị thêm "vũ khí", đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập ngày càng nhanh, mạnh.

Tính đến cuối năm 2020, tổng dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đạt 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 10,15% so với cuối năm 2019 và tăng hơn 10 lần dư nợ cuối năm 2010. Tỷ trọng dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng tăng từ 8,17% tổng dư nợ nền kinh tế trong năm 2010 lên 20% năm 2020.

Đánh giá về tiềm năng phát triển tín dụng vay tiêu dùng, ông Kalidas Ghose cho rằng, Việt Nam có cơ hội lớn. So với một số quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, con số này còn khá khiêm tốn, nhưng điều quan trọng là Việt Nam sở hữu dân số trẻ, hàng năm có nhiều người gia nhập lực lượng lao động. Bên cạnh đó, thu nhập của người dân đều tăng lên một cách bền vững.

CEO của FE Credit cũng cho rằng, việc bắt tay với đối tác Nhật mang lại nhiều cơ hội hơn để phát triển trong tương lai. Hiện tại, thanh khoản của doanh nghiệp được hỗ trợ lớn, xếp hạng tín dụng được cải thiện. FE Credit còn được tiếp cận thị trường Nhật Bản, với chuyên môn ngân hàng toàn cầu.

Ông Kalidas Ghose khẳng định "còn rất nhiều việc phải làm và sẽ tiếp tục nỗ lực, tạo sự tin tưởng cho các cổ đông cũng như đảm bảo việc phát triển tín dụng vay tiêu dùng thành công hơn trong tương lai".

Gần hai năm qua, các doanh nghiệp trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Đây cũng là thách thức lớn đối với ngành cho vay tiêu dùng. Những người có thu nhập từ vừa đến thấp ngày càng khó khăn về tài chính. Điều này ảnh hưởng đến danh mục cho vay của FE Credit. Tuy vậy, vị CEO doanh nghiệp này đánh giá đây cũng là cơ hội để FE Credit chuyển mình.

Trong bối cảnh dịch bệnh, công ty này tập trung vào việc số hoá vận hành, như chuyển mọi thứ lên nền tảng trực tuyến. Ở khía cạnh quản trị nhân sự, doanh nghiệp đã ứng dụng những phần mềm quản lý nhân sự vào vận hành và quản trị tổ chức, giúp đơn giản hóa quy trình quản lý nhân sự, tiết giảm chi phí và thời gian thực thi nhiệm vụ. Trong hoạt động kinh doanh, FE Credit cũng nỗ lực số hóa việc chăm sóc khách hàng. Hiện nay, hệ thống của doanh nghiệp có thể xử lý xấp xỉ 10.000 cuộc gọi đến mỗi ngày và 5.000 email, chat và cuộc họp qua mạng xã hội (social media session) cũng như tự động hóa gần như toàn bộ số cuộc gọi đi từ tổng đài.

Việc áp dụng công nghệ cũng giúp doanh nghiệp này đơn giản hóa các thủ tục vay, giảm tải khối lượng công việc, tiết giảm chi phí. Nếu trước đây, quy trình giấy tờ truyền thống có thể mất tới vài tuần thì với các ứng dụng hiện đại, quy trình duyệt vay chỉ cần vài ngày, thậm chí tính theo giờ.

FE Credit cũng triển khai thành công mô hình bán hàng đa nhiệm thông qua việc hợp tác với các chuỗi bán lẻ lớn trên toàn quốc, tận dụng lực lượng bán hàng thuộc các đối tác. Cụ thể, toàn bộ quy trình bán hàng hoàn toàn được số hóa (lên hồ sơ, kỳ hợp đồng điện tử, thẩm định, duyệt vay...), đảm bảo thông tin được xử lý một cách bảo mật và đồng bộ. Nhờ đó, công ty đã tiết kiệm 70% chi phí nhân sự bán hàng trên thị trường, doanh số bán hàng tăng 170% sau 3 tháng triển khai. Hiện tại mô hình bán hàng đa nhiệm đang giúp doanh nghiệp tiết giảm 28% tổng chi phí và giảm tải lượng phần lớn công việc cho nhân viên.

Theo CEO của FE Credit, bước vào trạng thái "bình thường mới", với tình hình kinh tế còn tương đối khó khăn, áp lực tài chính và nhu cầu chi tiêu cấp thiết càng đè nặng lên người lao động thu nhập nhấp. Do thiếu thông tin cũng như kiến thức về cho vay tiêu dùng, đặc biệt ở khu vực nông thôn, tập trung nhiều lao động phổ thông, nhiều người dễ tìm đến tín dụng đen để có nguồn trang trải cuộc sống.

"Với vai trò là đơn vị dẫn đầu thị trường cho vay tiêu dùng, chúng tôi hiểu được trách nhiệm của mình trong cuộc chiến đẩy lùi tín dụng đen. Đây cũng là điều chúng tôi quyết tâm thực hiện trong thời điểm kỷ niệm 11 năm thành lập với mong muốn phát triển thị trường tài chính tiêu dùng bền vững và minh bạch", CEO Kalidas Ghose chia sẻ thêm.

Cũng nhân dịp này, FE Credit triển khai nhiều chương trình cho vay tiêu dùng ưu đãi với lãi suất phù hợp, thủ tục đơn giản, hình thức linh hoạt, giúp khách hàng tiếp cận khoản vay dễ dàng và an toàn hơn trong giai đoạn tái thiết cuộc sống sau đại dịch, góp phần đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen.

Nội dung: Huyền Anh - Thiết kế: Thái Hưng.