Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết tại cuộc họp ngày 6/5, mỗi năm quản lý thị trường xử lý tới 90.000 vụ vi phạm pháp luật về nhập lậu các mặt hàng, thu trên dưới 400 tỷ đồng, trong đó thu giữ vải, thuốc lá, mỹ phẩm và các mặt hàng tiêu dùng khác. Riêng vụ xe đạp điện, cơ quan quản lý thị trường đã bắt 38 vụ, chủ yếu là bán hàng giả, và bán hàng nhái nhãn hiệu, thu giữ 338 xe. "Tất cả các tường hợp sai đều bị xử lý theo quy định", ông Lam nói.
Tại nhiều chợ Hà Nội, cá tầm được bán 70.000 đồng một kg, bằng một phần ba giá bán buôn của các công ty trong nước, trong khi đó ếch Trung Quốc to gấp rưỡi ếch ta nhưng giá lại rẻ hơn nhiều.
Đối với một số mặt hàng như cá nhập lậu từ Trung Quốc, ông Lam khẳng định quản lý sẽ kiểm tra hằng ngày hằng giờ các đối tượng làm ăn phi pháp. Vừa qua Hà Nội đã thu được 1,8 tấn cá tầm Trung Quốc, 9.000 con cá trê. "Việc kiểm soát nhập lậu cá tầm cần có sự phối hợp của cả hải quan và quản lý thị trường", ông nhấn mạnh.
Trong 7 ngày (từ 25/4 đến 1/5), các trinh sát thuộc Đội 6, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49 - Công an TP Hà Nội) cũng giữ 6 xe ôtô tải vận chuyển hàng tấn cá tầm, cá quả, cá trê giống và ếch nhập lậu từ Trung Quốc.
* Xem thêm: Hình ảnh cá, ếch Trung Quốc tràn chợ Hà Nội
Trung tá Phạm Giang Sơn, Đội trưởng Đội 6 cho biết có khoảng 10 đường dây buôn lậu cá từ Trung Quốc về Hà Nội đã "lọt tầm ngắm" của cơ quan chức năng, vẫn được theo dõi chặt và sẽ bắt giữ trong những ngày tới. Chỉ huy đội nhận xét việc buôn lậu sẽ gây ảnh hưởng lớn đến những doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng thủy sản trên, có tác động tiêu cực đến kinh tế. Ông cũng cho biết thêm, cá nhân có hành vi vận chuyển lậu sẽ bị phạt hành chính 2,5 triệu đồng kèm tịch thu, tiêu hủy lô hàng. "Mức phạt trên quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe vì mức lãi lớn hơn số tiền phạt rất nhiều", trung tá nói.
Người bán cho hay có thể dựa vào kích cỡ của ếch để nhận biết đâu là giống của Việt Nam, đâu là "ếch ngoại quốc". Ảnh: Anh Quân |
Lý giải về nguyên nhân nhập lậu của hàng hóa Trung Quốc, cơ quan quản lý thị trường cho rằng, do thu được lợi nhuận cao, các đối tượng không từ thủ đoạn để thẩm lậu vào Việt Nam. Ngoài ra, hoạt động của các cơ quan chức năng còn chưa chặt chẽ khiến các đối tượng lợi dụng lúc sơ hở, nhập lậu vào thị trường trong nước. Bởi vậy, quá trình bắt nhập lâu cần có sự phối hợp chặt chẽ của cảnh sát biển, hải quan, quản lý thi trường phối hợp với công an, thanh tra chuyên ngành.
Xung quanh việc kiểm soát chất lượng, giá thành hàng hóa vào siêu thị, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho hay một trong những lý do khiến sản phẩm đến tay người tiêu dùng có giá cao là chi phí lưu thông. Trong kinh doanh siêu thị, nghiệp vụ thu mua tạo ra cạnh tranh nên giá cả ở các siêu thị thường mang tính chất cạnh tranh khốc liệt.
"Để giảm chi phí lưu thông, Bộ đã kết hợp cùng địa phương cùng các siêu thị thiết lập mạng lưới thu mua cùng các chương trình đảm bảo đủ nguồn hàng đúng chất lượng và giá hợp lý", bà Thoa cho hay.
Hoàng Lan