Từ khi cơ quan quản lý yêu cầu các nhà mạng mạnh tay xử lý "rác" viễn thông giữa năm nay, số lượng thuê bao phát tán cuộc gọi "rác", quấy rối người dùng bị chặn liên tục tăng mỗi tháng.
Theo số liệu Cục Viễn thông (Bộ Thông tin & Truyền thông) vừa công bố, 4 nhà mạng gồm VNPT, Mobifone, Viettel và iTelecom đã chặn 17.507 thuê bao phát tán cuộc gọi "rác" chỉ trong tháng 10. Trong đó, Viettel chặn được nhiều nhất với gần 10.000 cuộc gọi "rác".
Tại kỳ họp Quốc hội hồi tháng 11 năm ngoái, Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng cho biết, mỗi tháng có khoảng 10.000 số điện thoại gọi "quấy", ảnh hưởng tới hàng triệu người dùng.
Hiện nay, các doanh nghiệp viễn thông dùng công nghệ phân tích dữ liệu lớn (big data) hay máy học (machine learning) để nhận diện thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi rác, từ đó đưa ra biện pháp ngăn chặn.
Cùng với đó, từ tháng 10, chủ thuê bao di động cũng có thể đăng ký vào danh sách không quảng cáo (DNC) của Cục An toàn Thông tin. Sau đó, danh sách DNC sẽ được tự động chuyển đến các nhà mạng để xác minh và chặn rác viễn thông đến các thuê bao đã đăng ký.
Đây cũng là căn cứ để cơ quan chức năng xử phạt các cá nhân, tổ chức cố tình phát tán tin nhắn, cuộc gọi "rác", quảng cáo... theo Nghị định 91 về chống tin nhắn, thư điện tử, cuộc gọi rác.
Vừa qua, tại Hà Nội, một số cá nhân và doanh nghiệp đã bị phạt đến 7,5 triệu đồng vì thực hiện cuộc gọi quảng cáo khi chưa được chủ thuê bao đồng ý.
Những giải pháp mạnh tay này phần nào giúp giảm bớt tình trạng "rác" viễn thông, chủ yếu là các cuộc gọi, tin nhắn quảng cáo rao bán sản phẩm, dịch vụ như nhà đất, bảo hiểm, tài chính... từng gây bức xúc cho hàng triệu người dùng mỗi tháng.
Anh Tú