Năm 2018 chứng kiến sự lên ngôi của màn hình "tai thỏ" sau khi Apple khởi xướng thiết kế này cuối 2017 với iPhone X. Phong cách tối ưu cho không gian hiển thị được nhận định sẽ tiếp tục diễn ra, dẫn đầu là xu hướng màn hình "đục lỗ".
Smartphone của năm nay có toàn bộ mặt trước là màn hình, viền được làm mỏng tối đa. Camera trước được nhà sản xuất đặt trong màn hình thành một chấm nhỏ màu đen. Samsung đã ra Galaxy A8s và Huawei có Honor View 20 - hai trong số những smartphone đầu tiên dùng thiết kế này.
Điện thoại thông minh được dự đoán đón làn gió mới về thiết kế khi smartphone màn hình gập bắt đầu bán ra. Những thiết bị này sẽ có giá đắt đỏ, phát hành với số lượng hạn chế nhưng mở ra hướng đi mới cho các nhà sản xuất điện thoại thông minh nhằm phá băng thế nhàm chán của thị trường.
Royole, một nhà sản xuất Trung Quốc, đã giới thiệu thiết bị thương mại đầu tiên có tên FlexPai giá 1.300 USD. Samsung cũng nhanh chóng hé lộ sản phẩm, nhưng chỉ ở dạng nguyên mẫu. Apple, Microsoft, Xiaomi, Lenovo hay Oppo... đều đã đăng ký sáng chế hoặc rò rỉ thông tin về một thiết bị có thể gập lại.
Với màn hình kiểu mới, máy quét vân tay dạng nút truyền thống hay hệ thống quét khuôn mặt sẽ không còn phù hợp. Vì thế các nhà sản xuất chuyển sang dùng công nghệ vân tay siêu âm đặt dưới màn hình. Hiện một số công ty Trung Quốc đã ra smartphone với giải pháp này, nhưng công nghệ 2019 sẽ cho khả năng quét nhanh, chính xác hơn với giá rẻ hơn.
Ở mặt sau, người dùng sẽ thấy sự xuất hiện thêm nhiều camera với độ phân giải ngày càng tăng. Sau khi camera kép trở nên phổ biến trong 2018, các hãng bắt đầu cuộc đua tăng số ống kính lên ba (Huawei Mate 20 series), rồi bốn (Galaxy A9 2018). Smartphone đa camera được nhận định là xu hướng tất yếu.
Cuộc đua số "chấm" cũng âm thầm được tái khởi động sau nhiều năm chững lại. Cuối 2018, Huawei ra Nova 4, smartphone đầu tiên có camera độ phân giải 48 megapixel, phá vỡ kỷ lục 41 megapixel của Nokia 1020. Trước đó, camera 16-20 "chấm" cũng dần trở nên phổ biến trên điện thoại.
Việc đưa nhiều ống kính có thể giúp smartphone chụp ảnh đa năng hơn: xóa phông nhờ camera phụ xác định chiều sâu trường ảnh, góc rộng hay tới đây có thể là chụp macro. Các bức ảnh được chụp từ camera độ phân giải cao hỗ trợ trong việc in ấn, phóng khổ lớn hoặc ít nhất đem lại lợi ích trên phương diện truyền thông cho nhà sản xuất.
Smartphone ngày càng được thêm vào nhiều tính năng, tăng kích thước màn hình, tốc độ xử lý cao... nhưng công nghệ pin hầu như không thay đổi. Để duy trì thời lượng sử dụng, các nhà sản xuất thường tối ưu hóa không gian bên trong để tăng kích thước viên pin, đồng thời đẩy nhanh việc sạc. Qualcomm đã giới thiệu công nghệ sạc nhanh 30W khi dùng dây và sạc nhanh không dây 15W.
Từ vài năm qua, các công ty Trung Quốc như Huawei, Oppo... phát triển nhiều công nghệ sạc để cho ra các mẫu smartphone sạc nhanh hàng đầu thế giới. Trong khi đó, hai hãng di động lớn nhất thế giới là Apple và Samsung khá chậm chạp trong việc chạy đua công nghệ này. Một chiếc iPhone có thể mất 3,5 giờ để nạp đầy pin với bộ phụ kiện đi kèm, trong khi điện thoại của Huawei, Oppo mất chưa đầy 2 giờ.
Các smartphone 2019 còn đón nhận mạng 5G tốc độ cao khi Qualcomm và các nhà mạng đưa nền tảng này vào thương mại. Tốc độ truy cập trên 5G cho hiệu năng trung bình cao hơn 20 lần so với các công nghệ hiện tại, tốc độ tải xuống đạt nhiều Gigabit. Mạng tốc độ cao là cơ sở để phát triển video 8K, công nghệ VR và AR.
Ngoài ra, công nghệ Wi-Fi 6 mới sử dụng 8x8 anten, cho tốc độ nhanh gấp đôi so với anten 4x4. Theo Qualcomm, chip 855 có thể đạt đường truyền 10 Gigabit mỗi giây với tiêu chuẩn 802.11ay mới. Tính năng Target Wakeup Time giúp tiết kiệm pin tốt hơn 67%, tăng khả năng bảo mật với WPA3.
Bức tranh smartphone 2019 được nhận định có nhiều mảng màu mới khi các công nghệ hiện đại tiếp tục được nhà sản xuất đưa vào, gia tăng giá trị trải nghiệm cho người dùng. Tuy nhiên, giá của các mẫu di động cao cấp ngày càng tăng và khoản tiền 1.000 USD cho một chiếc smartphone có thể cao hơn nhiều giá trị sử dụng mà nó đó đem lại.