Chăm lo về dinh dưỡng cho trẻ là hoạt động chính của trường mầm non, tiểu học bên cạnh việc giảng dạy kiến thức, kỹ năng. Đây cũng là yếu tố được nhiều phụ huynh quan tâm bởi con trẻ dành phần lớn thời gian sinh hoạt tại trường.
Để giúp trẻ ăn uống đủ dinh dưỡng, nhiều trường xây dựng thực đơn cho bữa ăn phù hợp với độ tuổi, triển khai chương trình Sữa học đường, giáo dục kiến thức dinh dưỡng trong nội dung học tập và hoạt động ngoại khóa.
Tổ chức bữa ăn bán trú
Nhiều trường mầm non tổ chức cho trẻ ăn sáng, trưa và dùng bữa xế. Các món ăn thường xuyên thay đổi, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng theo lứa tuổi, đủ bốn nhóm chất gồm bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất.
Học sinh tiểu học theo học chương trình bán trú sẽ ăn trưa tại trường. Bữa trưa cung cấp năng lượng các em học tập, vui chơi trong ngày. Thực đơn cho học sinh cũng được cân bằng dinh dưỡng, đa dạng gồm món mặn, món xào hoặc luộc, canh, tráng miệng đáp ứng tiêu chí đảm bảo vệ sinh, ngon miệng và bổ dưỡng.
Thực đơn sẽ được nhà trường thông tin đến phụ huynh và nhiều giáo viên thường xuyên, cập nhật về bữa ăn của các bé bằng hình ảnh thực tế giúp các bậc cha mẹ yên tâm.
Tăng cường sữa trong chế độ ăn uống hàng ngày
Ngoài các bữa ăn, để bổ sung dinh dưỡng cho học sinh, nhiều trường mầm non, tiểu học còn triển khai chương trình Sữa học đường. Trẻ uống sữa đều đặn hơn góp phần cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, hỗ trợ tăng chiều cao, phát triển thể chất, trí não.
Trên thế giới, nhiều nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã đưa chương trình uống sữa vào trường học từ rất lâu và đạt kết quả tích cực. Tại Việt Nam, chương trình Sữa học đường bắt đầu từ năm 2006 tại địa phương đầu tiên Bà Rịa -Vũng Tàu. Đến nay, hàng triệu trẻ em ở nhiều tỉnh thành trên cả nước được uống Sữa học đường khi đến trường.
Sữa học đường được triển khai theo hình thức xã hội hóa, nhà nước, doanh nghiệp và phụ huynh cùng chung tay để nhiều trẻ có điều kiện uống sữa tại trường. Tại hầu hết các tỉnh, thành, đối tượng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đều được uống sữa miễn phí khi chi phí được tỉnh và doanh nghiệp cung cấp sữa tài trợ hoàn toàn.
Cô Phan Thị Mỵ, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Thị trấn Củ Chi (TP HCM) chia sẻ, ban giám hiệu, nhân viên y tế tuyên truyền hoạt động uống sữa vào giờ sinh hoạt dưới cờ đầu tuần. Giáo viên chủ nhiệm là người tích cực nhất giáo dục các bé hoạt động này trong giờ sinh hoạt lớp.
Các giáo viên cho biết trẻ hào hứng khi được uống sữa cùng bạn bè. Các trò chơi vui tươi lồng ghép kiến thức dinh dưỡng trong giờ uống sữa tạo cho trẻ sự thích thú.
Ở độ tuổi mầm non 3-5 tuổi nhưng các em đã biết sáng tạo vật dụng, đồ chơi từ vỏ hộp sữa, giữ môi trường xanh, sạch, đẹp từ hoạt động đơn giản nhưng thiết thực. Nhiều em ở nhà không chịu uống sữa nhưng khi đến trường không khí vui tươi, cùng thi đua với các bạn bè, nghe lời thầy cô nên tự giác và yêu thích việc uống sữa hơn.
