Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Nicolaus Copernicus ở Ba Lan tìm thấy hài cốt của người phụ nữ có biệt danh "Zosia" trong một nghĩa trang vô danh. Đáng chú ý là hài cốt của người phụ nữ trẻ có một chiếc liềm bằng sắt vắt ngang qua cổ. Ngón chân cái bên trái của Zosia bị cố định bằng ổ móc khóa lớn, tập tục bắt nguồn từ quan niệm những cá nhân nguy hiểm sở hữu cả mặt thiện và ác. Biện pháp này nhằm ngăn chặn linh hồn xấu thoát ra và biến người chết thành ma cà rồng. Zosia qua đời ở độ tuổi 18 - 20 do chứng bệnh gây ngất xỉu và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Cô là một trong hàng chục người bị người dân lân cận cho là ma cà rồng.
Tại nghĩa trang ở Pien, gần Bydgoszcz, nhóm khảo cổ đến từ Đại học Torun khai quật ngôi mộ số 75 chứa hài cốt của Zosia. Các ngôi mộ khác tại đây cũng chôn cất "ma cà rồng" theo cách tương tự, chứng tỏ người dân địa phương rất sợ hãi người chết. Ổ khóa ở ngón chân của Zosia chứng tỏ ngôi mộ của cô có thể đã bị xáo trộn sau lần đầu chôn cất do sự kiện siêu nhiên nào đó. Chiếc liềm đặt trên cổ người chết có thể được thêm vào sau đó nhằm ngăn cô quay trở lại. Sau khi thu thập hài cốt của Zosia, các nhà khảo cổ tiến hành dự án phục dựng chân dung của cô.
Phân tích hài cốt của Zosia hé lộ dấu hiệu bệnh tật bao gồm suy dinh dưỡng hoặc thương tích. Nhóm nghiên cứu tìm thấy bằng chứng ung thư ở xương ức của cô, nhiều khả năng gây đau đớn dù không phải nguyên nhân gây tử vong trực tiếp. Tình trạng này có thể biểu thị dưới dạng một vết đỏ sưng vù trên ngực.
Ngoài ra, hài cốt của Zosia còn có dấu hiệu mắc bệnh Ponticulus posticus gây đau đầu nghiêm trọng, ngất xỉu, thậm chí đột quỵ. Các vấn đề sức khỏe của cô có thể khiến cộng đồng dân cư coi cô như một ma cà rồng tiềm ẩn. Sự hiện diện của dải ruy băng lấp lánh bằng vải brocade gần đầu của Zosia chứng tỏ cô thuộc tầng lớp xã hội cao.
Phân tích ADN và đồng vị hé lộ Zosia có nguồn gốc từ Thụy Điển. Trong suốt thời kỳ này, Ba Lan vướng vào Chiến tranh 30 năm với Thụy Điển, khiến người Thụy Điển không được chào đón. Ngoại hình của Zosia, kết hợp với gia đình giàu có và xuất xứ Thụy Điển có thể khiến cô trở nên khác biệt và không được yêu quý trong cộng đồng.
Nhóm nghiên cứu ở Đại học Torun đã mời nhà khảo cổ Thụy Điển Oscar Nisson phục dựng gương mặt của cô. Sau khi tìm hiểu cấu trúc hộp sọ, Nisson tạo ra bản mô phỏng in 3D của hộp sọ trước khi đắp từng lớp đất sét mô hình theo bó cơ. Nilsson hướng tới khắc họa Zosia "như một con người, không phải là quái vật như cách cô bị chôn".
An Khang (Theo Interesting Engineering)