Trong báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết trong điều kiện dịch vụ viễn thông phát triển với giá thành rẻ, nhiều người lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như quảng cáo rác, cuộc gọi lừa đảo.
Trung bình mỗi tháng doanh nghiệp viễn thông và các cơ quan chức năng chặn 40.000-65.000 thuê bao, trong khi con số trung bình tháng năm 2023 là 50.000. Để ngăn chặn, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan, tổ chức, người dân chủ động ngăn chặn, tương tự như xử lý tội phạm trong thế giới thực.
Bộ đã yêu cầu rà soát, hoàn thiện quy định về quản lý thuê bao, kho số, đấu giá kho số; thực hiện chuẩn hóa, xác thực thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; xử lý triệt để sim không chính chủ.
Cuối năm 2023, Quốc hội thông qua Luật Viễn thông, trong đó quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp phải xác thực, quản lý thông tin thuê bao, xử lý sim có thông tin không đầy đủ, không chính xác. Doanh nghiệp viễn thông phải chặn lọc và giám sát tin nhắn, cuộc gọi rác thông qua tiếp nhận phản ánh. Bộ Thông tin và Truyền thông định danh cuộc gọi cho cơ quan nhà nước, hạn chế tình trạng giả mạo các cơ quan để lừa đảo.
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công an chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông di động kết nối thông tin thuê bao với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để rà soát trường hợp có thông tin không trùng khớp. Thời gian tới, hai Bộ sẽ phối hợp xử lý tình trạng "một thuê bao sở hữu nhiều sim" và yêu cầu doanh nghiệp phát triển giải pháp bảo vệ khách hàng, phòng chống tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo.
Theo chương trình kỳ họp 8, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ trả lời chất vấn vào sáng 12/11. Ông sẽ trả lời một số nội dung, trong đó giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội; việc đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông...