Sau đây là một số chứng bệnh mà nôn là một triệu chứng quan trọng:
Nôn kèm nhức đầu và táo bón:
- Tăng áp lực sọ não: Nôn nhiều, vọt thành tia, ăn thứ gì cũng nôn. Nhức đầu rất dữ dội. Táo bón, có khi 4-5 ngày mới đi ngoài 1 lần. Một số trường hợp có rối loạn về liệt các chi. Cần phải chụp X-quang sọ não, chụp cắt lớp vi tính và làm một số xét nghiệm khác. Tùy theo vị trí của u, có thể mổ lấy u theo chỉ định.
- Viêm màng não: Sốt, nôn, nhức đầu, cổ cứng, mắt lác, có những cơn giật. Cần chọc tủy sống làm xét nghiệm.
- Tai biến mạch máu não: Nhức đầu rất dữ dội, sau đó nôn thốc nôn tháo rồi có biểu hiện liệt nửa người hoặc hôn mê. Nguyên nhân có thể do chấn thương sọ não, bệnh tim mạch hay tăng huyết áp. Cần chụp X-quang sọ hay chụp cắt lớp vi tính. Tùy theo tổn thương, có thể mổ hoặc điều trị nội khoa.
- Hội chứng tiền đình: Nhức đầu ít, nôn mửa, chóng mặt, khi thay đổi tư thế của cơ thể thì nôn và chóng mặt càng tăng. Để điều trị, có thể dùng các thuốc an thần, Primperan, Stugeron, nhẹ thì uống, nặng thì phải tiêm.
Nôn kèm đau bụng
- Tắc ruột: Đau bụng dữ dội, đau từng cơn. Nôn nhiều, nôn ra thức ăn, nôn ra mật xanh mật vàng, bí đại tiện và trung tiện. Nhìn trên thành bụng thấy các khúc ruột chuyển động ngay dưới da bụng. Tắc ruột có nhiều nguyên nhân, thường phải mổ.
- Lồng ruột: Dấu hiệu nôn và đau bụng giống như tắc ruột. Đi ngoài ra máu hoặc thăm trực tràng có máu. Thường hay gặp ở trẻ em.
- Hẹp môn vị: Nôn thường xảy ra sau bữa ăn, kèm đau bụng. Nôn rất nhiều, nôn ra thức ăn của bữa trước. Lắc bụng khi đói có tiếng óc ách. Hẹp môn vị thường do ung thư hay loét dạ dày, tá tràng lâu năm. Phải mổ cắt dạ dày mới hết được bệnh.
- Viêm ruột thừa cấp: Đau bụng vùng hố chậu phải, nôn hoặc buồn nôn, có sốt nhẹ hoặc sốt cao, mạch nhanh, bí trung tiện, dùng các thuốc giảm đau không khỏi.
- Viêm gan, viêm đường mật: Thường có đau bụng, sốt vàng da, nôn hoặc buồn nôn. Nếu đường mật tắc nhiều, bệnh nhân cảm thấy rất đau đớn. Có thể mổ lấy sỏi và dẫn lưu hoặc nội soi hút sỏi ra ngoài.
Nôn kèm theo đi ngoài lỏng
Do ngộ độc thức ăn, bệnh thổ tả, urê máu cao. Thường nôn và tiêu chảy rất nặng. Bệnh nhân dễ bị mất nước, trụy mạch, cần được cấp cứu, truyền dịch kịp thời. Sau đó tùy nguyên nhân sẽ điều trị tiếp.
Nôn ra máu
Có thể ra máu tươi, máu đen hay máu cục có lẫn thức ăn. Nếu nôn ra máu nhiều thì nguy cơ tử vong rất cao. Nôn ra máu phần lớn là do bệnh ở dạ dày, hành tá tràng.
- Loét dạ dày, hành tá tràng: Nôn ra máu kèm theo đau bụng nhiều, sau khi nôn thì đi ngoài, phân đen như bã cà phê. Thường bệnh nhân đã có cơn đau từ trước, hay đau vào mùa rét, trước hoặc sau bữa ăn. Cần phải chụp X-quang hoặc soi dạ dày, dùng thuốc cầm máu hoặc thuốc dạ dày Zantac (tiêm tĩnh mạch), dùng các thuốc chống co thắt. Nếu không cầm được máu thì phải mổ cắt dạ dày.
- Ung thư dạ dày: Thường gặp ở người lớn tuổi hoặc người có sẵn ổ loét dạ dày. Bệnh nhân thường thấy khó tiêu, đau bụng vùng trên rốn. Lượng máu nôn ra thường ít, đen như bã cà phê. Thể trạng bệnh nhân gầy sút nhanh, da vàng rơm. Cần chụp X-quang hay soi dạ dày, làm sinh thiết. Có thể phải cắt bỏ dạ dày.
- Viêm dạ dày: Lượng máu nôn ra thường ít và đen. Bệnh nhân có cảm giác đau, rát bỏng vùng thượng vị. Đau trong bữa ăn, thường không có tính chất đau theo chu kỳ trong năm. Cần chụp X-quang, soi dạ dày, uống cimetidin, omeprazon, gastropulgit, amoxycillin, tetracyclin.
TS Đào Kỳ Hưng, KH&ĐS