Triệu chứng của Alzheimer gồm hay quên, đãng trí, nặng hơn là lú lẫn, đi lạc đường và gặp khó khăn khi nói và viết.
Tại hội thảo "Chẩn đoán và điều trị bệnh sa sút trí tuệ dạng Alzheimer" diễn ra tại Hà Nội và TP HCM vừa qua, bác sĩ Nagaendran Kandiah, Viện Khoa học Thần kinh Singapore, Ủy ban Nghiên cứu Y tế Quốc gia Singapore cho biết, ở Đông Nam Á số lượng người sa sút trí tuệ lên tới 175,8 triệu người. Sau 20 năm, số lượng người bị sa sút trí tuệ dự báo tăng lên gấp đôi.
Ở Việt Nam, theo Giáo sư Phạm Thắng, Giám đốc bệnh viện Lão khoa Trung ương, khoảng 4,7% người trên 60 tuổi gặp tình trạng này và ước tính có khoảng 377.000 người đang mắc phải. Số lượng người mắc bệnh Alzheimer và các chứng suy giảm trí nhớ khác gia tăng mỗi năm khi tỷ lệ dân số già tăng lên.
Các chất ức chế cholinesterase được dùng trong điều trị sa sút trí tuệ với tác dụng ức chế một hoặc cả hai enzyme chính tham gia vào việc giáng hóa Acetylcholine (enzyme AChE và BuChE), làm nồng độ Acetylcholine tăng lên trong khe synap và kích thích sự dẫn truyền thần kinh. Hiện miếng dán phóng thích thuốc qua da có thể ức chế cả 2 men này. Thuốc đã được đưa vào sử dụng trong điều trị sa sút trí tuệ dạng Alzheimer, cũng như sa sút trí tuệ trong Parkinson từ nhẹ đến nặng vừa ở Mỹ từ năm 2007.
Ở Việt Nam, thuốc này đã được cấp phép đưa vào điều trị sa sút trí tuệ dạng Alzheimer, cũng như sa sút trí tuệ trong Parkinson từ nhẹ đến nặng vừa từ năm 2014.
Bệnh nhân chỉ cần dán mỗi ngày một miếng vào vùng lưng, vùng trên ngực hoặc phần trên cánh tay. Bệnh nhân có thể tắm rửa mà không ảnh hưởng tới miếng dán.
Để phát hiện sớm bệnh lý sa sút trí tuệ, người ta thường dùng trắc nghiệm tâm lý (còn gọi là thang đánh giá tình trạng tâm thần tối thiểu - MMSE: Minimum Mental State Evaluation).
Bệnh lý sa sút trí tuệ dạng Alzheimer với triệu chứng chính là hay quên, lú lẫn đang gia tăng ở người già, cần được phát hiện chẩn đoán và điều trị sớm.
An San