Cô Ngô Thị Trúc Linh, giáo viên trường Mầm non Thạnh Đức (Tây Ninh) cho biết, mỗi ngày đến giờ uống sữa học đường, trong ánh mắt ngây thơ, nụ cười trong sáng của trẻ là niềm yêu thích. Trẻ chẳng cần cô gọi tên nhận sữa hay đợi nhắc nhở uống sữa nghiêm túc, mỗi em tự ý thức xếp hàng ngay ngắn nhận sữa và ngồi trật tự uống.
Dạy trẻ về dinh dưỡng
Nhiều trường mầm non tạo cơ hội cho trẻ vào bếp thực hiện một số món ăn đơn giản như học cách làm nước ép trái cây, nước ép rau quả, làm bánh... Cô giáo cùng các bé chơi một số trò chơi, trả lời các câu hỏi về nhà bếp.
Trẻ có cơ hội trải nghiệm bằng giác quan để nhận biết đặc điểm, tính chất của từng loại thực phẩm; biết cách chọn thực phẩm tươi ngon, nhờ đó, tư duy và kiến thức thực tế về dinh dưỡng của các em mở rộng hơn. Đây cũng là một trong những cách giúp bé yêu thích bữa ăn, kích thích ăn uống, không chỉ ở trường mà cha mẹ có thể cùng con thực hiện tại nhà.
Trẻ mầm non, tiểu học còn tham quan vườn trường để gọi tên cây, tự tay chăm sóc vườn rau, nhận biết thực phẩm có lợi cho sức khỏe... Hoạt động chăm sóc, giáo dục kiến thức dinh dưỡng cho học sinh tiểu học được lồng ghép trong những môn học khác nhau, nhất là các môn tự nhiên, xã hội.
Theo cô Lê Thị Hồng, Hiệu trưởng trường Mầm non Thị trấn Củ Chi 2 (TP HCM), từ lớp mầm, nhà trường đã giáo dục kiến thức dinh dưỡng cơ bản, lên lớp chồi sẽ tăng cường hơn. Đến lớp lá, trẻ có thể biết một số thực phẩm có lợi cho da, mắt, trí não... qua màu sắc.
Còn thông qua hoạt động uống Sữa học đường, nhiều bé biết đọc hạn sử dụng trên hộp sữa, uống sữa đúng cách, đúng giờ, biết về các dưỡng chất có trong sữa giúp nâng cao sức khỏe, phát triển thể chất.
Tiếp thu kiến thức dinh dưỡng qua hoạt động ngoại khóa
Hoạt động ngoại khóa, kỹ năng mềm ở một số trường học còn có nhiều hình thức giáo dục kiến thức dinh dưỡng. Các bé ở cấp tiểu học đã có thể học về các chất dinh dưỡng thì ngoài phổ biến kiến thức, giáo viên còn hướng dẫn thông qua trò chơi, thi tài vào bếp, vẽ tranh hay tổ chức chuyến đi thực tế tại các nhà máy, nông trại trồng trọt, chăn nuôi...
Nhờ đó, trẻ dễ dàng tiếp cận kiến thức, thực hành về dinh dưỡng, ghi nhớ kiến thức lâu hơn và hình thành thói quen ăn uống lành mạnh. Trẻ thích thú, hòa mình cùng thiên nhiên, có thể hiểu hơn về lợi ích của các loại thực phẩm với sức khỏe.
Hoạt động ngoại khóa cho các bé đi siêu thị mua nguyên liệu để làm món ăn được tổ chức bởi nhiều trường mầm non. Tự tay chọn nguyên liệu giúp các bé hiểu hơn về thực phẩm, phân biệt các loại thức ăn và thích thú với món ăn làm ra, nhất là các món từ rau củ như salad, cơm cuộn, sữa chua trái cây...
Nhờ sự đa dạng trong hình thức giảng dạy, cách tiếp cận trực quan sinh động các bài học, kiến thức về dinh dưỡng nên trẻ sẽ dễ dàng ghi nhớ một cách tự nhiên, chủ động và hình thành thói quen ăn uống tốt cho sức khỏe, sự phát triển.
Ngọc An