Trong hai ngày qua, 30 người gồm nhân viên khu bảo tồn Bắc Hướng Hoá, kiểm lâm, biên phòng và người dân xã Hướng Lập tham gia căng lưới, dài 800 m đoạn đường Hồ Chí Minh nhánh Tây qua thôn Cha Lỳ và đường bê tông vào thôn Sê Pu, nhằm ngăn đàn voọc Hà Tĩnh 3 con từ bụi cây lao ra đường cắn người.
Nhà chức trách cắm các cọc tre cao 5-6 m, mỗi cọc cách nhau khoảng 2-3 m. Lưới được sử dụng là lưới dây cước, mắt nhỏ, khổ rộng 3 m, được căng và cột vào các cọc này với 2 lớp chồng lên nhau để đạt độ cao đến 6m. Phía trong lưới là khoảnh rừng trên núi đá vôi rộng 10 ha, nơi sinh sống của đàn voọc.
Trong quá trình căng lưới, một con voọc ngồi cách tấm lưới khoảng một mét quan sát. Khi có người đi xe máy băng qua, con voọc này lao theo từ phía bên trong.
Ông Thái Văn Trình, Khu bảo tồn thiên nhiên bắc Hướng Hoá, cho hay việc căng lưới nhằm chặn con voọc tấn công người bất ngờ, làm giảm nhịp tấn công, để dân qua đường có thể phòng thủ kịp.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Hồng Phương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay việc này hiệu quả không cao và khó có thể thực hiện lâu dài. Tình trạng này tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông với người dân khi đi qua đoạn đường này, trong khi đàn voọc có thể bị xâm hại do xe tông hoặc người dân tự vệ thái quá khi bị tấn công.
Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị có văn bản đề nghị Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) hỗ trợ chuyên gia và kỹ thuật để xua đuổi hoặc di dời 3 con voọc này, vừa bảo tồn loài động vật nguy cấp, quý hiếm, vừa đảm bảo an toàn cho người dân.
Từ tháng 7/2020 đến nay, tại đoạn đường Hồ Chí Minh nhánh Tây qua thôn Cha Lỳ và đường bê tông rẽ vào thôn Sê Pu (xã Hướng Lập), 3 con voọc Hà Tĩnh đã tấn công 9 người dân, trong đó có một phụ nữ mang thai tám tháng, ba người phải khâu bốn mũi ở chân. Ngày 20/9, một người phụ nữ ở Khe Sanh bị voọc tấn công khiến trầy xước chân.
Voọc Hà Tĩnh, hay còn gọi voọc đen Hà Tĩnh, voọc gáy trắng (tên khoa học Trachypithecus hatinhensis) được tìm thấy trong các khu rừng núi đá vôi thuộc tỉnh Quảng Bình. Chúng sống theo đàn từ 2 đến 15 con, cá biệt có đàn 30 con, thuộc nhóm IB động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, nằm trong sách đỏ Việt Nam.
Hoàng Táo