Chiều 4/4, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng ông David Hurley, Toàn quyền Australia đến thăm, làm việc với Cục gìn giữ hòa bình Việt Nam.
Người đứng đầu Nhà nước biểu dương kết quả, sự nỗ lực khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ của lực lượng thời gian qua. Ông khẳng định, việc tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc đã "tiếp tục tô thắm phẩm chất cao đẹp của Bộ đội cụ Hồ trong thời đại mới".
Theo Chủ tịch nước, để đạt được kết quả trong lĩnh vực này, ngoài sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Đảng, Nhà nước, Việt Nam đã có sự hợp tác, hỗ trợ của các đối tác quốc tế, trong đó Australia là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu. Với bề dày kinh nghiệm đào tạo, huấn luyện, triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, Australia luôn dành sự quan tâm đặc biệt, ủng hộ và hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho Việt Nam.
Chủ tịch nước gửi lời cảm ơn đến Chính phủ Australia và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả của nước bạn trong thời gian tới. "Người Việt Nam chúng tôi có câu đã là đối tác tốt, chúng ta cố gắng tốt hơn nữa; đã hỗ trợ nhau tốt rồi thì tiếp tục hỗ trợ để mang tới kết quả tốt đẹp hơn", Chủ tịch nước nói.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu chiều 4/4 tại Cục Gìn giữ hòa bình. Ảnh: Giang Huy
Toàn quyền David Hurley nói hợp tác cùng Việt Nam trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc làm ông "thực sự thấy ấm lòng". Từng được điều tới Somalia vào những năm 1990 tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình nhằm xóa bỏ, chấm dứt xung đột cho quốc gia này, ông David Hurley hiểu được sự cao cả của sứ mệnh mà những người lính được giao.
"Các sĩ quan phải đi đến một quốc gia xa lạ để hỗ trợ những người cần sự giúp đỡ. Dù vậy, chất lượng, thái độ, sự chuyên nghiệp của những quân nhân Việt Nam trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc luôn được đánh giá cao; mang đến niềm hy vọng cho người dân bản địa", ông David Hurley nói.
Toàn quyền Australia khẳng định Australia sẽ tiếp tục hỗ trợ trang bị, chương trình huấn luyện, chuyến bay để đảm bảo an toàn cho lực lượng Việt Nam triển khai đến Phái bộ Liên Hợp Quốc và khi hoàn thành nhiệm vụ trở về.

Toàn quyền Australia David Hurley (áo đen, giữa) trao đổi với sĩ quan mũ nồi xanh Việt Nam. Ảnh: Giang Huy
Việt Nam bắt đầu gửi quân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc năm 2014. Một năm sau đó, Australia ký kết Bản ghi nhớ với Việt Nam về hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, làm cơ sở để triển khai khóa đào tạo tiếng Anh; huấn luyện cho các Đội cấp cứu đường không của bệnh viện dã chiến; khóa học hàng năm về gìn giữ hòa bình. Australia cũng hỗ trợ nhiều trang thiết bị cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam như xe cứu thương, máy phát điện, thiết bị huấn luyện.
Từ năm 2018, Australia đã cung cấp 16 chuyến máy bay C-17 của Không quân Hoàng gia để đưa đón gần 300 trăm lượt cán bộ, nhân viên y tế và khoảng 300 tấn trang bị Bệnh viện dã chiến của Việt Nam tới thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan.
Tính đến đầu năm 2023, Việt Nam đã cử 533 lượt cán bộ, sĩ quan quân đội và 4 sĩ quan cảnh sát thuộc Bộ Công an tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình tại Trụ sở Liên Hợp Quốc và các Phái bộ. Trong đó, 4 lượt Bệnh viện dã chiến cấp 2 gồm 252 cán bộ, nhân viên y tế; Đội Công binh số 1 với 184 cán bộ, nhân viên và 100 lượt sĩ quan triển khai theo hình thức cá nhân. Tỷ lệ nữ tham gia hoạt động này của Việt Nam đạt 16,6% - cao hơn khá nhiều so với mặt bằng chung của các quốc gia khác.
Tỷ lệ cán bộ được Liên Hợp Quốc đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt hơn 30%; 21 cán bộ được nhận Bằng khen của Liên Hợp Quốc do có những đóng góp đặc biệt trong thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, giúp đỡ người dân và chính quyền địa phương như chăm sóc sức khỏe và nuôi dạy trẻ nhỏ, dạy học, cải tạo môi trường và xây dựng trường lớp, nhà ở.