Ảnh: DailyGalaxy. |
"Nếu gặp vướng mắc về việc dùng d hay r, ch hay tr tôi sẽ nhập từ khóa vào thanh tìm kiếm và đối chiếu kết quả", blogger này cho hay. "Hoặc mỗi khi có phim mới được chiếu tại rạp, tôi lại lên mạng đọc ý kiến khen chê của khán giả nước ngoài trước khi quyết định có nên mua vé đi xem hay không".
Google và một số công cụ search là nguồn cung cấp thông tin không thể thiếu với cư dân mạng. Ai đó có thể trở thành người "thiếu hiểu biết" nếu online mà không biết đến thao tác tìm kiếm hoặc mỗi khi không giải đáp được một vấn đề, câu nói quen thuộc thường là "Google thử xem".
Các 'chuyên gia Google'
Thường xuyên chat với nhau sau một lần gặp gỡ tại sinh nhật người bạn, Lệ, sinh viên năm cuối trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, luôn khoe với bạn bè rằng Cường -quản trị viên một website thương mại điện tử - là cuốn từ điển di động. Anh giúp cô giải nghĩa các thuật ngữ trong những tài liệu kỹ thuật cô đang nhận dịch thêm. Anh phân tích cho cô hiểu một số tình tiết trong truyện "Giã từ vũ khí" mà cô phải học ở trường. Có khúc mắc gì, Lệ chỉ cần "buzz" qua Yahoo Messenger hoặc nhắn tin SMS là nhanh chóng có câu trả lời.
Thế nhưng, trong vài lần gặp gỡ trực tiếp, Lệ ngạc nhiên vì nhiều khi cô nhắc tới những thông tin tưởng chừng ai cũng biết thì Cường "nhíu mày nhăn trán" rồi chống chế: "Anh chắc chắn nghe nói rồi nhưng tự nhiên không thể nhớ cụ thể là thế nào". Lệ dần hiểu thực ra kiến thức của Cường cũng chẳng có gì "uyên thâm". Với thời gian online nhiều hơn thời gian ngủ, anh đủ kinh nghiệm để nhanh chóng tìm ra nội dung mình cần trong cả biển kết quả mà công cụ tìm kiếm đưa ra.
Tương tự Cường, Hải - biệt danh El Nino - lừng lẫy trên một diễn đàn với các bài viết sắc sảo, sẵn sàng đả động đến mọi chủ đề, từ sự xung đột giữa các nền văn minh đến chuyện đức lang quân René Angélil tác động xấu hay tốt tới sự nghiệp nữ ca sĩ Celine Dion Hải thừa nhận đa số thông tin được anh có được là nhờ Google cộng với khả năng đánh giá, tổng hợp vấn đề một cách logic. Anh cũng kể, sau một lần tìm đỏ mắt không thấy chức danh của một lãnh đạo thuộc hãng chip AMD, anh "ngộ" ra rằng trong thời đại của các cỗ máy tìm kiếm online, "no result" (không thấy kết quả) đang trở thành điều không thể chấp nhận.
Còn Linh, 27 tuổi ở Phương Mai (Hà Nội), tự nhận là bà mẹ trẻ nuôi con bằng Google. Mỗi khi con có biểu hiện bất thường, cô thường lên mạng tìm hiểu nguyên nhân và biện pháp xử lý. Dù mẹ chồng đã bày cách tỉ mỉ, chỉ chờ bà ra khỏi phòng là hai vợ chồng lao vào Google kiểm tra xem những gì bà nói "chuẩn" không, có gây ra tác dụng phụ gì không. Trong nhà Linh không hề có bất cứ quyển sách nào liên quan đến chăm sóc trẻ em bởi đến cả công thức nấu ăn dặm, địa chỉ mua đồ, các phòng khám uy tín đều được cô search trên Internet.
Tiếp nhận thông tin kiểu 'fast-food'
Các thống kê cho thấy thế hệ ngày nay đọc nhiều hơn hẳn những người sống trong thập niên 70 và 80 nhờ sự phong phú của các nội dung trực tuyến dưới dạng văn bản. Nhưng phương pháp đọc online khác xa trên giấy in. Người sử dụng Internet thường đọc lướt để lấy ý chính và hiếm có ai đủ kiên nhẫn đọc cả bài báo hay một entry trên blog dài quá ba trang A4.
Linh kể, dù từng học khoa văn, giờ cô không thể đọc hết những cuốn sách đồ sộ kiểu "Chiến tranh và hòa bình". Sách "offline" với Linh hiện là truyện ngắn hoặc truyện tranh như Doreamon, Thần đồng đất Việt...
Còn một người bạn của Hoa, đang làm việc tại một công ty kiểm toán HN, nhìn cô như người ngoài hành tinh khi biết cô định xin dấu làm thẻ thư viện quốc gia để hoàn thành nốt luận văn. "Mấy giờ rồi mà còn mò lên thư viện? Search một buổi là xong, rồi chỉ cần copy/paste và chỉnh sửa. Chứ lục tung cả thư viện chắc được vài mẩu thông tin con con, sau lại còn mất công đánh máy", cô bạn này giảng giải.
Một số giáo viên phàn nàn dường như sinh viên bắt đầu đánh giá thấp trình độ của thầy cô do được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin và thao tác với máy tính của họ cũng thành thục hơn. "Tuy nhiên, nhiều em thu nạp kiến thức theo kiểu 'ăn sổi', 'fast -food'. Sự sẵn có của máy tính và Internet khiến các em ngại tư duy, không muốn vắt óc cố nhớ lại một kiến thức nào đó mà sẽ tra cứu luôn qua công cụ tìm kiếm, dẫn đến tình trạng đọc trước quên sau hoặc cái gì cũng chỉ nhớ mang máng", một giảng viên tại trường Đại học Quốc gia Hà Nội nhận xét.
Hải Nguyên