Họa sĩ Chóe qua nét biếm tự họa. (Địa chí văn hóa TP HCM, quyển III). |
Trong làng biếm họa TP HCM trước và sau năm 1975, họa sĩ Chóe là một tên tuổi không thể không nhắc đến trong số ít những cây cọ biếm tiêu biểu: Ớt (Huỳnh Bá Thành), Nguyễn Tài (Nguyễn Hữu Tài), Nhím (Nhữ Đình Ngoạn)... Năm 1973, Chóe được công nhận là cây bút biếm họa xuất sắc, tầm cỡ quốc tế và NXB Glade Publication (Mỹ) đã in riêng một tập tranh của ông để giới thiệu với thế giới. "Làng biếm họa TP HCM có được một cây cọ biếm tầm cỡ quốc tế như Chóe không phải là nhiều", cuốn Địa chí văn hóa TP HCM, quyển III (GS. Trần Văn Giàu - Trần Bạch Đằng chủ biên), đã bình luận như vậy.
Bộ tranh "Chân dung nghệ sĩ" của Chóe bắt đầu được vẽ từ năm 2000. Kế hoạch của ông là vẽ từ 50 đến 60 bức. Nhưng năm 2001, ông phải tạm ngừng sáng tác vì bệnh tiểu đường nặng, phải sang Pháp điều trị. Mọi người đều tin rằng ông sẽ mau chóng bình phục để tiếp tục công trình còn dang dở của mình nhưng bệnh tình ông ngày càng trầm trọng. Họa sĩ Chóe lại mắc thêm bệnh mù màu. Năm 2003 ông sang Mỹ chữa bệnh nhưng chưa kịp điều trị thì qua đời tại Mỹ.
Chân dung nhà văn Vũ Trọng Phụng qua nét hí họa của Chóe. |
Do đó, bộ "Chân dung nghệ sĩ" của ông chỉ dừng lại ở con số 28 bức với nhiều kích thước khác nhau (nhỏ nhất 60x40 cm, lớn nhất 65x95 cm). Đây là lần đầu tiên bộ tranh này được trình bày với những người yêu hội họa. Ngoài ra, phòng tranh Tự Do còn giới thiệu thêm 3 bức tranh cũ của họa sĩ Chóe phù hợp với chủ đề triển lãm, gồm: "Ca sĩ Bảo Yến" (tranh lụa, 1990), "Chủ nhiệm phòng tranh Tự Do I" (1990), "Nhạc sĩ Trần Tiến" (1993).
Nhạc sĩ Trần Tiến đang "phiêu" cùng cây đàn guitar, nhà văn Vũ Trọng Phụng tài hoa với ánh nhìn sắc sảo trước cuộc đời, nhà văn Sơn Nam khắc khổ và dân dã... Chân dung những nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu, học giả Việt Nam qua nét cọ biếm của Chóe vừa dí dỏm lại vừa gây rất nhiều cảm xúc.
Ông Đặng Hải Sơn, chủ nhiệm phòng tranh Tự Do, cho biết, Nguyễn Hải Chí là một trong những họa sĩ đầu tiên cộng tác với phòng tranh. Ông vẽ tranh lụa, tranh giấy dó và sơn dầu. Từ giai đoạn 1989-1990, tranh lụa và giấy dó của Chóe ký tên Vân Bích. Bức sơn dầu đầu tiên của ông treo ở phòng tranh Tự Do đã được gallery Matsukawa, Tokyo (Nhật), mua lại.
Chân dung nhạc sĩ Phạm Duy. |
Chóe không vẽ tranh lụa theo lối truyền thống, không rửa lụa cho trong mà vẽ như kỹ thuật màu nước trên giấy, gây nhiều bất ngờ thích thú cho người xem. Trong khoảng 100 bức tranh màu nước trên lụa và trên giấy ký tên Vân Bích, phòng tranh Tự Do hiện chỉ còn giữ lại bức tranh lụa "Ca sĩ Bảo Yến" (1990) hí họa một Bảo Yến đang hát cuồng nhiệt, tóc tai dựng đứng khi trình diễn bài ca bốc lửa.
Tranh hí họa của Chóe được nhiều báo nước ngoài đăng tải nhất, nhưng ít người biết, ngay từ những ngày đầu cầm cọ họa sĩ Chóe đã vẽ tranh sơn dầu. Hiện nay, gia đình còn giữ những bức sơn dầu của ông, tiêu biểu là bức Chân dung bà Nguyễn Thị Kim Loan, vợ ông, với một kỹ thuật sơn dầu rất vững vàng, thể hiện sâu sắc "cái thần" của người phụ nữ đằm thắm, tảo tần lo cho chồng con.
Tác phẩm của họa sĩ Chóe là "mục tiêu săn đuổi" của các nhà sưu tầm tranh. Tháng 10/1989, một nhà sưu tầm Đài Loan đề nghị mỗi tháng mua của Chóe 2-4 bức tranh sơn dầu, và từ 6 đến 10 bức tranh màu nước. Đây chính là vị khách đầu tiên đặt mua tranh Chóe dài hạn. Năm 1994, ông Holger, chủ bút tờ nhật báo Katrineholm Kourrier của Thụy Điển, mời 4 họa sĩ Việt Nam sang triển lãm ở bảo tàng Nordiska, đã mua một bức tranh của Chóe để tặng nữ hoàng Thụy Điển.
Nhiều nhà sưu tầm mua toàn bộ những tranh triển lãm của họa sĩ Chóe. Ông Nguyễn Đăng Quang (Công ty Lam Sơn TP HCM) mua bộ tranh "Nhân vật của Chóe" gồm 35 bức tranh sơn dầu (1992), mua 2 bộ "Họa thơ Hồ Xuân Hương" gồm 40 bức sơn dầu và bộ "Những phụ nữ Nobel" gồm 27 bức tranh sơn dầu. Năm 1996, bà Nancy Phạm, Việt kiều Mỹ, mua nguyên bộ tranh 41 bức "Những tổng thống Hoa Kỳ"...
Triển lãm kéo dài đến hết ngày 16/3 tại số 53, Hồ Tùng Mậu, TP HCM.
Anh Vân