Amenhotep III là một trong những vị pharaoh vĩ đại nhất và có nhiều bức tượng còn sót lại hơn bất kỳ vị vua nào khác. Ông từng dẫn dắt Ai Cập qua thời kỳ thịnh vượng quyền lực chưa từng có. Sử dụng dữ liệu từ hộp sọ xác ướp của Amenhotep III, một nhóm nghiên cứu quốc tế hé lộ chân dung của ông lần đầu tiên sau gần 3.400 năm, Mail hôm 16/5 đưa tin.
Michael Habicht, nhà khảo cổ ở Đại học Flinders, Australia, nhận xét hình ảnh phục dựng trông khá khác với hình dáng của vị pharaoh trên các bức tượng. "Đó là gương mặt điềm tĩnh của người đàn ông thúc đẩy hòa bình và sống trong thời kỳ kinh tế hưng thịnh. Ông ấy có thể là một trong những người giàu nhất trong lịch sử, ít nhất ở thời kỳ đó. Nghiên cứu tiến hành vào thập niên 1970 mô tả Amenhotep III là người to béo, tĩnh lặng, gần như hói đầu và mắc bệnh nha khoa vào những năm cuối đời. Chiều cao của ông vào khoảng 1,56 m, thuộc hàng những vị vua nhỏ con nhất mà chúng tôi biết từ xác ướp được bảo quản của họ", Habicht cho biết.
Chuyên gia đồ họa người Brazil Cicero Moraes, người tái tạo chân dung của vị pharaoh, cho biết quá trình phục dựng bắt đầu với việc dựng lại hộp sọ Amenhotep III dựa vào kỹ thuật số, sử dụng ảnh chụp và dữ liệu về xác ướp. Ông sử dụng thêm dữ liệu từ những người hiến tặng để ước lượng kích thước và vị trí tai, mắt, mũi, miệng của vị vua.
"Dựa vào thông tin lịch sử, Amenhotep III có diện mạo vạm vỡ, đó là lý do chúng tôi sử dụng dữ liệu từ cá nhân có chỉ số khối cơ thể lớn. So với chân dung các vị pharaoh khác mà tôi từng tham gia phục dựng, đây là chân dung hoàn chỉnh nhất do chúng tôi lập mô hình cả quần áo và phụ kiện", Moraes chia sẻ.
Pharaoh Amenhotep III rất được tôn sùng khi còn sống. Ông qua đời trong độ tuổi 40 - 50, truyền lại vương quốc Ai Cập đang ở đỉnh cao thịnh vượng và hùng mạnh cho con trai là pharaoh Amenhotep IV. Cháu trai của ông là Tutankhamun trở thành một trong những vị pharaoh nổi tiếng nhất nhờ phát hiện ngôi mộ nguyên vẹn vào năm 1922. Habicht, Moraes, đồng nghiệp Elena Varotto đến từ Đại học Flinders và Francesco Galassi đến từ Đại học Lodz ở Ba Lan sẽ công bố nghiên cứu trên tạp chí khoa học.
An Khang (Theo Mail)