Chẩn đoán ban đầu ghi trong bệnh án nhập viện là bé bị viêm não, động kinh. “Thế nhưng tại sao bệnh nhi vẫn khóc, tri giác không rối loạn, tứ chi vẫn vận động hình thường…”, bác sĩ Vy băn khoăn khi tiếp xúc với cháu bé và nhìn lại bệnh án.
Theo người nhà, trong bữa sáng hôm ấy bé có biểu hiện lơ đãng mệt mỏi, mẹ kêu tên vài lần vẫn không quay lại. Bé không ngất xỉu, co giật nhưng lười vận động, ít tiếp xúc. Theo dõi khi bé vào khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Mỹ Phước thì không có gì bất thường. Bác sĩ khoa Nội nhi khám, nghi ngờ bé bị viêm não, động kinh và chỉ định chọc dò dịch não tủy. Chẩn đoán rồi nhưng các bác sĩ vẫn còn nhiều băn khoăn nên khoa cấp cứu tiếp tục mời bác sĩ nội thần kinh đến kiểm tra thêm.
Bác sĩ Vy là chuyên gia thần kinh đã 25 năm trong nghề. Tiếp xúc với bé, các biểu hiện bệnh mơ hồ, kín đáo khiến việc thăm khám của ông đứng trước nhiều trăn trở. Kết quả thăm dò cho thấy các phản xạ da bìu của bệnh nhi bình thường. Phản xạ da bụng thì bên trái vẫn có nhưng chậm và giảm hơn một ít. Lật tới lật lui hồ sơ bệnh án với chẩn đoán nghi ngờ viêm não, động kinh, bác sĩ Vy lần lượt làm phép loại trừ.
"Trường hợp này không thể chẩn đoán bị động kinh vì bệnh nhi không co giật và không mất ý thức. Loại trừ cả viêm não bởi bé không sốt, cổ mềm, không có biểu hiện của rối loạn tri giác", bác sĩ Vy cân nhắc suy tư. Nếu bỏ qua các triệu chứng bất thường khác và chỉ xác định động kinh thông thường mà cho bệnh nhi về, nhiều khả năng khối máu tụ chèn ép, chảy máu lớn thì sẽ nguy hiểm tính mạng. Ngược lại, chỉ định chọc dò não tủy khi chưa nắm được có khối máu choán chỗ, tăng áp lực nội sọ thì bệnh nhi đứng trước nguy cơ tụt não và chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Giữa phòng cấp cứu, vị bác sĩ đứng tuổi cứ chần chừ, dè dặt với từng thăm dò phản ứng bệnh nhi. Vừa ngồi ghi bệnh án vừa quan sát cháu bé, ông vừa cố nhớ lại những ca bệnh từng gặp, những tài liệu nghiên cứu từng đọc, suy nghĩ để tìm sự liên hệ. Nhớ lại hình ảnh giải phẫu học, trường hợp da bìu bình thường mà da bụng lười có thể gợi mở những tổn thương bó tháp từ tùy trán và thùy đỉnh, từ đó ông nghĩ đến xu hướng chẩn đoán máu tụ.
Trầm ngâm mãi, khi cháu bé khóc, bác sĩ Vy để ý thấy miệng bé hơi méo trong khi nhân trung không lệch thật sự, dấu hiệu này cho thấy không có tổn thương thần kinh VII trung ương. Môi trên bên trái có dấu vết sưng nề kín đáo, tìm kỹ hơn thấy trán trái bệnh nhi có vết xanh rất nhạt. Khi ấy người mẹ mới nhớ cách đây vài ngày cháu bé bị ngã nên sưng môi. Tìm ra được điểm mấu chốt, bác sĩ Vy quyết định ghi chẩn đoán T/D Hématom (máu tụ ngoài màng cứng vùng thái dương - trán do tai nạn sinh hoạt) và đề nghị cho bé đi chụp CT Scan. Ông đề nghị đồng nghiệp khoa cấp cứu không được chọc dò dịch não tủy trước khi có kết quả CT.
Ý thức rõ kết quả chẩn đoán quan trọng như thế nào đối với phác đồ điều trị một bệnh nhân, nhiều khi ảnh hưởng đến cả sinh mạng con người, bác sĩ Vy trở về khoa nội thần kinh sau khi ghi kết quả chẩn đoán cho bé mà tâm tư ngổn ngang suy nghĩ. Ông bỏ cả cơm trưa, cứ lo lắng mông lung về ca bệnh. Mãi đến khi khoa Hồi sức Cấp cứu thông báo kết quả CT đúng như ông chẩn đoán, cháu bé được can thiệp cứu sống kịp thời, bác sĩ Vy mới thở phào nhẹ nhõm. Ông vội chạy xuống khoa cấp cứu để được tận mắt xem hình ảnh CT vết thương của bé, hồ hởi "nghịch lý là ở chỗ biết bệnh nhân chẩn đoán có bệnh mà mình lại vui".
"Trường hợp này bé ngã bị chấn thương não gây tụ máu nhưng vẫn tỉnh táo nên gia đình chủ quan. Nếu chẩn đoán bệnh sai, điều trị muộn, tình trạng máu tụ sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng cháu bé", bác sĩ Vy chia sẻ.
Hơn 25 năm trong nghề, bác sĩ Nguyễn Quang Vy quan niệm mỗi bệnh nhân như một quyển sách, mỗi tình huống bệnh tật luôn có những chuyển biến không thể nào lường hết được nên người làm nghề y phải luôn cẩn thận tìm hiểu. Tích lũy nhiều kinh nghiệm giúp bác sĩ nhạy bén hơn trong chẩn đoán, điều trị nhưng việc cẩn thận sẽ không bao giờ thừa. |
Lê Phương